Huy chương Olympic được tái chế từ smartphone, laptop cũ

26/07/2021 14:05 GMT+7

Cách nay 4 năm, ban tổ chức Olympic Tokyo 2020 đã thông báo về kế hoạch làm huy chương từ kim loại quý có trong đồ điện tử.

Theo DigitalTrends, để biến ý tưởng thành hiện thực, ban tổ chức mở chiến dịch kéo dài hơn 2 năm, kêu gọi công chúng quyên góp các thiết bị điện tử không còn sử dụng, từ smartphone, laptop, máy ảnh số cho đến máy chơi game cầm tay.
90% thành phố, thị trấn và những ngôi làng ở Nhật Bản đã tham gia bằng cách mở hàng nghìn điểm thu gom thiết bị điện tử đã qua sử dụng, sau đó chúng sẽ được chuyển cho nhà cung cấp dịch vụ viễn thông NTT DoCoMo. Sau 18 tháng, chiến dịch nhận được 47.488 thiết bị. 
Mục tiêu của chiến dịch là sản xuất 5.000 huy chương cho kỳ Olympic Tokyo và Paralympic. 14 tháng kể từ khi phát động chiến dịch, họ đã đạt mục tiêu 2.700 kg đồng. Đến thời điểm kết thúc chiến dịch vào tháng 3.2019, họ tiết lộ đã thu được 28,4 kg vàng (đạt 93,7% so với mục tiêu 30,3 kg), 3.500 kg bạc (85,4% so với 4.100 kg dự kiến) từ các khoản quyên góp. 
Kohei Uchimura - vận động viên thể dục dụng cụ từng đoạt huy chương vàng Olympic là một trong những người góp phần khởi động chiến dịch từ 4 năm trước. Anh cho rằng sản xuất huy chương bằng cách tái chế giúp mọi người tránh lãng phí đồ điện tử, đồng thời gửi gắm thông điệp bảo vệ môi trường đến thế hệ sau.
Đây là kỳ Olympic và Paralympic đầu tiên có toàn bộ huy chương làm từ vật liệu tái chế, nhưng ý tưởng sản xuất huy chương tái chế đã có từ lâu. Kỳ Olympic năm 2016 tổ chức ở Brazil cũng dùng 30% bạc sterling trích xuất từ các bộ phận ô tô cũ, gương và tấm chụp X-quang để tạo ra huy chương.
Theo DW, 53,6 triệu tấn rác điện tử đang trôi nổi trên toàn cầu từ năm 2019, con số này tương đương với 350 con tàu du lịch bằng với kích cỡ tàu Nữ hoàng Mary 2. Theo Liên Hiệp Quốc, những số liệu ghi nhận được cho thấy rác điện tử đã trở thành dòng rác thải sinh hoạt tăng trưởng nhanh nhất thế giới, tăng hơn 1/5 suốt 5 năm qua, trong bối cảnh cư dân trên thế giới có nhu cầu sắm đồ điện tử nhiều hơn, mà những thiết bị này lại có vòng đời ngắn và khó có thể sửa chữa. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.