Công nhân ‘hít’ keo chó, bóng cười, shisha… cũng dễ thành người nghiện

Chưa nằm trong danh mục các chất ma túy bị cấm ở Việt Nam nhưng nếu nhẹ dạ, cả tin mà “hít” keo chó, bóng cười, shisha thì rất dễ trở thành người người nghiện, mà khi đã nghiện rồi thì rất khó cai.

Đó là chia sẻ từ bác sĩ, đại tá Tạ Đức Ninh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng phòng chống ma túy, nguyên Trưởng phòng thường trực Chương trình quốc gia phòng chống ma túy (Bộ Công an) với các công nhân tại khu công nghiệp Normura, TP.Hải Phòng.

Đây là nội dung trong buổi tập huấn kiến thức, kỹ năng phòng chống ma túy và “tín dụng đen” cho 250 công nhân do Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Công đoàn khu kinh tế TP.Hải Phòng tổ chức ngày 23.12.

Ông Vũ Mạnh Tiêm, Phó trưởng ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chia sẻ về nội dung tập huấn với các công nhân

Trực tiếp chia sẻ với các công nhân, bác sĩ, đại tá Tạ Đức Ninh đã cảnh báo tội phạm ma túy sử dụng rất nhiều thủ đoạn, phương thức tuyên truyền để dụ dỗ, lôi kéo người khác sử dụng các chất ma túy.

Dẫn chứng với công nhân về cây thuốc phiện, ông Ninh cho rằng, nhiều người hiện nay được tuyên truyền trồng ít cây thì không vi phạm pháp luật nên trồng lén lút để ngâm rượu uống bồi bổ sức khỏe. Nhưng theo quy định hiện nay, trồng và sử dụng cây thuốc phiện dưới bất kỳ hình thức nào đều là hành vi vi phạm pháp luật, nhẹ thì bị xử phạt hành chính, nặng có thể bị phạt tù đến 2 năm.

Đối với cần sa, tội phạm thường tuyên truyền không gây nghiện và một số nước đã hợp pháp hóa, cho phép sử dụng cần sa. “Ở Mỹ đã có 23 bang hợp thức hóa sử dụng cần sa bởi họ đang phải đối mặt với tệ nạn nguy hiểm hơn là cocain nên việc cho phép sử dụng cần sa là để giảm tác hại từ ma túy. Cần sa thực chất là ma túy, rất dễ gây nghiện và đã nghiện thì rất khó cai nên không được sử dụng, dù chỉ thử một lần”, ông Ninh cảnh báo.

Cũng theo ông Ninh, thực tế vừa qua phát hiện nhiều trường hợp “hít” keo chó, shisha, bóng cười… được sử dụng nhiều trong các quán karaoke, vũ trường. Thực tế trong các chất này đều có hoạt chất gây tổn thương cho não, làm suy giảm trí nhớ, sức khỏe của người sử dụng nó. “Ở Việt Nam, shisha, keo chó, bóng cười chưa được đưa vào danh mục các chất ma túy bị cấm sử dụng nhưng nếu sử dụng nhiều cũng rất dễ gây nghiện. Ngoài ra, dụng cụ hút shisha hay thuốc lá điện tử rất dễ bị lợi dụng để pha trộn ma túy đá hoặc tinh dầu cần sa”, ông Ninh nói.

Năm nay, chương trình tập huấn kiến thức, kỹ năng phòng chống ma túy và “tín dụng đen” do Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì, phối hợp với Công đoàn các khu công nghiệp, doanh nghiệp tổ chức lần lượt ở các địa phương Thái Nguyên, Vĩnh Phúc và Hải Phòng. Qua các lớp tập huấn này, công nhân được chia sẻ thông tin, cập nhật kiến thức và đào tạo kỹ năng nhận diện để chủ động phòng tránh tệ nạn ma túy cũng như bẫy “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.