Cách tấn công của 'hacker Việt Nam' vào Anonymous có thực sự nguy hiểm?

20/11/2015 17:55 GMT+7

Hệ thống webchat của nhóm hacker Anonymous bị tấn công và không thể truy cập vào tối 18.11 nghi là do 'hacker Việt' gây ra. Vậy thực sự Anonymous có quá dễ để bị tấn công?

Liên quan đến việc tối 18.11, tài khoản twitter #Phisher cho biết hệ thống webchat của nhóm hacker Anonymous bị tấn công và không thể truy cập là do 'hacker Việt' gây ra, vậy thực sự Anonymous có quá dễ để bị tấn công?

Anonymous là nhóm hacker nổi tiếng trên thế giới với các thành viên đến từ nhiều quốc gia khác nhau - Ảnh: AFPAnonymous là nhóm hacker nổi tiếng trên thế giới với các thành viên đến từ nhiều quốc gia khác nhau - Ảnh: AFP
Trước khi làm rõ vấn đề này, thì chính tài khoản #Phisher cũng cho biết đã truy tìm được thủ phạm thực hiện vụ tấn công là 5 hacker trẻ có độ tuổi từ 18 - 23, thậm chí cả email và tài khoản Facebook cũng được liệt kê đầy đủ. Điều này cho thấy việc truy tìm "thủ phạm" của một người được cho là đại diện Anonymous khá nhanh.
Tiết lộ ban đầu của #Phisher, 5 hacker nói trên lấy tên là các tài khoản TAK3R, PT2K2, EzsKey, NoLifeVN và DC27K2, thuộc nhóm New Kings. Thậm chí, tài khoản #Phisher nhận định những người tấn công không phải chuyên nghiệp, trình độ tiếng Anh còn kém và nhận thức vấn đề chưa cao.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Ngô Tuấn Anh, Phó chủ tịch mảng An ninh mạng của Bkav, cho biết thực tế việc tấn công nói trên không gây nguy hiểm và dễ thực hiện. Theo đó, kênh chát của nhóm Anonymous thực chất là một website dựa trên phương thức IRC, đây là công nghệ cũ và được sử dụng trên những công cụ chát nhóm rất lâu như IM, Yahoo! Messenger, MSN...
#Phisher khẳng định vụ tấn công là do hacker Việt Nam gây ra, nhưng trình độ nhóm tấn công là không cao - Ảnh chụp màn hình
Việc hacker vẫn thích trao đổi thông tin qua IRC bởi giao thức này không yêu cầu phải đăng ký, đăng nhập, mà chỉ cần điền tên và vào kênh bất kỳ là đã có thể tán gẫu với nhau. Chính vì thế, nó khó lưu lại dấu vết.
Tuy nhiên, do sử dụng công nghệ cũ nên trên internet hiện nay đã có rất nhiều bài viết, công cụ hướng dẫn cách tấn công vào những trang web theo dạng này. Chính vì thế, không khó để các hacker nghiệp dư có thể tìm ra, ông Tuấn Anh chia sẻ.
Bên cạnh đó, ông Tuấn Anh cũng khẳng định Bkav đã nắm rõ được thông tin của nhóm hacker New Kings và đúng là nhóm tin tặc này đang ở Việt Nam. Tuy nhiên, thành viên của nhóm này đa số đều là những học sinh hoặc những người có tuổi đời còn rất trẻ, trình độ hack cũng còn kém kinh nghiệm, ý thức nhận thức vấn đề chưa cao.
Một hacker mũ trắng sống tại TP.HCM chia sẻ, có thể hiểu đơn giản IRC chỉ là một kênh chát công cộng (public), kênh này sẽ được các thành viên Anonymous hẹn giờ cùng nhau vào để trò chuyện theo nhóm. Do là kênh tạo công cộng nên ai cũng có thể vào được và nếu muốn phá hoại thì chỉ cần tạo một công cụ tự động tạo ra thật nhiều nick ảo, dẫn đến kênh bị quá tải không thể truy cập.
Có thể hình dung đây là một cách thức tấn công theo dạng DDoS hoặc Spam đơn giản, vì thế không cần quá đề cao nhóm New Kings bởi vì phương thức tấn công là rất đơn giản, một hacker mũ trắng cho biết.
Tuy nhiên, dù như thế nào đi nữa thì việc thực hiện các hành vi phá hoại trên mạng rất đáng lên án, bởi nó có thể tạo ra những hệ lụy xấu. Chẳng hạn, những hành động này có thể khiến cho các hacker quốc tế tấn công "trả đũa" vào các hệ thống mạng tại Việt Nam, cho dù có những chuẩn bị, đối phó nhưng cũng khó tránh khỏi ảnh hưởng thiệt hại nếu việc này xảy ra, ông Tuấn Anh cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.