Những người ‘nổi loạn’ với di động

28/03/2014 14:07 GMT+7

Họ tập trung vào di động với những chiến lược chưa ai từng làm ở Việt Nam với những hành động không giống ai.Thế nhưng, hàng chục triệu người dùng lại yêu thích điều này.

1. Trong khi đang kinh doanh tốt với khoản lợi nhuận cả chục triệu USD nhờ dịch vụ VoIP 178, ông Nguyễn Mạnh Hùng (khi đó là Phó tổng giám đốc Viettel) cùng với các cộng sự của mình đề nghị đầu tư vào vào lĩnh vực thông tin di động. Không giống như VoIP là miền đất chưa ai khai phá, di động là lĩnh vực độc quyền với 2 “ông kẹ” là MobiFone và VinaPhone. Bên cạnh đó, di động sẽ đòi hỏi khoản đầu tư khổng lồ hàng trăm triệu USD và lên tới cả tỷ USD ở các pha kế tiếp. Trước đó, đại gia viễn thông đình đám thế giới là SK Telecom (mạng S-Fone) đã vào Việt Nam và không mấy thành công. Thế nhưng, Viettel vẫn tiến bước.

 

 

Nếu như trước đó, các mạng di động đầu tư theo nguyên tắc nhu cầu đến đâu mở rộng đến đó và vùng phủ sóng sẽ mở dần dần từ thành thị đến nông thôn thì ông Nguyễn Mạnh Hùng cùng cộng sự làm ngược lại. Viettel nhanh chóng phủ sóng toàn quốc ngay từ những ngày đầu cung cấp dịch vụ. Bên cạnh đó, ông Hùng cùng với Viettel sử dụng chiến lược “lấy nông thôn vây thành thị” (phát triển mạnh thuê bao di động ở các vùng quê nghèo) để cạnh tranh với 2 mạng di động đại gia. Chưa hết, di động trước đây là khái niệm chỉ dành cho người giàu thì vị Phó tổng giám đốc Viettel lúc đó cùng cộng sự của mình đem đến một định nghĩa mới: “Di động cho mọi người”…

Cho đến nay, kết quả ai cũng có thể thấy rõ.Viettel chiếm tới gần 50% thị phần thông tin di động tại Việt Nam, vươn ra cả Campuchia, Lào, Haiti, Mozambique, Peru… với số thuê bao tổng cộng lên tới cả trăm triệu.

2. Năm 2012, khi Vương Quang Khải cùng cộng sự của mình tại Công ty VNG khởi động dự án Zalo - tại Việt Nam chưa có công ty nào nghĩ tới việc làm OTT (ứng dụng nhắn tin miễn phí). Thứ nhất, OTT là một lĩnh vực hoàn toàn mới trên di động, trong khi VNG vốn có thế mạnh về web. Thứ hai, người Việt Nam thường tin vào sản phẩm công nghệ của các tập đoàn lớn nước ngoài chứ ít người tin dùng ứng dụng trong nước. Việc đầu tư làm ứng dụng công nghệ nội địa cạnh tranh với những người khổng lồ của thế giới bị coi là “điên rồ”.

 

Cũng bởi vậy, dù là công ty công nghệ, cởi mở với những ý tưởng mới, Zalo vẫn được coi như một dự án mạo hiểm cao và có tính nổi loạn tại VNG. Chưa hết, chiến lược của nhóm làm OTT tại VNG cũng chẳng giống ai. Trong khi OTT nước ngoài của những tập đoàn công nghệ lớn quảng bá tính năng công nghệ hoành tráng, hình ảnh sành điệu thì Zalo chỉ tập trung giới thiệu khả năng nhắn tin nhanh, ổn định nhất trên mọi hạ tầng viễn thông (2,5G–3G–Wifi). Thêm nữa, khi tích hợp mạng xã hội vào Zalo, nhóm làm sản phẩm cũng đưa ra quy tắc ngược hẳn với thông thường: tính riêng tư tối đa. Và để khẳng định sự quyết tâm với chiến lược “ngược dòng” của mình, Vương Quang Khải và những lãnh đạo nhóm làm Zalo “tuyên thệ mổ bụng tự sát tập thể” (từ chức và rời khỏi công ty đồng loạt) nếu như sản phẩm thất bại.

Thế nhưng, người dùng Việt Nam lại rất hào hứng với những đặc tính ngược dòng của Zalo. Sau khi “hút chết” ở giai đoạn đầu, OTT Việt Nam nhanh chóng đạt 1 triệu người dùng vào tháng 3/2013 và tăng trưởng gấp 10 lần, đạt 10 triệu vào tháng 3/2014. Giấc mơ lớn về hàng triệu người dùng của những kỹ sư Zalo năm 2012 giờ có khả năng hiện thực với con số hàng chục triệu.

