Nhân lực Việt có thể thúc đẩy phát triển công nghệ Singapore

02/03/2021 14:00 GMT+7

Mối hợp tác giữa chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam - Singapore gần đây mang lại những “trái ngọt” đầu tiên cho cộng đồng công nghệ cũng như công ty khởi nghiệp của cả hai nước.

Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam (NATEC) (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) cùng Cơ quan Phát triển doanh nghiệp Singapore (ESG) đã có những chia sẻ về những thành tựu đạt được tròn 2 năm sau khi biên bản ghi nhớ (MOU) giữa đôi bên được ký kết. Từ những kết quả đạt được đó, NATEC và ESG đã ký tiếp MOU kéo dài thêm 2 năm, tới năm 2022 để tiếp tục tạo điều kiện thúc đẩy các công ty khởi nghiệp, tổ chức giáo dục cũng như các nhà xây dựng hệ sinh thái của cả hai quốc gia.
* Xin chia sẻ thêm về những kết quả từ sự hợp tác giữa NATEC và ESG trong giai đoạn 2018 - 2020?
- Ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng NATEC: Nhiều thành quả nổi bật đã đạt được trong 2 năm hợp tác vừa qua, bao gồm sự kết nối mạnh mẽ giữa 2 tổ chức cũng như toàn bộ hệ sinh thái khởi nghiệp năng động được kỳ vọng phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong giai đoạn tới. Năm 2019 chúng tôi đã tổ chức thành công sự kiện TechFest Quốc tế tại Singapore. Hợp tác quan trọng với Trường cao đẳng Temasek Polytechnic, quỹ đầu tư mạo hiểm Quest Ventures cùng nhiều đối tác khác cũng được đặt nền móng với sự hỗ trợ từ ESG.
- Ông Leon Cai - Giám đốc khu vực (TP.HCM) của ESG: MOU 2 năm đầu tiên đã đạt được nhiều sáng kiến, giúp các cộng đồng đổi mới sáng tạo trên toàn cầu tiếp cận sâu rộng hơn với bối cảnh khởi nghiệp tại Việt Nam. NUS Enterprise - cơ quan chuyên trách về khởi nghiệp của Đại học Quốc gia Singapore đã hợp tác với Tổng công ty Becamex IDC để mở trung tâm hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp mang tên BLOCK71 Sài Gòn. Tổ chức này bao gồm công ty khởi nghiệp, các nhà đầu tư mạo hiểm, vườn ươm doanh nghiệp, kết nối chuyên gia của Việt Nam với mạng lưới cố vấn, nhân tài về công nghệ trên toàn cầu.

Ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng NATEC (trái) và ông Leon Cai – Giám đốc khu vực (TP HCM) của ESG

