Kết quả này đạt được dựa trên sự trúng mùa lớn nhất từ trước đến nay ở cả 2 vụ lúa có sản lượng cao nhất tại đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó là những kết quả bước đầu của chính sách kiềm chế lạm phát. Tốc độ tăng dư nợ tín dụng, tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán trong 7 tháng đầu năm ở mức thấp, tỷ giá cơ bản ổn định, dự trữ ngoại tệ tăng khá. Tỷ lệ bội chi ngân sách trong 8 tháng so với dự toán cả năm còn thấp. Đòi hỏi tăng giá điện, xăng dầu bị hãm lại, riêng giá xăng dầu giảm nhẹ. Tỷ lệ vốn đầu tư/GDP giảm còn khoảng 38% so với trên 40% của cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng thấp hơn cùng kỳ năm trước và giảm nhanh qua các tháng của năm 2011. Sức ép tâm lý lạm phát không còn cao như trước. Cùng với sự chậm lại của tốc độ tăng giá chung là sự tăng chậm lại của giá nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ quan trọng, như giá thực phẩm, đặc biệt ở phía Nam, giá lương thực ở phía Bắc…
Cũng theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 9.2011 so với tháng 12.2010 đã tăng 16,63% (còn so với tháng 9.2010 tăng 22,42% và bình quân 9 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước tăng 18,16%). Tính trung bình 20 năm qua thì 3 tháng cuối năm CPI tăng 1,7%. Nếu 3 tháng cuối năm nay tăng bằng với mức trung bình trên thì cả năm sẽ tăng khoảng 18,5%, vượt xa so với mục tiêu đề ra đầu năm, vượt cả mục tiêu điều chỉnh gần nhất và cao thứ hai trong 20 năm qua.
Ngọc Minh
Bình luận (0)