Khám phá hàng loạt công nghệ mới sắp bước vào cửa hàng bán lẻ

Thu Thảo
Thu Thảo
14/01/2019 07:06 GMT+7

Các nhà bán lẻ đang tận dụng gợi ý từ làng công nghệ để tìm cách mới kết nối và giữ chân khách hàng. Họ dùng robot, màn hình thực tế tăng cường (AR) và nhiều công cụ tối tân khác.

Theo AFP, Triển lãm Điện tử Tiêu dùng (CES) 2019 diễn ra trong tuần qua tại Las Vegas (Mỹ) có sự tham gia của hàng chục nhà triển lãm, bày cho ngành bán lẻ truyền thống cách cạnh tranh với Amazon và nhiều trang web mua hàng trực tuyến. Sự đi lên của thương mại điện tử được nhiều người đánh đồng với “ngày tận thế” của ngành bán lẻ.
Các hãng bán lẻ lớn Trung Quốc như JD.com và Suning xuất hiện nhiều tại triển lãm năm nay nhằm tìm đối tác cho chiến lược “bán lẻ như một dịch vụ”. Chiến lược cho phép thương nhân truyền thống bước vào nền tảng công nghệ mới. Quản lý truyền thông JD Yuchuan Wang cho hay: “Chúng tôi tin rằng tương lai bán lẻ không phải là trực tuyến hay ngoại tuyến, mà là không có ranh giới”.
JD trình làng nhiều biện pháp thu hút người tiêu dùng. Đơn cử, hãng dùng màn hình AR, cho phép người mua sắm sử dụng điều khiển cử chỉ để thử và mua quần áo, sản phẩm làm đẹp. Với hệ thống này, cửa hàng có thể không cần phải trữ tất cả sản phẩm may mặc ở mọi kích cỡ. Người tiêu dùng có thể nhấp vào một mặt hàng, rồi nhanh chóng nhận được quần áo giao tận nhà.
Robot Pepper của SoftBank Robotics (trái) và Tally của Simbe Robotics cùng làm việc tại cửa hàng. Trong khi Pepper giao tiếp với khách hàng, thì Tally kiểm tra kệ hàng Ảnh: AFP
Ngoài ra, JD cũng giới thiệu cách dùng robot và máy bay không người lái để giao hàng tại Trung Quốc. Máy bay không người lái hiện được sử dụng, có thể tiếp cận hầu hết người tiêu dùng nước này trong 1-2 ngày.
Còn Suning, hãng tự nhận là một trong các nhà bán lẻ đa ngành lớn nhất Trung Quốc, thì tung sản phẩm thử quần áo bằng công nghệ AR và cửa hàng không có thu ngân, tương tự như hướng đi của Amazon Go. Watson Wat, giám đốc chiến lược của Suning, cho biết: “Tôi có thể nhặt một quả táo và hệ thống cho tôi biết giá của nó là bao nhiêu. Với sản phẩm của mình, tôi chỉ cần bước ra ngoài và sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt để hệ thống nhận diện, tính tiền cho tôi”.
Suning tuyên bố đang tìm kiếm quan hệ hợp tác với các hãng bán lẻ vì giải pháp “bộ não bán lẻ thông minh” của họ có thể cho phép các cửa hàng sử dụng công nghệ mới. Ông Wat cho rằng công nghệ đã trưởng thành và có giá cả phải chăng.
Quầy cân thông minh của Suning cho phép khách chọn hàng và quét trực tiếp, không cần ra thu ngân chờ thanh toán Ảnh: AFP
Ở một gian hàng khác tại CES 2019, Procter & Gamble (P&G) trình diễn cách khách hàng sử dụng công nghệ AR và nhận dạng khuôn mặt được tích hợp trong gương để nhận đề xuất cá nhân về sản phẩm chăm sóc da và làm đẹp. “Chúng tôi nắm bắt nhận dạng duy nhất cho mỗi người và cung cấp kết quả được cá nhân hóa cho họ dựa trên cơ sở trí tuệ nhân tạo (AI)”, chuyên gia Tina McCarthy thuộc P&G cho biết.
SoftBank Robotics thì phô diễn hướng các nhà bán lẻ có thể dùng hai loại robot khác nhau, một để tương tác với khách hàng và một để giám sát hàng tồn kho cùng kệ hàng để giúp cải thiện lợi nhuận. SoftBank hiện dùng Tally, sản phẩm do Simbe Robotics sản xuất, để quét các kệ lưu trữ nhằm theo dõi tốt hơn hàng hóa có sẵn. Chuyên gia Steve Carlin thuộc SoftBank Robotics cho biết hệ thống chính xác hơn có thể giúp xác định mặt hàng nào tồn quá nhiều hoặc quá ít.
Không những thế, robot hình nhân Pepper của SoftBank đang đẩy mạnh nỗ lực tương tác với khách hàng. Nó dùng công nghệ nhận dạng khuôn mặt để chào đón khách hàng bằng tên, rồi hướng dẫn họ đến với các sản phẩm. “Với nhà bán lẻ, họ biết rất nhiều điều về bạn trên mạng nhưng không thực sự biết bạn ngoài cửa hàng. Nhà bán lẻ luôn muốn bán được nhiều hàng hơn chứ không chỉ thu hút thêm khách đến cửa hàng”, ông Carlin nói.
Robot và máy bay không người lái JD.com sản xuất cho các hãng bán lẻ Ảnh: AFP
Chuyên gia Maeve Duska thuộc hãng tư vấn USA Technologies cho hay nhiều doanh nghiệp tăng cường nỗ lực để theo kịp mô hình Amazon Go, nơi người dùng có thể bước vào, mua sắm và thanh toán tự động mà không cần chờ quy trình như bình thường. Đây là mô hình có tên “bán lẻ không cần giám sát”.
“Cuối cùng, các nhà bán lẻ truyền thống cũng hiểu về sự cạnh tranh đến từ nền tảng trực tuyến. Họ cố gắng bắt chước trải nghiệm trực tuyến”, ông Duska cho hay. Với công nghệ nhận dạng khuôn mặt để quét dấu vân tay và võng mạc của khách nhằm giúp họ trả tiền, nhà bán lẻ cố gắng tăng tốc trải nghiệm bán lẻ không thông qua tương tác giữa người với người. Điều này gần giống như khái niệm xã hội tự phục vụ. Nhiều khách hàng trẻ tuổi không muốn giao tiếp với nhiều người tại cửa hàng.
Nhà phân tích Brendan Witcher thuộc hãng Forrester Research có góc nhìn hơi khác. Ông cho rằng một số công nghệ như thực tế ảo và AR có thể đem lại giá trị cho khách hàng, song việc sử dụng phân tích dữ liệu và AI để tiếp thị theo cách của Amazon đang được đề cao quá mức. Witcher chỉ ra thực tế rằng hầu hết các nhà bán lẻ vẫn không thể xin được email khách hàng một khi họ bước ra khỏi cửa. Vì thế, việc ứng dụng robot vào cửa hàng lúc này là quá sớm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.