Cụ bà 76 tuổi đam mê nghề may áo dài truyền thống

26/10/2017 07:33 GMT+7

Ở căn nhà số 23 Lương Văn Can (Hà Nội) có một cụ bà 76 tuổi nhưng hơn 60 năm qua, vẫn cặm cụi bên chiếc máy khâu để giữ nghề may áo dài truyền thống .

Đó là bà Lê Thị Quyến, hậu duệ đời thứ 4 của một gia đình có nghề may áo dài truyền thống ở Hà Nội. Cho đến nay, khi bước sang tuổi 76, người thợ may già vẫn hằng ngày miệt mài gìn giữ nét đẹp của tà áo dài VN. Sinh thời, cha mẹ bà là những thợ phó có tiếng của làng may Trạch Xá, Ứng Hòa, Hà Tây (cũ). Những năm Pháp thuộc, cuộc đời đưa đẩy ông cụ thân sinh bà cùng gia đình ra Hà Nội kiếm sống. Đầu những năm 50, bà bắt đầu được cha cho phụ việc. Thời ấy, chưa có sẵn những tiệm quần áo như bây giờ. 12 tuổi, khoác trên vai một chiếc bồ đà, bà theo cha đi khắp những phố phường để may đo cho gia chủ. Thế rồi bằng sự tinh tế, khéo léo của mình, chẳng mấy chốc, dọc phố Hàng Ngang, Hàng Đào,… không tiểu thư tân thời nào là không biết đến tay nghề của bà.
Sau này, khi hòa bình được lập lại, nghề may áo dài được bà Quyến mang theo về Hợp tác xã may đo Dân Chủ. Rồi cũng nhờ nghề may áo dài, bà đã nên duyên với người bạn đời là ông Lê Thành Vinh - một thợ may áo dài có tiếng cùng làng Trạch Xá. Đến những năm 90, khi đất nước xóa bỏ bao cấp thì hiệu áo dài Vinh Trạch của bà là một trong những hiệu đầu tiên được mở trên phố Lương Văn Can, Q.Hoàn Kiếm.
Nằm nép mình trên phố Lương Văn Can, ngôi nhà chưa đầy 20 mét vuông của bà Quyến cũng trầm mặc và hiền hòa như chính chủ nhân của nó. Không gian đó là bao nhiêu bộ áo dài, ghi dấu kỉ niệm từ những ngày đầu học may cho đến khi đã ở tuổi thất thập cổ lai hi. Từ những mẫu áo dài truyền thống cổ cao, tà dài ngang gối cho đến những mẫu áo cách tân sặc sỡ, lạ mắt, bà đều làm thành thạo.
Dù không quảng bá sản phẩm ở bất kỳ phương tiện nào nhưng bà Quyến vẫn nhận được nhiều đơn đặt may của khách hàng khắp Hà Nội, các tỉnh khác và cả những đơn đặt may từ nước ngoài, nhất là các dịp lễ, tết, mùa cưới. Giải thích sự đắt khách này, bà Quyến cười: “Cả đời tâm huyết với tà áo dài truyền thống nhưng tôi vẫn phải học thêm cả những kỹ thuật cắt may hiện đại, những mẫu áo cách tân, thời trang khác. Mình cứ đáp ứng được thị hiếu của khách hàng thì ắt họ tự tìm đến thôi.”
Bây giờ tuy đã có tuổi, nhưng ngày nào bà Quyến cũng một mình đứng cắt may cho khách. Thậm chí, chỉ cần nhìn dáng người, bà cũng biết nên may áo theo kiểu gì, ước chừng được số đo bao nhiêu, dài rộng ra sao. Bà may rất nhanh, một ngày có thể may xong 5-6 chiếc áo dài. Giá may đo từ 300 nghìn đồng tùy chất liệu và độ tinh xảo của áo. Bà Quyến còn nhiều bí quyết giữ nghề gia truyền của mình. Bà tâm sự: “Đối với tôi may áo dài không chỉ đơn giản là cái nghề mưu sinh, mà còn là đam mê, là cái nghiệp trời ban từ thế hệ này qua thế hệ khác của gia đình”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.