Công an TP.HCM quyết triệt 'tín dụng đen'

Công Nguyên
Công Nguyên
21/08/2019 04:48 GMT+7

“Tín dụng đen” được xác định là nguyên nhân phát sinh nhiều hành vi gây mất an ninh trật tự, bất ổn xã hội.

Trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên, trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP.HCM, cho biết Ban Giám đốc Công an TP đã có nhiều chỉ đạo, kế hoạch cụ thể trấn áp loại tội phạm này.

Ảnh: Khả Hòa

Theo trung tướng Lê Đông Phong (ảnh), “tín dụng đen” là hình thức cho vay trái pháp luật ngoài hệ thống tín dụng, ngân hàng. Hình thức hoạt động này là giao dịch ngầm, giao nhận tài sản và tiền lãi ẩn giấu qua nhiều thủ đoạn, sự thỏa thuận giữa con nợ và chủ nợ không được chứng thực, cho vay với lãi suất rất cao.

Công an TP.HCM nói về vụ tạt sơn khủng bố ở cửa hàng phở Hòa - Thực hiện: Phạm Thu Ngân

Vì sao người dân tìm đến “tín dụng đen”, thưa trung tướng?
Trong thực tế, nhu cầu của tổ chức, cá nhân cần vay tiền để phục vụ các mục đích khác nhau rất đa dạng; trong số đó có không ít trường hợp vay tiền với mục đích không chính đáng, thậm chí vi phạm pháp luật như đánh bạc. Trong khi đó, các tổ chức tín dụng, ngân hàng khi thực hiện dịch vụ cấp tín dụng, cho vay phải có những điều kiện nhất định và không phải tổ chức, cá nhân nào cũng đủ điều kiện để tiếp cận.
Từ thực tế này đã phát sinh và hình thành việc cho vay trái pháp luật ngoài hệ thống tín dụng, ngân hàng. Việc dẫn dụ để tiếp cận người có nhu cầu vay được biến thiên thành nhiều phương thức, như: thuê người phát, dán tờ rơi hay sử dụng các website, mạng xã hội, các số thuê bao không đăng ký chính chủ... để đăng tin, gửi tin nhắn quảng cáo vay tiền với các thông tin “không cần gặp mặt, không cần thế chấp, thủ tục đơn giản, cấp tiền ngay”. Dù biết và nhận thức việc vay từ các nguồn này có lãi suất rất cao nhưng các tổ chức, cá nhân vẫn chấp nhận.
Thực tế “tín dụng đen” gây mất an ninh trật tự kéo dài nhiều năm nay, phải chăng Công an TP.HCM chưa mạnh tay hay chưa tìm ra biện pháp hữu hiệu để trấn áp?
Công an TP.HCM quyết triệt  “tín dụng đen”

Nghi phạm “khủng bố” phở Hòa bị bắt

Ảnh: Công an cung cấp

Hoạt động “tín dụng đen” đã gây ra nhiều hậu quả, hệ lụy ảnh hưởng đến tình hình trật tự xã hội trên địa bàn TP; gây bức xúc trong dư luận và quần chúng nhân dân. Trong đó không chỉ là các hành vi gây áp lực “khủng bố” tinh thần bằng việc ném chất bẩn, dùng sim rác gọi điện đe dọa mà đã phát sinh các hành vi trái pháp luật, như cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật, thậm chí gây ra vụ án giết người. Thực trạng này đã được Công an TP chủ động dự báo, nắm chắc tình hình và với vai trò là lực lượng chủ công trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, một mặt Công an TP đã tham mưu cho UBND TP triển khai Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25.4.2019 của Thủ tướng Chính phủ về công tác tăng cường phòng ngừa, đấu tranh hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen và có văn bản kiến nghị gửi Bộ Tài chính trong việc quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê; làm việc, trao đổi với Ngân hàng Nhà nước về việc góp ý, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực tín dụng; thường xuyên cập nhật thông báo tình hình, phương thức thủ đoạn hoạt động, kết hợp thiết lập các đường dây nóng, các hộp thư tố giác tội phạm để tiếp tục nâng cao tinh thần tố giác tội phạm của người dân.
Mặt khác, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an TP đã triển khai kế hoạch chuyên đề để đấu tranh chuyên sâu với tội phạm “tín dụng đen” bằng nhiều biện pháp. Đồng thời đã chỉ đạo làm tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo tố giác tội phạm có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, như cho vay lãi nặng, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật, gây rối trật tự công cộng...; chủ động hướng dẫn xác định các tình tiết định tội và định khung theo điều 201 bộ luật Hình sự 2015; kết hợp các biện pháp công tác hành chính và công tác phối hợp khác với các đơn vị liên quan...
Các biện pháp công tác trên đã kiềm chế hoạt động cũng như các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”. Trong 6 tháng đầu năm 2019, Công an TP ghi nhận xảy ra 9 vụ vi phạm pháp luật hình sự liên quan đến “tín dụng đen” (giảm 1 vụ so với cùng kỳ năm trước), đã khởi tố 8 vụ, 17 bị can. Các hành vi phát sinh từ “tín dụng đen” như: đe dọa, gây rối trật tự công cộng, đổ chất bẩn, xiết nợ xảy ra 210 vụ (giảm 60 vụ so với cùng kỳ năm trước). Công an TP đã phát hiện, lên danh sách 962 đối tượng nghi vấn hoạt động cho vay, 864 số điện thoại cho vay.
Với kết quả trên thì số vụ xử lý hình sự quá ít so với sự vụ xảy ra, trong khi các tội danh này đều quy định rõ trong luật, theo trung tướng đâu là nguyên nhân?

