Dấu ấn công nghệ Mỹ, Trung Quốc năm 2018

Thu Thảo
Thu Thảo
25/12/2018 14:00 GMT+7

2018 sẽ là năm mà Thung lũng Silicon ghi nhớ vì nhiều sự biến và tranh cãi.

Từ việc các hãng công nghệ phải điều trần trước Quốc hội Mỹ, vụ tai nạn chết người đầu tiên với xe tự hành cho đến căng thẳng thương mại toàn cầu và bê bối về quyền riêng tư của trang mạng xã hội lớn nhất thế giới. Tất cả tạo nên năm 2018 vừa tốt, vừa xấu cho làng công nghệ Mỹ. Dù vậy theo Bloomberg, nhìn chung 2018 vẫn là năm có thể được nhận định là tốt với giới công nghệ.
Đơn cử, những chiếc loa thông minh nhỏ, kích hoạt bằng giọng nói đang được nhiều người dùng hơn. Năm 2016, chỉ khoảng 16 triệu người truy vấn Alexa, song năm sau con số này có thể tăng lên 74 triệu người, eMarketer dự báo. 74 triệu người là nhiều hơn 1/4 tổng số người trưởng thành ở Mỹ.
Ngày càng nhiều người dùng trợ lý ảo giọng nói Alexa Ảnh: Reuters
Năm ngoái, khoảng 40 triệu người gửi tiền cho bạn bè hoặc thanh toán hóa đơn thông qua ứng dụng như PayPal, Venmo và Cash App. Năm nay, những ứng dụng dạng này có khoảng 50 triệu người dùng có hoạt động hằng tháng, theo Bloomberg Intelligence.
Cụ thể các doanh nghiệp thì Intel trải qua năm tồi tệ nhất lịch sử, mất cả hai CEO vì bê bối. Hãng cũng để danh hiệu nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới rơi vào tay đối thủ Samsung Electronics. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp vẫn đang mua chip máy chủ do Intel sản xuất. Doanh thu Intel có thể đạt 70 tỉ USD năm nay, chạm mức kỷ lục, trong khi lợi nhuận sẽ lần đầu tiên chạm 20 tỉ USD.
Samsung Electronics vượt Intel, trở thành hãng sản xuất chip lớn nhất thế giới Ảnh: Reuters
Ở Trung Quốc, hãng dịch vụ thương mại điện tử công cộng mới Meituan Dianping đang thay đổi ngành nhà hàng. Người dùng Meituan Dianping dùng smartphone để đặt 20 triệu lượt giao thức ăn mỗi ngày. Năm ngoái, con số này chỉ là 13 triệu.
Một hãng khác mà thế giới hầu như chưa nghe đến cách đây một năm là Bytedance bất ngờ có hơn 500 triệu người dùng có hoạt động hằng tháng cho ứng dụng video ngắn Tik Tok. Mới đây, hãng được định giá 75 tỉ USD, tăng từ mức 20 tỉ USD năm ngoái.
Meituan Dianping làm ăn khá trong năm nay Ảnh: Reuters
Định giá trên biến Bytedance thành một trong các doanh nghiệp tư nhân giá trị nhất thế giới. Nhìn chung, thị trường tư nhân của các hãng công nghệ vẫn lạc quan, phần lớn nhờ vào sự hỗ trợ của doanh nghiệp Nhật Bản SoftBank, hãng cũng hậu thuẫn nhiều cho Bytedance.
Ngay cả trên thị trường đại chúng, tình hình của các hãng công nghệ cũng không tệ lắm. Facebook là cổ phiếu đè nặng S&P 500 nhiều nhất, song đã có Microsoft và Amazon kéo lên. Trong khi Facebook chật vật với nhiều bê bối, hãng vẫn có 2,5 tỉ người dùng sản phẩm trên toàn cầu, trong đó có hơn 1 tỉ người dùng WhatsApp, Instagram và Facebook Messenger.
Khi 2019 sắp đến, các vụ bê bối của giới công nghệ khó lòng biến mất. Thế giới vẫn sẽ theo dõi gắt gao hơn để xem các hãng công nghệ liệu có quá lớn hoặc quá mạnh hay không. Song tất cả những mối quan tâm, tranh cãi vẫn nhỏ nhoi so với nhiều tiến bộ khổng lồ. Công nghệ đan xen vào cuộc sống cá nhân, thúc đẩy doanh nghiệp lẫn doanh nhân đặt cược đúng lúc. Ít nhất, đây là điều không thay đổi trong cả năm nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.