Game bắn súng được coi là game thể thao điện tử?

18/05/2008 08:30 GMT+7

(TNO) Thể thao điện tử (e-Sports) đã và đang được coi là một xu hướng giải trí tinh thần, trí tuệ mới. Nhưng cái nhìn của xã hội hiện nay về hình thức giải trí này còn tương đối khắt khe. Nhiều người cho rằng thể thao điện tử chứa đựng những yếu tố có hại cho cộng đồng, đặc biệt là ảnh hưởng xấu tới giới trẻ vì có tính đối kháng cao, đặc biệt là game bắn súng tuyên truyền cho bạo lực và bắn giết.

Vượt qua những định kiến

Thực ra trong cuộc sống, mọi vấn đề đều có tính hai mặt của nó. Cái chính là ý thức nhìn nhận và cách tiếp cận của con người như thế nào sẽ làm nên mặt trái hay phải của nó. Và game bắn súng cũng vậy, nó tùy thuộc vào ý thức của người tham gia và định hướng tiếp cận thị trường của những nhà phát hành game.

Hiện nay với thể loại game bắn súng có sự góp mặt của những nhà phát hành game lớn như VinaGame, FPT, VTC… Nhưng chỉ cần một sai sót trong những yếu tố định hướng phát triển của một nhà phát hành sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực rất đáng kể tới số đông và sự phát triển của ngành công nghiệp giải trí trực tuyến tại Việt Nam nói chung và ngành thể thao điện tử mới vừa hình thành nói riêng.

Thể thao điện tử là một hình thức giải trí tinh thần đòi hỏi tính đồng đội, chiến thuật và sự linh hoạt của những “vận động viên chuyên nghiệp”. Sự chuyên nghiệp còn được thể hiện qua tinh thần luyện tập tích cực, có mục tiêu cao nhằm xây dựng một sự nghiệp thi đấu thành công qua việc thể hiện tài năng tại những giải đấu nhỏ trong game và vươn xa ra quốc tế. Bên cạnh đó, người chơi cũng sẽ được vận dụng tối đa khả năng trí tuệ của mình trong các trò chơi chiến thuật. Đó chính là mục đích cao hơn tất cả mà thể thao điện tử mong muốn vươn tới, vượt qua những rào cản định kiến hay những mặt trái còn tồn tại của nó.

Trong lịch sử nhân loại, các tác phẩm điện ảnh và văn học được xem nhiều nhất không thể phủ nhận là thuộc về thể loại hành động, chiến tranh. Tuy nhiên, chẳng có nghiên cứu nào chứng tỏ mối liên hệ giữa các sản phẩm đó với các hành vi bạo lực ngoài đời. Game cũng vậy, những trò chơi như bắn súng nên được coi như một môn thể thao, giống như nội dung bắn súng trong các đại hội thể thao từ trước tới nay.

Những dấu hiệu khả quan

Năm 2008 đánh dấu sự nở rộ của thể thao điện tử Việt Nam với sự xuất hiện của rất nhiều game và thể loại game mang tính chất thể thao. Tuy nhiên, tất cả vẫn còn diễn ra chậm, hẹp, mang nhiều tính tự phát, co cụm và chưa được nhìn nhận dù trình độ của các game thủ trong nước không hề thua so với một số quốc gia có nền e-Sports phát triển.

Nhưng sau những khó khăn bước đầu trong giai đoạn dò đường chập chững, nền thể thao điện tử Việt Nam bắt đầu có những dấu hiệu khả quan hơn.

Đầu năm 2008, Thứ trưởng Nguyễn Danh Thái của Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch đã ký quyết định thành lập Hiệp hội Thể thao điện tử và giải trí Việt Nam sắp được ra mắt trong tháng 7.2008. Sự hình thành của hiệp hội này sẽ tạo ra bước đột phá trong lĩnh vực hãy còn mới mẻ này.

Và OCA (Ủy ban Olympic Châu Á) đã phê duyệt đề án đưa Sport Game, trong đó có game bắn súng vào thi đấu tại Đại hội thể thao trong nhà Châu Á lần thứ 3 (Asian Indoor Games III), sẽ được tổ chức tại Việt Nam vào tháng 10.2009. Đây cũng là cú “hích” mới cho loại hình này, và với Việt Nam càng thuận lợi khi do chúng ta làm chủ nhà.

Ngoài ra năm học 2008 - 2009, các trường thể dục thể thao của nước ta đã đưa môn thể thao giải trí vào chương trình đào tạo chính thức. Trong đó đáng chú ý trường ĐH TDTT TPHCM sẽ liên kết quốc tế để mở chuyên ngành Quản lý thể thao giải trí, còn với trường ĐH TDTT Đà Nẵng thì Thể thao giải trí là một môn chuyên sâu thuộc chuyên ngành Giáo dục thể chất.