3. Trước khi nổi danh với Flappy Bird, Nguyễn Hà Đông vẫn bị coi là một “gã lông bông” theo nghĩa thông thường. Trong khi bạn bè yên ổn ở các công ty lớn, với lương cao, xe đẹp… Đông lại miệt mài làm “game studio” cho di động chỉ với 1 người. Trong khi nhiều người thích những game hoành tráng, hình ảnh thời thượng, Đông lại thích làm những thứ đơn giản, thậm chí còn lấy cảm hứng sáng tạo từ những trò chơi xưa cũ (Super Mario những năm 80).

 

Trong khi phần lớn các trò chơi khiến cho người ta vui thích và mải miết thì “cha đẻ” của Flappy Bird lại đem đến một game khiến người mới chơi ức chế, khó khăn và chỉ muốn đập điện thoại. Và trò chơi mà Đông tạo ra chỉ có 1 con chim bởi anh thấy Angry Bird (trò chơi có cùng tên Bird rất thành công trước đó) “quá đông đúc”.

Tháng 5.2013, khi đưa lên App Store (miễn phí),anh chỉ hy vọng kiếm được vài trăm USD mỗi tháng từ quảng cáo bên trong trò chơi. Thế nhưng, sau khi lặn ngụp ở các bảng xếp hạng 8 tháng, Flappy Bird lan nhanh như virus. Tháng 2/2014, game này trở thành ứng dụng được tải nhiều nhất tại hơn 100 quốc gia và đạt trên 50 triệu lượt tải.Nguyễn Hà Đông kiếm được số tiền ước tính lên tới 50.000 USD/ngày.

Tuy nhiên, chàng trai đem đến giấc mơ cho nhiều người làm game di động Việt đã quyết định hạ Flappy Bird khỏi các gian ứng dụng đúng lúc trò chơi đang ở đỉnh cao. Anh chia sẻ trên Twitter: “Tôi có thể gọi Flappy Bird là một thành công nhưng nó cũng hủy hoại cuộc sống đơn giản của tôi”. Trả lời tạp chí Rolling Stone (Mỹ) về quyết định xóa game gây bão, Đông nói: “Tôi làm chủ số phận của mình. Một người suy nghĩ độc lập”.

4.Sau khi chuyển hướng đầu tư sang di động, Viettel chuyển nhanh chóng từ công ty có quy mô nhỏ sang một tập đoàn lớn. 10 năm kể từ khi cung cấp dịch vụ thông tin di động (2004-2014), ông Hùng và các cộng sự của mình đang điều hành một tập đoàn toàn cầu với lợi nhuận hàng tỷ USD mỗi năm (2013 là 1,7 tỷ USD lợi nhuận).

Với VNG, kể từ khi theo đuổi định hướng “mobile first” với mũi nhọn Zalo, công ty này đang tìm kiếm những cơ hội tăng trưởng nhảy vọt mới cùng cách suy nghĩ và thực hiện khác biệt. Cũng từ khi chuyển hướng đầu tư mạnh mẽ cho nền tảng di động, VNG còn có thêm nhiều sản phẩm thành công khác như Zing MP3 (trước đây là vị trí số 1 trên web), Laban Key… Các ứng dụng này luôn có mặt trong top đầu của App Store hay Google Play - vị trí trước đây chỉ dành cho các sản phẩm công nghệ nước ngoài.

Còn với Nguyễn Hà Đông, hàng triệu người dùng đang chờ mong những sản phẩm mới của cha đẻ Flappy Bird. Thành công của chàng trai 29 tuổi làm game một mình đã cổ vũ mạnh mẽ cho sự phát triển của ngành công nghiệp game Việt Nam - vốn bị đè nén vài năm gần đây bởi cái những nhìn không mấy thiện cảm.

Trước mắt, cả Viettel, VNG hay Nguyễn Hà Đông đều phải đương đầu với những thách thức lớn. Những kết quả khả quan hiện tại không thể đảm bảo cho họ thành công trong tương lai.Thế nhưng, trong mọi trường hợp, những con người có suy nghĩ và hành động khác biệt, có phần hơi nổi loạn luôn tạo ra vẻ đẹp cho ngành công nghệ - nơi những câu chuyện cổ tích có thể được kể bất cứ lúc nào.

Nguyễn Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.