Công trường dưới lòng đất 30m giữa trung tâm Sài Gòn

24/04/2016 13:15 GMT+7

Gần 200 con người đang ngày đêm miệt mài thi công ở độ sâu hơn 30 m trong lòng đất dưới đường Lê Lợi - công trình ngầm của tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) ở TP.HCM, trong khi phía trên mặt đường xe cộ vẫn tấp nập.

Gần 200 con người đang ngày đêm miệt mài thi công ở độ sâu hơn 30 m trong lòng đất dưới đường Lê Lợi - công trình ngầm của tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) ở TP.HCM, trong khi phía trên mặt đường xe cộ vẫn tấp nập.

Công trường metro trong lòng đất, dưới đường Lê Lợi - Ảnh: Diệp Đức MinhCông trường metro trong lòng đất, dưới đường Lê Lợi - Ảnh: Diệp Đức Minh
Những ngày cuối tháng 4, bên trong công trường thi công ngầm của gói thầu 1b (xây dựng đoạn ngầm từ Nhà hát TP đến ga Ba Son, do nhà thầu liên danh Shimizu - Meada Nhật Bản thực hiện), không khí lao động đang hừng hực với cảnh đào đất, đổ bê tông…
Sâu 30,4 m
Kỹ sư Huỳnh Minh Hiếu, một trong những người phụ trách công trường, đưa chúng tôi xuống “tham quan lòng đất”. Từng thi công nhiều công trình lớn nhưng Hiếu cho biết chưa bao giờ thấy đặc biệt như công trường này. Đó là môi trường làm việc kín, độ ồn cao, mật độ bụi nhiều.
“Theo thiết kế, công trường gồm 4 sàn. Hiện chúng tôi đang thi công sàn B1. Đây sẽ là nơi đón hành khách xuống để đi tàu. Còn sàn B2 dưới một nấc sẽ là đường tàu chạy. Bởi vì có 2 đoàn tàu vào và ra nên sàn ở sâu nhất là B4 cũng sẽ là đường tàu chạy. Trong khi sàn B1 và B3 sẽ được bố trí những công trình tiện ích, dịch vụ để phục vụ hành khách. Tại đây còn có công trình kết nối với Trung tâm thương mại Vincom. Khu vực này phải ưu tiên làm sớm để cuối năm nay đón nhận thiết bị TBM (robot khoan ngầm đa năng kích cỡ lớn) đi vào nên đang được thi công 24/24”, anh cho biết.
Dọc các tường vây là vô số các thanh giằng thép với kích cỡ lớn được cắm sâu 44 m dưới lòng đất, nhằm chịu lực và ngăn ngừa sự dịch chuyển của tường vây. Theo kỹ sư Hiếu, công trường sử dụng phương pháp thi công TOP - DOWN, là giải pháp tối ưu trong thi công các công trình hầm ở những nơi chật hẹp; đảm bảo các công trình cao tầng lân cận không bị lún; giảm được ảnh hưởng xấu của thời tiết.
Sau khi đào xong tầng B1, nhà thầu sẽ tiếp tục thi công tầng B2, tầng B3, B4, chiều sâu tầng hầm metro là 30,4 m.
Biến đất đào thành nước phục vụ thi công
Tại ga Ba Son, nhà thầu đang thi công tường vây, đào đất, lắp đặt thanh giằng/chống để thi công sàn; đã gia cố xong nền đất khu vực khởi động và tiếp nhận máy khoan. Cuối năm 2016 sẽ lắp đặt máy đào TBM. Tổng chiều dài hầm khoan là 781 m gồm 2 ống hầm đơn dài khoảng 318 m và 2 ống hầm song song dài 463 m. Đường kính ngoài vỏ hầm 6,65 m, đường kính trong 6,05 m được lắp ghép từ các đốt bê tông cốt thép được gọi là Segment và được liên kết với nhau bằng các bu lông cong.
Máy khoan hầm sử dụng cho dự án là EPB-TBM (Earth Pressure Balance-Tunneling Boring Machine), là một tổ hợp máy đào có thể thực hiện được các hạng mục thi công hầm bằng phương pháp cân bằng áp lực đất. Đường kính 7,13 m, chiều dài 8,3 m. Máy được lắp ráp và hạ xuống tại giếng khởi động từ ga Ba Son để đào hầm phía đông về ga Nhà hát TP. Sau đó, nhà thầu sẽ tháo dỡ máy đào và vận chuyển về lại ga Ba Son, tiếp tục đào hầm phía tây về lại ga Nhà hát TP.
Kỹ sư Dương Hữu Hòa, Giám đốc dự án xây dựng tuyến metro số 1, cho biết trong quá trình đào, đất được băng tải guồng xoắn đưa vào thùng khuấy, biến đất đào thành dạng bùn lỏng và được đưa ra ngoài nhờ máy bơm với hệ thống đường ống. Bùn lỏng được dẫn vào một trạm lắng, qua hệ thống sàn rung sẽ tách đất cát ra khỏi nước. Đất và cát đổ vào ô tô vận chuyển, nước sử dụng lại cho thi công.
Cũng theo kỹ sư Hòa, tiến độ thi công tuyến metro đầu tiên của TP.HCM đang diễn ra cơ bản thuận lợi. Dự án đã thực hiện được 2/3 hợp đồng xây lắp, 1 hợp đồng mua sắm thiết bị theo hình thức tổng thầu EPC; gói thầu còn lại là hệ thống công nghệ thông tin sẽ lựa chọn nhà thầu từ năm 2017.
Khu đô thị ngầm cỡ Đông Nam Á
Đầu tháng 3.2016, một công ty Nhật Bản đề xuất UBND TP.HCM dự án "khu phố ngầm nhà ga trung tâm Bến Thành - nhà ga Nhà hát TP" (Q.1) với quy mô 4 tầng hầm, gồm tổ hợp phố đi bộ ngầm, quảng trường công cộng, công trình phụ trợ và khu vực cửa tiệm gắn liền với tổ hợp. Công trình có tổng diện tích hơn 45.400 m2, trong đó khu vực công (phố đi bộ ngầm) hơn 21.600 m2, khu vực tư (mua sắm, ẩm thực, vui chơi, giải trí) là 16.850 m2, còn lại các công trình phụ; tổng số vốn gần 8.400 tỉ đồng (vốn ODA của TP gần 5.000 tỉ đồng, còn lại của nhà đầu tư). Dự án không chỉ nhằm xây dựng trung tâm thương mại mà còn hướng đến việc hình thành một khu đô thị, TP dưới lòng đất quy mô lớn ở khu vực Đông Nam Á.
Công trình dự kiến thi công từ cuối năm 2019 đến đầu năm 2024. Thời gian thu hồi vốn nhà nước trong 13 năm kể từ khi công trình hoạt động.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.