Những động thái tích cực này chắc chắn sẽ góp phần thúc đẩy thể thao điện tử Việt Nam phát triển nhanh chóng và đi đúng hướng để có thể theo kịp với đà phát triển của thể thao điện tử thế giới. Vì vậy, tuy xuất hiện muộn nhưng rõ ràng E-Sport tại Việt Nam đang được định hình và phát triển rất mạnh mẽ, ngày càng được sự ủng hộ từ phía cộng đồng người chơi và các đối tác trong cũng như ngoài nước. Hơn nữa, tiềm năng kinh tế trong việc phát triển E-Sport games rất lớn, mang lại cả giá trị xã hội và kinh tế, kỹ thuật, công nghệ cao.

Qua quá trình hình thành và phát triển nhanh chóng, có thể thấy thể thao điện tử đang dần khẳng định vị trí quan trọng của mình trong cộng đồng thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Mỗi giải đấu, mỗi đấu trường là nơi các game thủ được thể hiện sức mạnh, sự khéo léo, đầu óc chiến thuật, tinh thần đồng đội cũng như tinh thần thể thao (fairplay).

Có thể nói, thể thao điện tử Việt Nam đang bước những bước đi rất vững chắc trên con đường khẳng định mình trên bầu trời game rộng lớn của thế giới. Đó không đơn thuần chỉ là những cuộc thi đấu với tính giải trí thông thường, mà còn là cơ hội để người Việt Nam khẳng định trí tuệ Việt. Chính vì vậy, cần phải định hướng người chơi E-Sport games làm sao cho đúng với thuần phong mỹ tục, văn hóa Việt Nam, vừa tạo ra sân chơi lành mạnh, bổ ích và hấp dẫn cho các game thủ.

Minh Hiệp (TP.HCM)

Mục mới trên Thanh Niên Online: “Nghĩ về Thể thao điện tử”

Nhằm tạo một sân chơi để bạn đọc yêu thích về game thể thao điện tử có thể giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm cũng như trao đổi những vấn đề liên quan... Thanh Niên Online và Vinagame phối hợp tổ chức chương trình “Nghĩ về Thể thao điện tử”.

“Nghĩ về Thể thao điện tử” sẽ là diễn đàn của tinh thần đồng đội, tình bạn trong game thể thao điện tử, đồng thời là sân chơi cho những người quan tâm tới lĩnh vực thể thao điện tử còn non trẻ tại Việt Nam; cho những ai muốn tìm hiểu khái niệm mới “Game thể thao điện tử”. Đặc biệt, từ đây những người yêu game thể thao điện tử cũng sẽ tìm sự định hướng phát triển của lĩnh vực thể thao điện tử Việt Nam trong thời gian tới, nhất là hướng sự phát triển vào những giải đấu thể thao điện tử lớn, có giá trị về mặt quảng bá và đem lại lợi ích cho cộng đồng giải trí trực tuyến.

Tham gia chương trình, bạn đọc có thể viết bài trao đổi về các vấn đề như: Game thể thao điện tử đem lại lợi ích gì cho cộng đồng? Game bắn súng được coi là game thể thao điện tử? Giải đấu thể thao điện tử là cần thiết? Bạn ủng hộ hay phản đối game thể thao điện tử? Cộng đồng thể thao điện tử, họ là ai? Trách nhiệm của nhà phát hành đối với những sản phẩm game thể thao điện tử? Cần xây dựng nền thể thao điện tử phong trào?...
 
Các bài viết xuất sắc, có ý tưởng của độc giả gửi về sẽ được BTC chọn lọc và đăng tải trên Thanh Niên Online. Mỗi bài viết khi chọn đăng, tác giả sẽ được trả nhuận bút 300.000 đồng/bài. Ngoài ra, mỗi tuần sẽ có hai giải thưởng dành cho hai bài viết (ý kiến, bài cảm nhận) xuất sắc nhất, mỗi giải trị giá 500.000 đồng (giải do Ban tổ chức bình chọn). Các bài viết xuất sắc sẽ được đưa vào danh sách bình chọn trao giải chung cuộc. Ban tổ chức sẽ trao 1 giải nhất trị giá 2 triệu đồng, 2 giải nhì trị giá 1 triệu đồng/giải và 3 giải bBa trị giá 500.000 đồng/giải dành cho các bài viết xuất sắc nhất do Ban biên tập Báo Thanh Niên và Công ty VinaGame bình chọn khi kết thúc chương trình.

Các bài viết tham gia diễn đàn vui lòng ghi rõ Bài viết tham gia diễn đàn “Nghĩ về Thể thao điện tử” gửi về địa chỉ: Đỗ Việt Phương, Công ty VinaGame, 459B Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, TP.HCM, hoặc địa chỉ email: phuongdv@vinagame.com.vn. Chương trình sẽ diễn ra từ ngày 21.4.2008 đến 21.5.2008.

Ban tổ chức

Chương trình được tài trợ bởi:

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.