Ảnh: NVCC

* Hai bên đánh giá ra sao về những kết quả đạt được, cũng như sự ảnh hưởng tới quyết định ký kết MOU thứ 2 kéo dài tới năm 2022?
- Ông Phạm Hồng Quất: NATEC đánh giá cao những thành tựu đã đạt được và coi đây là nền tảng vững chắc cho giai đoạn hợp tác tiếp theo. Trong 2 năm tới, hầu hết hoạt động và nỗ lực tập trung vào xây dựng mối liên kết giữa các đơn vị chủ chốt trong hệ sinh thái của cả hai quốc gia. Đại dịch Covid-19 khiến một số hoạt động bị trì hoãn nhưng sẽ được tái khởi động vào đầu năm 2021.
Đôi bên đều nhận thấy cần phải mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực cụ thể khác nhau. Chúng tôi hy vọng biến những kết nối đã tạo dựng trong 2 năm qua thành hành động cụ thể để thúc đẩy hệ sinh thái phát triển hơn nữa, đặc biệt trong thời kỳ “bình thường mới”.
- Ông Leon Cai: Đối với ESG, Việt Nam sở hữu nền tảng nhân lực mạnh mẽ có thể thúc đẩy nhu cầu phát triển công nghệ của chính Singapore. Là một trong những trung tâm khởi nghiệp công nghệ phát triển nhanh nhất ASEAN, doanh nghiệp Singapore quan tâm đến việc xây dựng quan hệ đối tác để tìm kiếm cơ hội trên thị trường. Các lĩnh vực vận tải, hậu cần, y tế và sức khỏe, giáo dục, công nghệ doanh nghiệp là những mảng đang phát triển có nhiều tiềm năng để hợp tác cùng đổi mới sáng tạo.
* Các công ty khởi nghiệp Việt Nam có thể hưởng lợi cụ thể ra sao từ hợp tác giữa NATEC và ESG?
- Ông Phạm Hồng Quất: Singapore được coi là trung tâm của đổi mới sáng tạo, là “thiên đường” cho startup. Do đó chúng ta sẽ có cơ hội trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và triển khai các sáng kiến, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo cũng như đổi mới sáng tạo, xây dựng - vận hành các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp.
Các startup sẽ nhận được cơ hội vàng để mở rộng thị trường, có cơ hội nhận đầu tư thông qua các chương trình trao đổi và hàng loạt khóa nâng cao năng lực. Sự hợp tác trong các hoạt động đổi mới sáng tạo theo nhu cầu nhằm kết nối các công ty khởi nghiệp công nghệ với các doanh nghiệp nhỏ, vừa và lớn tại Việt Nam và Singapore là một điểm sáng mới và được kỳ vọng sẽ thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo ở cả hai quốc gia.
- Ông Leon Cai: Singapore hết sức nỗ lực xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo sôi động gồm 80 trong số 100 công ty hàng đầu thế giới như Google, Facebook, IBM... cho đến những “ngôi sao đang lên” như Grab, Stripe. Chúng tôi hoan nghênh các công ty Việt Nam tới khám phá Singapore, hợp tác với họ và đối tác đổi mới sáng tạo cùng tư duy tại đảo quốc Sư tử, kết nối với cố vấn công nghệ và cố vấn quốc tế. Đồng thời tận dụng mạng lưới các đơn vị trung gian hỗ trợ để tiếp cận hệ sinh thái đổi mới toàn cầu khác.
* Những thách thức về đổi mới đối với khu vực ASEAN nói chung và Việt Nam là gì?
- Ông Phạm Hồng Quất: Các nền kinh tế ASEAN vẫn cần dựa vào thị trường toàn cầu để tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong lương lai. ASEAN cũng đang phải đối mặt với những rào cản cho đổi mới sáng tạo liên quan đến văn hóa và xã hội sáng tạo, đòi hỏi phải có nỗ lực, quyết tâm để thay đổi, bắt đầu từ giáo dục. Tài năng và tính đa dạng cần phải được khuyến khích phát huy thay vì tuân thủ khuôn mẫu cứng nhắc. Không gian làm việc cần phải được thiết kế lại để tạo môi trường chia sẻ ý tưởng và sáng tạo một cách dễ dàng.
- Ông Leon Cai: Có hai thách thức mà cả ASEAN và nhiều quốc gia khác đang phải đối mặt. Đầu tiên là nhân lực. Nhu cầu về kỹ năng và năng lực luôn là thách thức đối với các trung tâm đổi mới sáng tạo trên thế giới, luôn tồn tại sự cạnh tranh để thu hút nhân tài. Thứ hai là vốn. Covid-19 gây nhiều khó khăn hơn cho các startup trong bối cảnh hoạt động đầu tư toàn cầu đang chậm lại hoặc dịch chuyển sang những ưu tiên khác. Dù chính phủ có ban hành chính sách và cơ sở hạ tầng phù hợp để hỗ trợ, nếu thiếu nhân lực và vốn thì doanh nghiệp không thể mở rộng quy mô giải pháp tiến bộ, không thể tiếp cận thị trường thành công.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.