Nhiều trở ngại cho mạng xã hội của ông Donald Trump

24/03/2021 16:48 GMT+7

Có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh thông báo về mạng xã hội mới của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Gần đây, cố vấn Jason Miller xác nhận với Fox News rằng ông Donald Trump sẽ thành lập mạng xã hội riêng trong vài tháng tới, dự kiến nền tảng do ông tạo ra sẽ thu hút hàng triệu người dùng và "thay đổi hoàn toàn cuộc chơi". Thế nhưng, dư luận lại tỏ ra hoài nghi trước lời tuyên bố này.

Xây dựng mạng xã hội không hề đơn giản

Thách thức đầu tiên nằm ở việc ông Trump không có kinh nghiệm xây dựng một nền tảng truyền thông. Hằng năm, vô số dự án mạng xã hội nổi lên ở Thung lũng Silicon nhờ bắt chước mô hình của Facebook, Twitter để rồi "chết yểu" từ trong trứng nước. Ngay cả Google - công ty hiện có vốn hóa thị trường 1.400 tỉ USD, dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ cũng đành chứng kiến hàng loạt dự án như Google Buzz, Google Wave, Orkut hay Google+ bị rơi vào quên lãng. Trang Politico chốt lại: "Tất cả đều thất bại thảm hại, vậy ông Donald Trump có gì mà Google không có?".
Trong bối cảnh các công ty Big Tech ngày càng khắt khe với các ứng dụng dành cho người theo phe bảo thủ, Forbes cho rằng ông Trump sẽ gặp khó khăn nếu muốn đưa mạng xã hội lên App Store và Google Play, hay kết nối với các nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ web như Amazon Cloud Services hoặc Azure của Microsoft.  
Nhưng ngay cả khi ông Trump thuyết phục Big Tech thành công, 2-3 tháng cũng là thời gian quá ngắn để xây dựng một mạng xã hội dù là thô sơ nhất. Nina Jankowicz - chuyên gia về truyền thông ở The Wilson Center (Mỹ) nhận định: "Tôi không thấy dự án sẽ có kết quả trừ khi họ đầu tư nhiều thời gian và nhiều tiền hơn họ dự định". 

Nhà Trắng: Bằng ngôn từ, ông Trump góp phần làm trầm trọng nạn kỳ thị người gốc Á

Ông Trump thu lợi nhuận từ đâu?

Các công ty truyền thông xã hội kiếm lời nhờ doanh thu quảng cáo và lượng thành viên khổng lồ. Mạng xã hội của ông Trump cũng không ngoại lệ. Vấn đề nằm ở chỗ: nhà quảng cáo nào sẵn sàng hợp tác với ông? Trang The Next Web nêu luận điểm ông Trump có thể lôi kéo những nhà tài trợ theo phe bảo thủ cùng thành viên là những người ủng hộ ông về mặt chính trị, nhưng con số đó chẳng thấm vào đâu và không thể duy trì lâu dài. Nếu thiếu cả hai yếu tố trên, một mạng xã hội xem như thất bại. 

Ông Trump sẽ dễ bị "sờ gáy" hơn 

Kiểm duyệt nội dung là vấn đề lớn đối với nhiều mạng xã hội hiện nay. Một nền tảng có hai lựa chọn: cấm thành viên đăng các nội dung vi phạm quy định, hoặc cho phép mọi người đăng những gì họ muốn. 
Trong trường hợp đầu tiên, The Next Web đề xuất ông Trump cần thuê nhân viên hoặc tạo thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) đủ mạnh nhằm sàng lọc nội dung như Google hay Facebook. Nếu muốn bỏ qua bước kiểm duyệt, đội ngũ của ông sẽ phải tìm một công ty sẵn sàng cung cấp dịch vụ lưu trữ cho mạng xã hội "tự do ngôn luận". Ông Trump có thể đối mặt với nhiều vụ kiện tụng ở tòa án Mỹ nếu để nền tảng đi vào vết xe đổ như Parler ngày nào. 

YouTube sẽ gỡ lệnh cấm cựu Tổng thống Trump nếu nguy cơ bạo lực giảm

Ông Trump nên mua lại công ty thay vì "tự thân vận động"

Theo Forbes, cựu Tổng thống Mỹ nên mua một mạng xã hội rồi đổi thương hiệu và mở rộng những gì có sẵn. Là chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, ông Trump thường mua lại các công trình thay vì tự xây dựng. Parler và Gab sẽ là những ứng cử viên tiềm năng. Parler có 10 triệu thành viên trước khi ngừng hoạt động, Gab có 3 triệu người dùng. BuzzFeed đưa tin Parler từng có ý định "chào mời" ông Trump để trở thành kênh phát ngôn chính thức của cựu Tổng thống Mỹ, thế nhưng thương vụ này cuối cùng không thành hiện thực vì đi ngược lại với một số quy định của Nhà Trắng. 
Bất chấp nhiều rào cản như vậy, lợi thế của ông Trump vẫn là lượng người hâm mộ hùng hậu. Tài khoản Twitter của ông trước khi bị khóa từng sở hữu gần 90 triệu người theo dõi. Chắc chắn, sẽ có một bộ phận sẵn sàng theo dõi ông ở mạng xã hội mới, không chỉ để ủng hộ mà còn vì tò mò trước những gì mà Tổng thống Mỹ thứ 45 sẽ làm sắp tới. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.