Công ty xây lắp An Giang khai thác đất nhiều nơi để làm gạch

Trần Ngọc
Trần Ngọc
29/11/2024 17:57 GMT+7

Sau phản ánh của Báo Thanh Niên về việc Công ty CP xây lắp An Giang khai thác đất nông nghiệp khi chưa được cấp phép để sản xuất gạch ngói, người dân cho biết nhiều khu đất khác ở H.Tri Tôn và TP.Long Xuyên cũng bị công ty này khai thác.

Nhiều hồ nước "khủng" xuất hiện sau khai thác đất làm gạch

Liên quan việc khai thác đất làm gạch khi chưa có giấy phép tại TT.An Phú của Nhà máy gạch ngói Tunnel Long Xuyên 2 (thuộc Công ty CP xây lắp An Giang), người dân cung cấp cho PV Thanh Niên vị trí nhiều hồ nước "khủng" hình thành tại H.Tri Tôn và TP.Long Xuyên do công ty này khai thác đất mặt làm gạch ngói.

Công ty xây lắp An Giang khai thác đất nhiều nơi để làm gạch- Ảnh 1.

Khu đất lân cận Nhà máy gạch ngói Tunnel Long Xuyên tại P.Bình Đức, TP.Long Xuyên trở thành hồ nước "khủng", sau khi bị lấy đất làm gạch ngói

ẢNH: TRẦN NGỌC

Theo hướng dẫn của người dân, chúng tôi đến khu vực lân cận Nhà máy gạch ngói Tunnel Long Xuyên tại P.Bình Đức, TP.Long Xuyên. Từ đường Trần Hưng Đạo rẽ vào đường đi Bệnh viện Y học cổ truyền An Giang vài trăm mét, có một ao nước rộng mênh mông, diện tích khoảng vài ha. Người dân cho biết, đây là hồ nước nhân tạo, hình thành sau khi Công ty CP xây lắp An Giang mua khoảng 31.000 m2 đất ruộng rồi đào lớp đất mặt sâu khoảng 4 - 5 m để làm gạch ngói. Thấy hồ bỏ hoang, dân địa phương đến câu cá, hóng mát, trình diễn tàu mô hình.

Đi sâu vào bên trong Khu đô thị Bắc Long Xuyên, đối diện hồ nước trên, chúng tôi thấy có thêm một hồ nước lớn, đầy cỏ và lục bình, tiếp giáp khu dân cư và Nhà máy gạch ngói Tunnel Long Xuyên. Người dân khẳng định, các hồ này được hình thành từ việc đào lấy đất mặt làm gạch ngói nhiều năm của Nhà máy gạch ngói Tunnel Long Xuyên.

So sánh những hình ảnh ghi nhận được, vị trí khai thác đất làm gạch của Nhà máy gạch ngói Tunnel Long Xuyên ở P.Bình Đức, TP.Long Xuyên có nhiều điểm tương đồng với khu vực khai thác đất trái phép của Nhà máy gạch ngói Tunnel Long Xuyên 2 tại H.An Phú đã phản ánh trước đó.

Công ty xây lắp An Giang khai thác đất nhiều nơi để làm gạch- Ảnh 2.

Hồ nước tiếp giáp Khu đô thị Bắc Long Xuyên sau khi Công ty CP xây lắp An Giang đào lớp đất mặt làm gạch ngói

ẢNH: TRẦN NGỌC

Tiếp tục theo hướng dẫn của người dân, chúng tôi đến khu vực cổng chào H.Tri Tôn thuộc địa phận xã Châu Lăng, H.Tri Tôn để tìm hiểu. Phía sau hàng cây cách đường ĐT948 hơn 100 m là các khu đất trước đây được Công ty CP xây lắp An Giang thỏa thuận mua của người dân để lấy đất mặt làm gạch và trở thành ao, cỏ dại mọc um tùm. Nếu không có người địa phương dẫn đường, ít ai biết khu vực này từng là đất ruộng trước khi bị lấy đất mặt làm gạch.

"Nhiều năm trước, Công ty CP xây lắp An Giang mua đất ở khu vực này làm gạch, khi lấy đất xong thì thành ao bỏ hoang cho đến nay. Sau này, nhà máy gạch của công ty dời về TT.Tri Tôn thì khu vực này mới không có đào đất như trước đây", một người dân ở gần các khu đất đã được khai thác cho biết.

