Vì sao Apple chi tiền kỷ lục cho nghiên cứu và phát triển?

Thu Thảo
Thu Thảo
05/08/2019 11:10 GMT+7

Apple chi 4,2 tỉ USD cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) trong quý kết thúc vào tháng 6. Đây là số tiền chi hàng quý cao nhất cho R&D.

Theo CNBC, hóa đơn R&D của hãng táo khuyết chiếm 7,9% tổng doanh thu, tỷ lệ phần trăm doanh thu cao nhất kể từ năm 2003, khi Apple vẫn còn tập trung vào iPod và Mac. Cả năm 2019, Apple đang trên đà chi hơn 16 tỉ USD cho nghiên cứu và phát triển.
Mức chi R&D tăng khi sản phẩm đem về lợi nhuận cao nhất cho Apple là iPhone chứng kiến doanh số giảm. Doanh thu iPhone quý trước hạ 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Vì thế, Apple tích cực đầu tư vào nhiều công nghệ cốt lõi có thể hỗ trợ cho các thiết bị chưa được ra mắt. Việc phát triển và nghiên cứu công nghệ mới ngốn phí cao.
Trong lịch sử, Apple thường tụt hậu so với nhiều hãng công nghệ hàng đầu về mặt chi tiêu R&D. Quý vừa qua, Microsoft chi 13,4% doanh thu cho R&D, Google chi 15,7% doanh thu cho R&D. Giám đốc tài chính Apple Luca Maestri gần đây chia sẻ ông dự kiến xu hướng tăng chi tiêu R&D sẽ tiếp tục trong tương lai.
"Chúng tôi muốn cải thiện trải nghiệm người dùng và phân biệt sản phẩm, dịch vụ của mình trên thị trường. Vì thế chúng tôi tiếp tục làm điều đó. Tất nhiên có một số loại đầu tư có ý nghĩa chiến lược và lâu dài với chúng tôi", ông Maestri cho biết. Ông nhắc đến thương vụ thâu tóm bộ phận modem của Intel với giá 1 tỉ USD gần đây của Apple. Trong thương vụ này, Apple nhận về 2.000 nhân viên của Intel và đây là thương vụ mua lại lớn nhất từ trước đến nay nhìn từ quan điểm hợp nhất nhân viên.
CEO Apple Tim Cook giải thích thương vụ thâu tóm mảng modem của Intel với cụm từ mà nhiều người gọi là "học thuyết Tim Cook". Ông Cook cho hay chiến lược dài hạn của Apple là sở hữu, kiểm soát các công nghệ chính đằng sau sản phẩm mà hãng tạo ra. Công nghệ sơ cấp đòi hỏi đầu tư lớn.
Đơn cử, Apple đang phát triển bộ vi xử lý bên trong iPhone thay vì mua chip từ các nhà cung ứng như Qualcomm. Điều này đòi hỏi kỹ sư giỏi và thiết bị chuyên dụng mà giới doanh nghiệp thường có được nhờ thuê hoặc mua trong thị trường cạnh tranh, chẳng hạn như tại Thung lũng Silicon hoặc ở Israel. Apple cũng phát triển chip bluetooth không dây của mình. Đây là một trong các công nghệ quan trọng đằng sau AirPod, sản phẩm quan trọng trong mảng thiết bị đeo được.
Ngoài ra, Apple cũng chi mạnh cho các công nghệ có thể mất nhiều năm để ra thị trường. Ví dụ, dự án Titan phát triển công nghệ xe tự hành của Apple thuê tuyển nhiều giám đốc từ Tesla và các hãng khác. Kỹ sư và cơ sở vật chất ngành ô tô vốn không rẻ. Apple còn đầu tư mạnh vào thực tế tăng cường (AR), công nghệ sử dụng máy ảnh và máy tính tinh vi để đưa vật thể kỹ thuật số vào thế giới thực.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.