Cú 'lật kèo' thất bại của Trung Quốc ở đảo quốc 'tí hon'

19/01/2021 13:30 GMT+7

Không chỉ đe dọa bất thành, Trung Quốc giờ đây gần như đã thất bại trong kế hoạch gây ảnh hưởng lên Palau - có vị trí quan trọng ở tuyến hàng hải nam Thái Bình Dương, nhằm cản trở Mỹ ở khu vực.

Vài ngày trước khi nhậm chức, ông Surangel Whipps Jr., Tổng thống đắc cử của Palau, đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc muốn “bắt nạt” các nước nhỏ.

Trung Quốc đã khuyến khích các hành vi sai trái ?

Tháng 12.2020, lực lượng tuần duyên Mỹ cùng giới chức trách Palau đã bắt giữ một tàu cá Trung Quốc bị tình nghi khai thác hải sâm trái phép ở vùng biển Palau.
Liên quan diễn biến này, tờ The Guardian dẫn lời ông Whipps nhấn mạnh: “Đây là việc đảm bảo biên giới của chúng tôi và việc các nước không tôn trọng chủ quyền của các nước khác là không thể chấp nhận được. Trộm cắp và hối lộ phải dừng lại, đánh bắt bất hợp pháp phải dừng lại. Chính quyền các nước phải có trách nhiệm yêu cầu người dân không được đến nước khác để làm những điều như vậy”.

Palau có vị trí quan trọng ở Thái Bình Dương.

TL

Vị Tổng thống tân cử Palau cũng cho biết Phó Tổng thống kiêm Bộ trưởng Tư pháp nước này đã nhiều lần liên hệ Trung Quốc về vụ việc trên. “Nhưng họ dường như không quan tâm và điều đó là không thể chấp nhận. Họ nên chịu trách nhiệm về hành vi của công dân nước họ, dường như họ đang khuyến khích các hành vi sai trái”, ông Whipps chỉ trích.
Hiện nay, Palau là một trong số 15 quốc gia công nhận Đài Loan. Tờ The Guardian dẫn lời Tổng thống tân cử Whipps khẳng định Palau sẽ tiếp tục công nhận chính thức và quan hệ với Đài Loan. “Có quốc gia khác không thích mối quan hệ này (quan hệ Palau – Đài Loan, NV), và đã ra sức vận động trong cộng đồng quốc tế, như LHQ hay một số tổ chức ở nam Thái Bình Dương, để cố gắng phá vỡ hình ảnh của Palau. Tôi nghĩ đó là bản chất của các nước lớn hơn muốn “bắt nạt” nước nhỏ”.

Sự thất bại của Bắc Kinh

Là một đảo quốc gồm nhiều đảo nhỏ với tổng diện tích chỉ hơn 500 km2 nằm ở khu vực nam Thái Bình Dương và dân số khoảng 20.000 dân, Palau không có quân đội riêng mà được Mỹ bảo trợ về quân sự.
Trả lời Thanh Niên, TS.Sarotu Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) nhận xét: “Đối với Washington thì các cơ sở ở Hawaii, đảo Guam và Palau có vai trò rất quan trọng khi đóng vai trò như tuyến hậu cần an toàn từ lục địa Mỹ đến Philippines”. Cũng chính vì vị trí quan trọng đó, Trung Quốc đã cố gắng tăng cường ảnh hưởng lên Palau, nhằm cản trở vị thế cũng như sức mạnh ở Mỹ ở nam Thái Bình Dương.

Lực lượng tuần duyên Mỹ hoạt động ở Palau.

PACOM

Và “vũ khí” đầu tiên mà Bắc Kinh sử dụng để gây áp lực lên Palau là thị trường du lịch. Lượng khách du lịch từ Trung Quốc đến Palau vào năm 2008 chưa đến 650 người, nhưng con số này nhanh chóng tăng lên hơn 87.000 người vào năm 2015. Năm 2016, khách Trung Quốc chiếm 47% lượng du khách nước ngoài đến Palau. Trong khi đó, nguồn thu từ du lịch chiếm 85% GDP của Palau. Bên cạnh là nguồn cung du khách, Trung Quốc còn viện trợ tài chính, cung cấp những khoản vay ưu đãi và đầu tư nhiều dự án khách sạn, khu nghỉ dưỡng ở Palau.
Cuối năm 2017, Trung Quốc bắt đầu dùng ảnh hưởng từ ngành du lịch để gây khó dễ đối với Palau, khi Trung Quốc ban hành lệnh cấm các tour du lịch theo đoàn đến Palau và gọi nước này là điểm đến trái phép vì “thiếu địa vị ngoại giao”. Diễn biến này khiến cho du khách Trung Quốc chỉ còn chiếm 13% trong tổng số du khách đến Palau năm 2018. Nhiều dự án khách sạn, khu nghỉ dưỡng do nhà đầu tư Trung Quốc xây dựng cũng đình trệ.
Tuy nhiên, trước áp lực của Bắc Kinh, Palau không thay đổi quan điểm và đã tìm đến sự hỗ trợ của Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan… Cuối tháng 8.2020, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là ông Mark Esper đã có chuyến công du Palau dù đại dịch Covid-19 đang lan rộng. Chuyến thăm nhằm củng cố quan hệ 2 nước.
Theo AFP, sau chuyến thăm trên, Tổng thống Palau Tommy Remengesau đã gửi bức thư tới Bộ trưởng Esper với nội dung hoan nghênh quân đội Mỹ đến xây dựng các căn cứ ở đảo quốc này. Diễn biến này khiến cho tham vọng của Trung Quốc trong việc dùng sức mạnh kinh tế để gây ảnh hưởng lên Palau đã thất bại.
Trong khi đó, tàu cá Trung Quốc từng nhiều lần bị cho là đánh bắt trái phép ở vùng biển Palau. Đặc biệt, ngày 4.4.2012, tờ Pacific Daily News đưa tin cảnh sát biển đảo quốc Palau ở Nam Thái Bình Dương đã bắn chết 1 thuyền viên và bắt giữ 25 người trên tàu cá Trung Quốc bị cho là hoạt động trái phép trong vùng biển nước này. Vụ việc từng khiến quan hệ 2 bên trở nên căng thẳng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.