Công ty xây lắp An Giang khai thác đất nhiều nơi để làm gạch- Ảnh 3.

Ao nước sâu đối diện Khu đô thị Bắc Long Xuyên hình thành sau khi bị Công ty xây lắp An Giang khai thác lớp đất mặt làm gạch ngói

ẢNH: TRẦN NGỌC

Qua xác minh, sau khi di dời Nhà máy gạch ngói Tunnel An Giang về TT.Tri Tôn, nhiều thửa ruộng tại TT.Tri Tôn được Công ty CP xây lắp An Giang cho khai thác lớp đất mặt sâu để sản xuất gạch ngói mà chưa được UBND tỉnh An Giang cấp phép.

Chưa được cấp phép đã khai thác

Liên quan đến các khu đất đã khai thác để làm gạch tại 2 huyện An Phú, Tri Tôn và TP.Long Xuyên, ông Nguyễn Thanh Xuân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP xây lắp An Giang cho biết, từ tháng 10.2023, công ty đã cho ngưng việc khai thác đất khu vực này. Hiện nay, để có đất sản xuất, công ty mua đất của các tỉnh lân cận về sử dụng.

Theo ông Xuân, công ty đã mua đất nông nghiệp của người dân trong khu vực quy hoạch khai thác khoáng sản sét làm gạch ngói được tỉnh phê duyệt và kê khai nộp thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường đầy đủ theo quy định. Công ty đang thực hiện thủ tục xin phép khai thác tại 3 khu mỏ đã được phê duyệt trữ lượng khoáng sản, gồm: khu vực TT.An Phú, H.An Phú (9,32 ha); khu vực TT.Tri Tôn, H.Tri Tôn (9,82 ha) và khu vực P.Bình Đức, TP.Long Xuyên (9,6 ha).

Công ty xây lắp An Giang khai thác đất nhiều nơi để làm gạch- Ảnh 4.

Sau khi khai thác đất làm gạch ngói với diện tích khá lớn ở H.Tri Tôn, Công ty CP xây lắp An Giang đề nghị UBND tỉnh An Giang phê duyệt cho phép khai thác khoáng sản gần 10 ha tại huyện này

ẢNH: TRẦN NGỌC

Về việc khai thác tại các khu mỏ sét ở TP.Long Xuyên, H.An Phú và H.Tri Tôn, Công ty CP xây lắp An Giang đã có công văn gửi lãnh đạo tỉnh An Giang xin cấp phép khai thác. Tuy nhiên, ngày 16.10, bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, có ý kiến không chấp thuận.

Theo kế hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 đã được UBND tỉnh An Giang phê duyệt ngày 31.12.2021, đối với gạch đất sét nung, tỉnh quy định không sử dụng đất nông nghiệp, chỉ sử dụng đất sét mỏ, đất đồi làm nguyên liệu sản xuất gạch đất sét nung được cấp thẩm quyền phê duyệt; 100% cơ sở sản xuất gạch có nguồn nguyên liệu hợp pháp được cấp phép trong hoặc ngoài tỉnh.

Ông Nguyễn Thanh Xuân cho biết thêm: "Đến nay các khu đất trên chưa sang tên cho công ty. Một số khu đất gần đây có sang tên cho đại diện nhà máy của công ty đứng tên, những khu đất còn lại chỉ có hợp đồng mua bán đã qua công chứng, công ty đang giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bản gốc. Hướng khắc phục công ty sẽ thực hiện theo ý kiến kết luận của đoàn kiểm tra".

Như Thanh Niên đã thông tin, UBND tỉnh An Giang thành lập tổ xem xét, xử lý vi phạm đối với hoạt động khai thác khoáng sản, sử dụng đất của Công ty CP xây lắp An Giang tại TT.An Phú, H.An Phú. Bởi, từ năm 2011 - 2023, công ty đã khai thác 154.238 m2 với độ sâu từ 3,5 - 3,8 m để khai thác hơn 875.225 m3 đất mặt làm gạch ngói. Nguồn gốc đất khai thác do công ty giao đại diện đơn vị ký hợp đồng nhận chuyển nhượng từ các hộ dân và chưa được cấp giấy phép khoáng sản theo quy định. Đáng chú ý, trong 154.238 m2 đất đã bị khai thác, có 56.068 m2 là đất được quy hoạch làm cụm công nghiệp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.