Nhật Bản thắt chặt luật chống độc quyền công nghệ

15/02/2019 08:55 GMT+7

Chính phủ Nhật có kế hoạch thành lập một cơ quan giám sát mới, để ‘soi’ các công ty công nghệ lớn như Facebook và Google trong bối cảnh mối lo ngại về tình trạng độc quyền và việc xử lý dữ liệu cá nhân.

Theo Reuters, cơ quan giám sát mới sẽ kiểm tra các thông lệ về cạnh tranh, bảo mật thông tin cá nhân, và đưa ra những khuyến nghị để chống tình trạng độc quyền. Thông tin được đưa ra tại Hội nghị tư vấn của chính phủ Nhật vào ngày 13.2.
Cơ quan này cũng sẽ tạo những hướng dẫn mới để đánh giá liệu hoạt động sáp nhập và mua bán dữ liệu nhắn tin hoặc dữ liệu cá nhân có dẫn đến tình trạng độc quyền hay không. Chính phủ nước này hy vọng sẽ xây dựng xong các kế hoạch cho cơ quan quản lý mới trong mùa nè năm nay, nhưng chưa chắc chắn khi nào nó chính thức hoạt động.
Động thái của Nhật là một phần trong xu hướng toàn cầu liên quan đến thắt chặt luật chống độc quyền đối với những công ty công nghệ lớn, vốn bị chỉ trích rằng đang lạm dụng tầm ảnh hưởng để cạnh tranh không lành mạnh trên công cụ tìm kiếm, mạng xã hội, thương mại điện tử và ít bị giám sát.
Cụ thể, tại Hội nghị vừa qua, các quan chức đã trình bày rằng Facebook, Google, Amazon, tập đoàn thương mại điện tử Alibaba và công cụ tìm kiếm Baidu của Trung Quốc đang mở rộng tầm ảnh hưởng khi đưa “vòi bạch tuộc” đến các hệ thống thanh toán, cửa hàng bán lẻ, xe tự hành, máy bay không người lái và thiết bị kết nối.
Theo các quan chức, sự phát triển của kinh tế kỹ thuật số đúng là đang mang lại một số giá trị, như khiến quá trình tiếp cận khách hàng mới dễ dàng hơn và tạo ra lợi nhuận với chi phí thấp hơn. Tuy nhiên, một số công ty lớn có khả năng lạm dụng ảnh hưởng của họ để tác động đến kết quả tìm kiếm một cách tùy tiện, đặt phí cao, thay đổi đột ngột điều khoản sử dụng, và tạo ra hợp đồng không công bằng với các nhà cung cấp.
Dĩ nhiên, trường hợp Google và Facebook bị phạt bởi Liên minh châu Âu vì vi phạm luật chống độc quyền cũng được đưa ra thảo luận tại Hội nghị nói trên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.