CPI tháng 7 lại cao

24/07/2011 23:47 GMT+7

Nếu tháng 5, tháng 6, xu hướng tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) đã chậm lại so với thời kỳ từ tháng 1 đến tháng 4, thì tháng 7 này lại cao lên (tháng 1 tăng 1,74%, tháng 2 tăng 2,09%, tháng 3 tăng 2,17%, tháng 4 tăng 3,32%, tháng 5 tăng 2,21%, tháng 6 tăng 1,09%, tháng 7 tăng 1,17%).

Tốc độ tăng của tháng 7 năm nay cao gấp nhiều lần tốc độ tăng 0,06% của cùng kỳ năm trước và cao nhất so với tốc độ tăng của cùng kỳ trong 19 năm trước (tính từ năm 1992). Yếu tố tác động chủ yếu đến CPI là tốc độ tăng cao của giá thực phẩm (tăng 3,2%), kéo theo giá ăn uống ngoài gia đình tăng (1,78%) và giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao (2,12%).

Sau 7 tháng (tháng 7.2011 so với tháng 12.2010), CPI đã tăng 14,61%. Sau 1 năm (tháng 7.2011 so với tháng 7.2010), CPI đã tăng tới 22,16%. Dù vậy, đây chưa phải là “đỉnh” của năm nay, mà có thể rơi vào tháng 8, bởi theo dự đoán CPI tháng 8 năm nay sẽ cao hơn so với CPI tháng 8 năm trước (0,23%).

Việc kiềm chế lạm phát vẫn rất căng thẳng do CPI bình quân 5 tháng cuối năm thời kỳ 2004 - 2010 là 3,21% (năm thấp nhất là 2008 - khi CPI giảm về cuối năm - tăng 0,09%, năm cao nhất là 2010 - khi CPI tăng cao vào cuối năm - tăng 6,59%). Nếu 5 tháng cuối năm nay tăng bằng với mức bình quân 7 năm trước, thì cả năm nay sẽ tăng khoảng 18,3%, cao hơn cả mục tiêu điều chỉnh (15 - 17%). Bên cạnh đó, từ nay đến cuối năm còn một số yếu tố tác động đến CPI, bao gồm cả trong nước và quốc tế, bao gồm cả chi phí đẩy, cả tổng cầu, cả về tâm lý.

Về chi phí đẩy, có 3 yếu tố đáng lưu ý. Lãi suất vay tiếp tục cao. Giá nhập khẩu tăng cao, lại thêm yếu tố tăng tỷ giá làm cho giá nhập khẩu tăng kép. Việc thực hiện lộ trình giá thị trường tiếp tục tác động đến đầu vào của nhiều ngành sản xuất và đời sống…

Về tổng cầu cũng có một số yếu tố. Chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng cả năm là 20%, 7 tháng mới đạt trên 1/3, nên 5 tháng còn lại “dư địa” còn gần gấp đôi. Tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán cả năm 14 - 15%, 7 tháng mới đạt 1/5, nên 5 tháng còn lại “dư địa” còn 4/5. Nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán năm nay đến sớm. Tâm lý kỳ vọng lạm phát đã giảm xuống nay trở lại khi CPI tháng 7 tăng cao…

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.