Cần sự hợp tác giữa người chơi và nhà phát hành

20/05/2008 15:41 GMT+7

Trong thời gian hiện nay, một loạt game thể thao điện tử (eSports) xuất hiện tại thị trường Việt Nam như Biệt đội (Sudden Attack), Đột kích (Cross Fire), Đặc nhiệm anh hùng (Special Force). Điều này đã thổi một luồng gió mới về thị trường eSports của nước ta, mang đến cho người chơi những trải nghiệm mới và đầy hấp dẫn, mở ra những cơ hội cho các game thủ đến gần hơn những giải đấu danh giá thế giới như CPL (Cyberathlete Professional League) của Mỹ; Giải Electronic Sports World Cup (ESWC); giải World Cyber Game (WCG)…

Bên cạnh những game thủ say mê khám phá, tìm hiểu và cống hiến vì một môi trường thể thao lành mạnh thì một số game thủ lại làm “rầu nồi canh”. Dạo qua bất kỳ một game online nào, vấn nạn đầu tiên là hiện tượng văng tục, chửi thề trong game mà hầu như những GM (quản trị game) đều bất lực, chưa có biện pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề này. Đối với những game bắn súng như SF, CF…thì vấn nạn này càng khủng khiếp hơn nữa, họ có thể văng tục bất kỳ lý do gì miễn là cho thoải mái miệng (vì có ai xử lý đâu).

Có ai đó đã từng nói rằng game thủ Việt rất giỏi gian lận thì cũng chẳng ngoa chút nào. Thay vì cống hiến, khám phá tính hấp dẫn của game và giành lấy vinh quang bằng những sáng tạo, sự nỗ lực hết mình của bản thân thì họ lại chăm chăm tìm những lỗ hổng của game để gian lận. Hết bug, hack để không mắc công cày kéo thì đến lượt lợi dụng góc lag trong SF để trục lợi, đến nỗi nhà phát hành phải mở chiến dịch tố cáo việc dùng góc lag trong game; hay hack ghost trong CF đã trở thành cuộc chiến không cân sức giữa một phe dùng súng còn phe kia dùng dao. Hậu quả là những game thủ chân chính quay lưng lại với trò chơi, tìm đến một trò chơi khác hoặc họ cũng sẽ “ăn gian” với tâm lý nó hack dại gì mình không làm. Còn những hacker thì hãnh diện vì mình là số 1 nhưng họ không nghĩ rằng mình  đang giết chết tinh thần trong sáng của thể thao điện tử.

Đối với các nhà phát hành game, việc rút ngắn thời gian giữa bản Open Beta và bản Close Beta cho thấy tính chuyên nghiệp của nhà phát hành. Đồng nghĩa với điểu này là tính thương mại hóa ngày càng rõ rệt chứ không còn “free” như ngày xưa nữa. Phải nạp tiền vào tài khoản thì người chơi mới có cơ hội sở hữu những đồ vật giúp cho nhân vật chiến đấu và thăng hạng. Đây cũng là nghịch lý hiện nay, với những người chơi có thu nhập cao thì đây chẳng là vấn đề gì, nhưng nếu ngược lại thì nhân vật của họ vẫn mãi đứng “top dưới”, tính công bằng trong game không còn nữa.


Những giải đấu game là bước tạo tiền đề để thể thao điện tử phát triển

Cộng đồng game ngày càng phát triển và rộng lớn, nhưng đưa game thủ đến với những giải đấu uy tín thì hầu như không phải nhà phát hành nào chú ý đến. Có chăng đó là những giải đấu Clan/Team mang tính chất PR cho chính nhà phát hành, do vậy khi chúng ta tham gia các giả đấu quốc tế hoặc trong khu vực, chúng ta rất khó giành được chiến thắng. Một tồn tại khác của nhà phát hành là họ bất lực trước những vấn nạn của game như văng tục, hack ghost, dùng góc lag để ăn gian… dù cho họ đã đưa ra những bản vá, những hình thức xử phạt người vi phạm, nhưng rồi đâu vẫn vào đấy. Kết quả là nhà phát hành thiệt hại một điều vô cùng quan trọng: Lòng tin của người chơi.

