Công khai hóa hoạt động xét xử, tránh oan sai

17/05/2011 02:44 GMT+7

Ông Huỳnh Ngọc Ánh, Phó chánh án TAND TP.HCM, nhấn mạnh như vậy khi đề cập đến chương trình cải cách tư pháp (CCTP), xây dựng đội ngũ cán bộ công chức trong sạch, có năng lực đáp ứng yêu cầu tình hình mới, tránh oan sai theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng.

Theo ông Ánh, hiện nay trong toàn ngành tòa án và các cơ quan tư pháp đang thực hiện Nghị quyết 08 và Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược CCTP từ nay đến năm 2020, mà trọng tâm là công tác xét xử của tòa án. Chương trình CCTP đến nay cũng đạt được nhiều thành quả nhất định và công khai hóa hoạt động xét xử (HĐXX) là một trong những bước đi trong tiến trình CCTP để tránh xảy ra tình trạng án oan sai.

 

 Nâng cao chất lượng tranh tụng tại tòa để tránh oan sai - Ảnh: D.Đ.M

Riêng ngành tòa án thành phố, địa phương có lượng án thụ lý, giải quyết lớn nhất trong cả nước (chiếm 1/5 lượng án của cả nước), trong những năm qua đã liên tục chấn chỉnh, có những cải cách mang tính đột phá như công khai hóa HĐXX, từ đó người dân không còn tâm lý "ngại" tòa. Cụ thể, đã thực hiện số hóa, áp dụng công nghệ thông tin vào HĐXX. Toàn bộ các vụ án đang thụ lý đều được nhập liệu vào hệ thống. Người dân có thể đến tòa tra cứu để biết được vụ việc của mình do thẩm phán nào đang thụ lý giải quyết và đã đến công đoạn nào. Toàn bộ lịch xét xử, các văn bản, biểu mẫu... được cập nhật lên website để người dân có thể tìm hiểu và đã có 6 triệu lượt người đã truy cập.

Một trong những vấn đề then chốt của HĐXX chính là vấn đề nhân sự, tổ chức cán bộ, tuyển chọn các chức danh để đảm bảo bản án, phán quyết của tòa minh bạch, tuân thủ pháp luật. Theo ông Ánh, xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp mà cụ thể là cán bộ công chức ngành tòa án có đầy đủ phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn cũng là một trong những nhiệm vụ then chốt nhằm thực hiện CCTP.

Ông Ánh cho rằng, dựa trên quy định của pháp luật và nguyên tắc xét xử độc lập, cần thiết phải từng bước nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa. Các phán quyết của tòa án căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng, trên cơ sở xem xét khách quan, toàn diện các chứng cứ đã được thẩm tra tại phiên tòa để chất lượng giải quyết, xét xử được đảm bảo. Qua đó cho thấy, vai trò của thẩm phán trong việc xét xử một cách độc lập là hết sức quan trọng. Ngoài ra, cũng cần xây dựng niềm tin nội tâm của người thẩm phán trước khi phán quyết một vấn đề để đảm bảo tính khách quan, công bằng. Đặc biệt, đẩy mạnh công tác giám đốc kiểm tra để phát hiện, chấn chỉnh những sai sót trong xét xử.

Lê Nga (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.