Quán phở Hòa bị “khủng bố” 8 lần trong 20 ngày

Ảnh: Công Nguyên

Việc xử lý hình sự hành vi phạm tội nào phải đảm bảo thu thập đầy đủ tài liệu chứng cứ chứng minh các yếu tố cấu thành tội phạm được quy định trong bộ luật Hình sự. Và như đã trao đổi ở trên, liên quan hoạt động “tín dụng đen” phát sinh các hành vi vi phạm pháp luật ở nhiều mức độ khác nhau. Do đó, khi xảy ra sự việc, công an phải căn cứ vào kết quả xác minh, thu thập tài liệu và xử lý theo đúng quy định pháp luật tương ứng với hành vi thực hiện. Việc xử lý hình sự sẽ tiến hành khi đảm bảo thu thập đầy đủ chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội cụ thể được quy định tại bộ luật Hình sự.
Công tác đấu tranh phòng, chống “tín dụng đen” phải được triển khai tổng thể nhiều biện pháp của các cơ quan quản lý nhà nước. Riêng với Công an TP, tinh thần và yêu cầu đặt ra là phải phòng ngừa, đấu tranh quyết liệt với hoạt động trái pháp luật này. Và để công tác phát hiện, đấu tranh hiệu quả thì rất cần sự hợp tác của người bị hại liên quan “tín dụng đen”.
Có ý kiến cho rằng các hành vi vi phạm pháp luật phát sinh từ “tín dụng đen” chưa được công an xử lý nghiêm là nguyên nhân chính “nạn” đòi nợ thuê vẫn còn phức tạp...
Như đã nói ở trên, việc xử lý dù dưới hình thức chế tài cũng phải chứng minh được mối quan hệ nhân quả, cá nhân hay tổ chức nào thực hiện và được xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Thực trạng đòi nợ thuê còn tồn tại, còn phát sinh không chỉ ở việc các đối tượng, tổ chức lợi dụng kẽ hở pháp luật để đối phó, mà còn ở ngay chính những người đi vay do lo ngại, sợ phiền hà hoặc sợ các đối tượng cho vay lãi nặng khống chế, đe dọa, trả thù hoặc sợ cơ quan công an sẽ làm rõ mục đích các khoản vay sử dụng không chính đáng nên chính họ dù là nạn nhân thường né tránh, từ đó gây ra nhiều khó khăn đối với công tác thu thập chứng cứ mặc dù đã được tập trung ngăn chặn nhưng chưa triệt để.
Trung tướng nhìn nhận thế nào về trách nhiệm của lực lượng công an cơ sở trong việc để phát sinh trường hợp người dân bị các nhóm giang hồ đe dọa, tạt sơn và chất bẩn?
Công an TP khẳng định cho đến thời điểm hiện tại chưa ghi nhận hay phát sinh vấn đề tiêu cực từ trong nội bộ lực lượng liên quan đến “tín dụng đen”. Quy định, quy trình tiếp nhận tố giác về tội phạm và tiếp nhận vụ việc liên quan an ninh trật tự đều được quán triệt nghiêm túc từ lực lượng công an cơ sở và xử lý nghiêm khi phát sinh vi phạm. Việc tiếp nhận, nắm bắt kịp thời không chỉ từ nhân tố lực lượng công an mà rất cần sự hợp tác, trình báo, hỗ trợ cung cấp từ quần chúng nhân dân nói chung và người đi vay nói riêng khi có các hành vi vi phạm pháp luật phát sinh.
Công an TP đề nghị người dân nếu phát hiện bị người khác tạt sơn, chất bẩn khủng bố tinh thần nhằm đòi nợ thì việc đầu tiên phải giữ nguyên hiện trường và trình báo công an gần nhất. Các trường hợp nào từ chối tiếp nhận thông tin, tố giác do người dân cung cấp, trình báo thì đề nghị người dân phản hồi đầy đủ thông tin đơn vị không tiếp nhận cho Công an TP (qua Cổng thông tin điện tử hoặc số điện thoại trực ban của Công an TP đã được công khai) để Ban Giám đốc Công an TP xử lý.

Sẽ đánh giá toàn diện vụ phở Hòa  bị “khủng bố”

 
Về vụ quán phở Hòa bị ném chất bẩn 8 lần trong vòng 20 ngày, PV Thanh Niên nêu câu hỏi trách nhiệm của công an địa phương ở đâu. Trung tướng Lê Đông Phong nói: ngay sau khi nhận thông tin việc quán phở Hòa liên tục bị ném chất bẩn khủng bố, Công an TP.HCM chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự nhanh chóng vào cuộc điều tra truy bắt các đối tượng. Công an đã bắt giữ được 5 nghi phạm, xác định đây không phải liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” mà do làm ăn chung rồi phát sinh mâu thuẫn. Công an TP đã chỉ đạo xem xét đánh giá lại quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin của công an địa phương liên quan đến quán phở Hòa bị tấn công . Sau vụ việc, Công an TP sẽ có đánh giá toàn diện, để từ đó rút kinh nghiệm cho tất cả công an quận, huyện trong những trường hợp tương tự ở phở Hòa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.