Với những điều như trên, để game online Việt phát triển thì điều quan trọng là nhà phát hành và game thủ cần ngồi lại với nhau và tìm tiếng nói chung, tránh tình trạng nhà phát hành đổ lỗi người chơi, người chơi kết tội nhà phát hành mà không giải quyết được vấn đề gì. Đồng thời, nhà nước cần sớm có những quy định cụ thể về game online để quản lý và xem game cũng là một quan hệ xã hội, bị điều chỉnh bởi những quy định của pháp luật. Có được như thế, tương lai game Việt mới phát triển và sánh vai với bạn bè trong khu vực và trên thế giới./

Việt Dũng

Mục mới trên Thanh Niên Online: “Nghĩ về Thể thao điện tử”

Nhằm tạo một sân chơi để bạn đọc yêu thích về game thể thao điện tử có thể giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm cũng như trao đổi những vấn đề liên quan... Thanh Niên Online và Vinagame phối hợp tổ chức chương trình “Nghĩ về Thể thao điện tử”.

“Nghĩ về Thể thao điện tử” sẽ là diễn đàn của tinh thần đồng đội, tình bạn trong game thể thao điện tử, đồng thời là sân chơi cho những người quan tâm tới lĩnh vực thể thao điện tử còn non trẻ tại Việt Nam; cho những ai muốn tìm hiểu khái niệm mới “Game thể thao điện tử”. Đặc biệt, từ đây những người yêu game thể thao điện tử cũng sẽ tìm sự định hướng phát triển của lĩnh vực thể thao điện tử Việt Nam trong thời gian tới, nhất là hướng sự phát triển vào những giải đấu thể thao điện tử lớn, có giá trị về mặt quảng bá và đem lại lợi ích cho cộng đồng giải trí trực tuyến.

Tham gia chương trình, bạn đọc có thể viết bài trao đổi về các vấn đề như: Game thể thao điện tử đem lại lợi ích gì cho cộng đồng? Game bắn súng được coi là game thể thao điện tử? Giải đấu thể thao điện tử là cần thiết? Bạn ủng hộ hay phản đối game thể thao điện tử? Cộng đồng thể thao điện tử, họ là ai? Trách nhiệm của nhà phát hành đối với những sản phẩm game thể thao điện tử? Cần xây dựng nền thể thao điện tử phong trào?...
 
Các bài viết xuất sắc, có ý tưởng của độc giả gửi về sẽ được BTC chọn lọc và đăng tải trên Thanh Niên Online. Mỗi bài viết khi chọn đăng, tác giả sẽ được trả nhuận bút 300.000 đồng/bài. Ngoài ra, mỗi tuần sẽ có hai giải thưởng dành cho hai bài viết (ý kiến, bài cảm nhận) xuất sắc nhất, mỗi giải trị giá 500.000 đồng (giải do Ban tổ chức bình chọn). Các bài viết xuất sắc sẽ được đưa vào danh sách bình chọn trao giải chung cuộc. Ban tổ chức sẽ trao 1 giải nhất trị giá 2 triệu đồng, 2 giải nhì trị giá 1 triệu đồng/giải và 3 giải bBa trị giá 500.000 đồng/giải dành cho các bài viết xuất sắc nhất do Ban biên tập Báo Thanh Niên và Công ty VinaGame bình chọn khi kết thúc chương trình.

Các bài viết tham gia diễn đàn vui lòng ghi rõ Bài viết tham gia diễn đàn “Nghĩ về Thể thao điện tử” gửi về địa chỉ: Đỗ Việt Phương, Công ty VinaGame, 459B Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, TP.HCM, hoặc địa chỉ email: phuongdv@vinagame.com.vn. Chương trình sẽ diễn ra từ ngày 21.4.2008 đến 21.5.2008.

Ban tổ chức

Chương trình được tài trợ bởi:
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.