Cấu trúc ngành chip cản trở sự phục hồi của chuỗi cung ứng

04/05/2021 17:08 GMT+7

Phụ thuộc quá nhiều vào sản xuất tập trung ở châu Á đã khiến hoạt động của chuỗi cung ứng chip trở nên khó khăn.

Theo số liệu của Nikkei, xuất khẩu chip từ Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc và các nền kinh tế châu Á khác, ngoại trừ Nhật Bản, đã tăng từ 50% lên hơn 80% trên thị trường toàn cầu trong 20 năm, tính đến năm 2019. Tuy nhiên, các nhà máy sản xuất bán dẫn thời gian qua đã lần lượt phải tạm ngừng sản xuất do các vấn đề trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn, và phải vật lộn để hoạt động trở lại hết công suất sau khi đối mặt với đại dịch, thiên tai, tai nạn và căng thẳng thương mại.
Cụ thể, hoạt động sản xuất của nhiều nhà máy chip ở bang Texas của Mỹ bị tê liệt từ đầu năm 2021 vì cơn bão mùa đông bất thường gây mất điện trên diện rộng. Vụ hỏa hoạn tại một nhà máy của hãng sản xuất chip Nhật Bản Renesas Electronics hồi cuối tháng 3.2021 cũng làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu chip trên toàn cầu.
Khó khăn liên tục ập đến khi tình trạng thiếu nước đang trở thành vấn đề mới đối với ngành công nghiệp bán dẫn. Nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới Taiwan Semiconductor Manufacturing (TSMC) đã phải sử dụng xe tải cấp nước vì Đài Loan đang chứng kiến đợt hạn hán tồi tệ nhất trong suốt 56 năm qua. Samsung Electronics của Hàn Quốc cũng đẩy mạnh nỗ lực tái sử dụng nước, vốn là yếu tố then chốt trong sản xuất chip.

Các hãng sản xuất xe tải "lãnh đủ" vì thiếu chip bán dẫn

Sự mong manh của chuỗi cung ứng chip không chỉ bộc lộ bởi những yếu tố khách quan nêu trên, mà còn từ cấu trúc đặc trưng của ngành. Nguyên nhân phần lớn khiến chuỗi cung ứng chip bị tắc nghẽn là do sự tập trung sản xuất chỉ ở một vài quốc gia. Giám đốc điều hành Intel Patrick Gelsinger gần đây nhấn mạnh về sự cần thiết của một “chuỗi cung ứng cân bằng hơn” trước việc sản xuất các loại chip quan trọng hiện đều tập trung ở các nước châu Á.
Ngoài việc tập trung sản xuất ở Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, một vấn đề khác là các nhà máy đã phát triển lớn hơn rất nhiều về quy mô, điều này sẽ khiến ngành công nghiệp bán dẫn gặp rủi ro trên diện rộng khi một bên nào đó ngừng sản xuất. Theo Nikkei, công suất sản xuất mỗi nhà máy hiện đã tăng gần gấp đôi so với năm 2009 ở Đài Loan, Hàn Quốc, và tăng 1,4 lần ở Nhật Bản. Bên cạnh sự gia tăng về nhu cầu trên thế giới, hợp nhất các nhà sản xuất chip cũng dẫn đến việc hình thành các nhà máy lớn hơn khi các công ty hợp lý hóa sản xuất. Ví dụ, Renesas Electronics được thành lập thông qua việc hợp nhất các doanh nghiệp bán dẫn của NEC, Hitachi và Mitsubishi Electric, vốn có 22 nhà máy tại Nhật Bản vào năm 2011 nhưng sau đó đã hợp nhất chúng thành 9 nhà máy.
Mô hình xuất khẩu và nhập khẩu trong thập niên qua cũng cho thấy rõ bằng chứng về sự tập trung sản xuất. Đài Loan và Hàn Quốc ghi nhận mức tăng xuất khẩu ròng khổng lồ, điều này phản ánh việc tiếp tục đầu tư quy mô lớn. Trong khi đó, xuất khẩu chip ròng từ Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đã giảm từ 50% xuống dưới 20% trong giai đoạn 2010 - 2020.
Đáng chú ý, nhập khẩu chip của Trung Quốc đã tăng gấp đôi trong thập niên qua do nước này cần nguồn cung để lắp ráp xe có động cơ, thiết bị gia dụng và nhiều sản phẩm khác được sản xuất với khối lượng lớn. Hiện Trung Quốc đang đẩy mạnh các biện pháp để đạt khả năng tự cung tự cấp 70% trong sản xuất chất bán dẫn vào năm 2025.
Tình trạng phụ thuộc vào sản xuất chip ở châu Á đã thúc đẩy các nước phải tìm hướng đi độc lập hơn. Mỹ đang chuyển sang sản xuất chip trong nước. Cụ thể, Intel sẽ xây dựng hai nhà máy mới ở bang Arizona để sản xuất chất bán dẫn, bao gồm cả những nhà máy gia công cho các công ty sản xuất chip khác. Châu Âu có kế hoạch nâng cao sản lượng chất bán dẫn thế hệ tiếp theo. Nhật Bản cũng đang hướng tới việc xây dựng các nhà máy sản xuất chip tiên tiến.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.