Năm 2006: Bùng nổ các dịch vụ gia tăng trên ĐTDĐ

29/01/2006 12:10 GMT+7

Vẫn quan tâm tới phát triển số lượng thuê bao, chất lượng mạng... song xu hướng chung của các nhà cung cấp dịch vụ thông tin di động trong năm 2006 này là đưa ra thêm nhiều dịch vụ gia tăng tiện ích tới người dùng.

Từ ăn no... đến ăn ngon, mặc đẹp

Chưa bao giờ thị trường thông tin di động của Việt Nam lại sôi động như năm 2005. Số thuê bao của các mạng di động đạt được trong một năm ở mức 4,5 triệu, bằng tổng số thuê bao phát triển được trong vòng 10 năm cộng lại.
 
Những tưởng với đà tăng trưởng đó, năm 2006 này, các mạng di động sẽ đề ra cho mình một chỉ tiêu phát triển thuê bao phải nhiều hơn, cao hơn so với 2005. Nhưng không đúng như vậy.
 
Vẫn quan tâm tới phát triển thuê bao, chất lượng dịch vụ, song xu hướng chung của các nhà cung cấp dịch vụ thông tin di động trong năm 2006 này là đưa ra thêm nhiều các dịch vụ gia tăng tiện ích tới người dùng. Tức là nhà cung cấp đã bắt đầu thu hút khách hàng theo chiều sâu chứ không còn đơn thuần là theo bề rộng nữa.
 
Đi đầu trong “làng” phát triển các dịch vụ gia tăng trên mạng di động, MobiFone khẳng định họ luôn đặc biệt quan tâm tới việc phát triển và hoàn thiện các dịch vụ gia tăng. Năm 2006, dự kiến sẽ có thêm khoảng 10 dịch vụ mới sẽ được phát triển và cung cấp: SIM dung lượng 128K, thanh toán và chuyển khoản qua Mobile, chuyển vùng quốc gia cho thuê bao trả trước, Push to Talk, dịch vụ định vị...
 
Ông Phạm Quang Hảo, Phó Giám đốc Công ty Dịch vụ viễn thông, đơn vị chủ quản mạng VinaPhone - mạng điện thoại vẫn có số thuê bao dẫn đầu, khẳng định: Yếu tố cạnh tranh hàng đầu của các nhà cung cấp dịch vụ thông tin di động trong năm 2006 là chất lượng dịch vụ và đa dạng các dịch vụ hơn nữa.
 
Năm 2006, mục tiêu phát triển thuê bao của VinaPhone chỉ ở mức 1.400.000 - 1.500.000 thuê bao mới dù rằng cho tới thời điểm này, năng lực mạng của VinaPhone đã có thể đáp ứng được số thuê bao ở mức cao hơn. Nhưng hạ tầng mạng của VinaPhone sẽ được củng cố hơn nữa để có thể tăng cường phát triển ba nhóm dịch vụ gia tăng: giải trí, thương mại điện tử và dịch vụ nội dung như trò chơi, nhạc chuông...
 
Cũng thừa nhận việc phát triển các dịch vụ gia tăng - trong đó có dịch vụ nội dung là rất quan trọng - ông Dương Văn Tính, Phó Tổng giám đốc Viettel, cho rằng, dần dần nhiệm vụ kết nối liên lạc, thông tin của chiếc ĐTDĐ gần như là một nhu cầu thiết yếu như cơm ăn, nước uống hàng ngày.
 
Nếu trước kia chúng ta chỉ đưa ra mục tiêu ăn no mặc ấm thì nay, sau khi chúng ta đã đủ ăn đủ mặc, phải nghĩ tới ăn ngon, mặc đẹp. Dịch vụ viễn thông cũng như vậy, đầu tiên sử dụng để nhằm thông tin liên lạc nhưng rồi dần dần, người ta đòi hỏi cao hơn, chẳng hạn như trong lúc rỗi rãi ngồi chờ bạn bè, tôi có thể nghe nhạc hoặc xem phim trực tuyến ngay trên chiếc ĐTDĐ của mình...
 
Chờ gì ở “lính mới”?
 
Năm 2006, thị trường thông tin di động Việt Nam sẽ không chỉ có bốn “anh” như hiện nay mà sẽ có thêm hai “lính mới”. Đó là mạng 096 của Công ty Thông tin viễn thông điện lực EVN Telecom và 092 của Công ty cổ phần Viễn thông Hà Nội Hanoi Telecom. Đây là hai mạng sử dụng công nghệ CDMA với tính năng vượt trội là tốc độ đường truyền cao, có thể dễ dàng sử dụng các dịch vụ gia tăng một cách đa dạng như xem video, kết nối Internet tốc độ cao...
 
Theo ông Nguyễn Mạnh Bằng, Giám đốc EVN Telecom, trong tháng 2, mạng di động 096 sẽ chính thức cung cấp dịch vụ. Còn Hanoi Telecom thì trong quý 2 cũng ra mắt. Mặc dù chưa tiết lộ giá cước nhưng theo thông tin từ hai doanh nghiệp này thì giá dịch vụ của họ cao nhất cũng bằng giá của Viettel hiện nay.
 
Với sự đầu tư vào hạ tầng như hiện nay của tất cả các mạng di động, chắc chắn chất lượng dịch vụ sẽ không còn là điều đáng phải bàn nhiều nữa nhưng để thu hút được khách hàng, chỉ có cách là phát triển thêm nhiều dịch vụ gia tăng tiện ích nhất. Còn nếu không thay đổi kịp để đáp ứng nhu cầu của khách hàng thì dần dần người sử dụng sẽ bỏ sang những nhà cung cấp dịch vụ khác có nhiều dịch vụ gia tăng hơn, nhiều dịch vụ nội dung hơn, thỏa mãn được nhu cầu của họ.

Theo Sài Gòn Giải Phóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.