Lạc hậu trong quản lý internet

24/10/2011 23:53 GMT+7

Tư duy “không quản được thì cấm” vẫn còn phổ biến trong thời đại công nghệ thông tin và internet phát triển bùng nổ, còn các quy định quản lý thì không theo kịp tình hình thực tế.

Luật cũ rối bời

Ngày 24.10, Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) đã tổ chức hội nghị tổng kết việc thực hiện Nghị định số 97/2008/NĐ-CP về quản lý internet đồng thời lấy ý kiến để xây dựng nghị định mới. Nghị định 97 quy định chi tiết về việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin điện tử trên internet tại VN.

''Chúng ta đá trên sân nhà nhưng thua về trình độ, năng lực lại còn bị trọng tài thổi ép thì làm sao thi đấu?'' - Ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch HĐQT VNG

Ngay khi ra đời, nhiều điều khoản trong Nghị định 97 đã gây nhiều tranh cãi, phản ứng trái chiều và sau 3 năm triển khai, đến nay những nội dung quy định trong nghị định đã thật sự bộc lộ nhiều sự bất hợp lý. Bà Lê Thị Ngọc Mơ - Phó cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT-TT) - cho biết: “Về tình hình quản lý các đại lý internet, nội dung quan trọng nhất của nghị định và các thông tư hướng dẫn là quy định về điều kiện kinh doanh, thời gian đóng mở cửa, cài đặt phần mềm quản lý, chặn game online… Tuy nhiên, cho đến nay, việc triển khai các quy định này trong thực tế gặp khó khăn”.

Đại diện Tập đoàn bưu chính viễn thông VNPT cho rằng: “Các quy định quản lý của nhà nước khi ban hành thì có vẻ chặt chẽ, nhưng khi triển khai thì chưa đồng bộ và chưa triệt để. Khi chúng tôi áp dụng phần mềm quản lý tiệm internet, có đại lý phản ứng và không ủng hộ. Khi chúng tôi đóng cửa đúng giờ quy định thì các DN khác vẫn hoạt động, như vậy làm sao công bằng? Chúng tôi chỉ cung cấp đường truyền, còn họ sử dụng internet để làm gì thì tùy họ, vậy mà chúng tôi cứ phải đi làm công việc chặn địa chỉ này, chặn địa chỉ kia, làm đúng thì thiệt thòi, làm sai một chút là bị phạt. Chúng tôi kinh doanh mà cứ như vậy thì sao làm ăn gì được nữa?”. Bà Lê Lý Lệ Quỳnh - chủ tiệm internet ở quận 1 (TP.HCM) - bức xúc: “Tiệm tôi đối diện với trường học, từ ngày có quy định cấm một số game online, tiệm của tôi vắng khách hẳn đi, từ 120 máy đến nay tôi giảm còn 60 máy mà vẫn ế ẩm. Trong khi đó, tôi biết có nhiều tiệm vẫn cho chơi game thoải mái, rất đông khách. Rồi còn quy định tiệm phải cách xa trường học 200m, nếu thực hiện đúng như vậy thì khu vực này chẳng có tiệm nào được phép hoạt động cả, vì ở đây trường học rất nhiều”. Đại diện Sở TT-TT TP.HCM đồng tình: “Quy định nêu đại lý internet phải cách trường học 200m, nhưng mà tính khoảng cách từ đâu? Từ khuôn viên, từ tường rào hay từ cổng trường? Tại TP.HCM trường học rất nhiều, nếu áp dụng quy định này tôi e rằng chẳng còn bao nhiêu tiệm được hoạt động”.


Thị trường hiện có khoảng 30 game online thì 10 game là do các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Luật mới chưa thông

Dự thảo nghị định mới được Bộ TT-TT đưa ra lấy ý kiến cũng bị phản bác tơi bời vì hầu như không khác gì so với văn bản cũ. Ông Phạm Quốc Bảo - Giám đốc Sở TT-TT Hà Nội - nói thẳng: “Quản lý các đại lý và mạng internet là vấn đề được sự quan tâm của toàn xã hội, nhưng các quy định của chúng ta ban hành quá chậm, và tôi nói thẳng là nghị định của chúng ta còn ở mức sơ đẳng, chưa kế thừa được kinh nghiệm của các nước đi trước. Trong khi chúng ta thì quản lý rất chặt DN trong nước, còn DN nước ngoài thì vô tư kinh doanh xuyên biên giới, không hề bị cấm đoán. Như vậy là tạo sự bất lợi cho DN trong nước, gây thất thu cho đất nước. Tôi đề nghị Bộ TT-TT nên tổ chức nhiều hội thảo hơn nữa, lấy ý kiến nhiều hơn nữa các đối tượng DN, cán bộ hưu trí để có được những điều luật hợp lòng dân”.

Ông Lê Hồng Minh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP tập đoàn Vina (VNG) - bức xúc về vấn đề cạnh tranh giữa DN nước ngoài và trong nước: “Tôi xin nói thẳng, với kiểu quản lý theo mệnh lệnh hành chính như hiện nay thì không thể nào quản lý được, chỉ thiệt thòi cho những DN có chút uy tín trong nước. Từ tháng 9 năm ngoái đến nay, các DN game trong nước hầu như không được phép làm gì cả vì phải chờ nghị định mới, trong khi các DN nước ngoài thì vẫn vô tư phát hành game tại VN. Thị trường hiện nay có khoảng 30 game online thì 10 game là do các DN xuyên biên giới cung cấp, thu tiền qua thẻ tín dụng, còn lại 20 game là do các DN đóng ở các tỉnh đưa ra. Họ chỉ đăng ký ở các tỉnh để ít bị kiểm tra kiểm soát thôi chứ thật sự họ vẫn đóng ở TP.HCM hoặc Hà Nội. Đối với lĩnh vực quảng cáo online cũng vậy; 70% nội dung trong nghị định mới vẫn chĩa mũi dùi vào DN trong nước. Xin hỏi các DN nước ngoài như Google, Yahoo, Facebook mỗi năm thu từ thị trường quảng cáo VN hơn 40 triệu USD, chiếm hơn 60% thị phần quảng cáo online của VN có bị ai quản lý không? Chúng ta đá trên sân nhà nhưng thua về trình độ, năng lực lại còn bị trọng tài “thổi ép” thì làm sao thi đấu? Như vậy mục tiêu của nghị định là khuyến khích phát triển internet, khuyến khích DN VN thể hiện ở chỗ nào hay chỉ là khẩu hiệu suông?”.

Quá lạc hậu

Ông Lương Vũ Hải - Cục trưởng Cục Quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT-TT), thừa nhận: “Những quy định trước đây của chúng ta về quản lý internet đến nay đã lạc hậu, không theo kịp thực tế. Về việc cấm game thì ở các nước khác họ không làm vậy, chỉ có khuyến cáo lứa tuổi được chơi hay không được chơi. Nhưng chúng ta lại chưa có điều kiện để phân loại và kiểm soát nên đành phải cấm. Có thể nhiều người sẽ phản đối vì nó xâm phạm quyền tự do cá nhân, nhưng nên chăng người lớn chúng ta nên hy sinh vì thế hệ sau. Còn về quản lý quảng cáo online thì đúng là có sự bất bình đẳng. Trong khi các DN xuyên biên giới không phải xin giấy phép và hoạt động thoải mái thì các DN trong nước bị quản lý về dịch vụ lẫn nội dung thông tin. Như vậy khiến cho DN trong nước mất ưu thế trước DN nước ngoài”. 

Quang Thuần

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.