Công viên nổi làm từ... rác thải nhựa

Đình Tuyển
Đình Tuyển
05/02/2018 06:36 GMT+7

Rác nhựa trôi trên sông được thu gom rồi tái chế thành bồn trồng cây xanh. Các bồn này được kết nối với nhau thành những công viên nổi trên mặt nước.

Đây là dự án (DA) được đưa ra tại hội thảo “Hướng tới những dòng sông không rác thải nhựa ở VN - Công viên tái chế tại TP.Cần Thơ” diễn ra mới đây và đang được xúc tiến tại Cần Thơ. DA do Tổ chức Đảo tái chế (Recyled Island Foundation), Trường ĐH Khoa học ứng dụng Hogeschool Zeeland (Hà Lan), Công ty Upcyling Plastic (Hà Lan) đề xuất triển khai cùng sự hỗ trợ của chính phủ Hà Lan. Trước đó, DA đã được thực hiện thành công ở Rotterdam (Hà Lan).
Ông Đào Anh Dũng, Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, cho rằng DA trên đầy triển vọng và hữu ích khi Cần Thơ và các đô thị ở ĐBSCL đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm sông, rạch do rác thải plastic ngày càng nghiêm trọng. Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh, Ủy viên Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Cần Thơ, kể: “Tôi mới đi khảo sát người dân đánh bắt trên sông và kết quả thật đáng buồn. Những mẻ lưới buông xuống, kéo lên cá chẳng có bao nhiêu chỉ toàn thấy rác, bọc ni lông là nhiều”.
Đưa chúng tôi từ bến Ninh Kiều đi chợ nổi Cái Răng rồi về lại trung tâm thành phố qua những con rạch nhỏ, chiếc xuồng của bà Phạm Minh Nguyệt đã chết máy hơn chục lần vì rác quấn vào chân vịt. Cách đây vài năm, tuyến rạch Mương Khai này đi qua P.Long Tuyền (Q.Bình Thủy) vòng ra rạch Cái Khế như một tuyến du lịch sông bao quanh TP.Cần Thơ với những rặng bần, dừa nước hai bên rất đẹp. “Khi đó, khách du lịch dập dìu mỗi ngày, nhưng giờ thì hết dám đưa họ đi rạch này. Một phần là vì rác thải nhựa nhiều quá quấn chân vịt liên tục. Mỗi lần chết máy phải dừng lại gỡ rác. Rồi nước thải từ khu dân cư gây mùi hôi thối”, bà Nguyệt nói.
Thuyết trình về DA, bà Sabine Voermans, đến từ Đại học Khoa học ứng dụng Hogeschool Zeeland, cho biết ĐBSCL giống một hồ trữ nước từ sông Mê Kông. Tuy nhiên, những năm qua, cùng với đô thị hóa, rác thải phát sinh nhiều là nguy cơ lớn của khu vực này, nhất là rác dưới sông. Theo bà Sabine Voermans, hệ thống thu gom rác ở Cần Thơ sẽ dựa vào dòng chảy của sông. Rác sẽ tự động chui vào hệ thống thu gom. Hệ thống này cũng được làm chủ yếu từ nhựa tái chế có thể nổi trên mặt nước và âm xuống dưới khoảng 1 m để có thể thu được cả những rác lơ lửng. Tại Cần Thơ, hệ thống sẽ được lắp đặt thí điểm trên đoạn sông Cái Khế sau lưng chợ Cái Khế (Q.Ninh Kiều).
Công viên nổi làm từ... rác thải nhựa 1
Công viên xanh nổi có thể nhân rộng
Theo bà Sabine Voermans, hệ thống thu gom rác thải nhựa trên sẽ gom cả các loại cây thủy sinh như lục bình, rong, rêu. Sau đó phân loại và trả những cây thủy sinh về sông. Rác thải thu được sẽ được Công ty Upcyling Plastic VN xử lý và sản xuất các bồn nổi hình lục giác dùng để chứa đất trồng cây, hoa. Các bồn sẽ được thiết kế nhiều kích cỡ để trồng những loại cây lớn nhỏ khác nhau. Sau đó liên kết lại và hình thành những công viên xanh nổi trên mặt nước. Đặc biệt bên dưới các bồn nổi cũng có hệ thống thiết kế để trồng thủy sinh như rong, rêu nhằm làm sạch nguồn nước. “Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là hướng đến nâng cao nhận thức của người dân ĐBSCL trong bảo vệ những dòng sông vốn được xem là mạch máu của vùng đất này”, bà Sabine Voermans nói.
Đánh giá về khả năng nhân rộng của DA này, PGS-TS Nguyễn Hiếu Trung, Trưởng khoa Môi trường và tài nguyên thiên nhiên, Trường ĐH Cần Thơ, cho rằng: “DA thu gom rác trên sông dựa vào dòng chảy rất phù hợp với ĐBSCL bởi thực tế trên thế giới, ở nhiều nước phát triển và họ đã áp dụng mô hình tương tự rất hiệu quả ở các dòng sông nhỏ”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.