Cú sốc cần thiết

17/04/2016 09:33 GMT+7

Thay vì cố làm ra thật nhiều lúa lo an ninh lương thực cho cả thế giới, xin hãy mang tiền giúp nông chuyển đổi, thích ứng với diễn tiến tiêu cực từ thiên nhiên bằng những công trình nhỏ linh hoạt, tận dụng cả lũ và mặn...

Lúc đầu nghe họ bảo “hạn, mặn là cú “sốc” cần thiết”, tôi nghĩ, mấy bác nhà khoa học lạc quan cách mạng thế là cùng. Nói thế khác nào vì chút tự ái với chính quyền mà xem nhẹ hậu quả người dân đang gánh chịu. Nhưng chú tâm nghe những phân tích của họ, những tường tận nhất về biến đổi khí hậu ở ĐBSCL mới thấy đúng là “cứ hạn, mặn một trận te tua cho biết” và không chừng sẽ giúp chúng ta thích ứng tốt hơn với những thiên tai dự báo sẽ khủng khiếp hơn trong những năm tới.
Ruộng lúa chết vì mặn ở Hậu Giang
Trước hết, hãy gác chuyện thủy điện ở Trung Quốc và Lào qua một bên, cứ nói chuyện ở mình trước đã. Đầu tiên là chuyện đắp đê bao khép kín ở Tứ Giác Long Xuyên và vùng Đồng Tháp Mười. Đây là 2 vùng trũng được Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện (một chuyên gia độc lập rất rành về Mê Kông) ví như “túi nước điều hòa” cho ĐBSCL.
Lần “can thiệp” này bắt đầu từ cách đây 20 năm, đã giúp ĐBSCL tăng rất nhiều diện tích canh tác lúa 3 vụ/năm, sản lượng lúa nhờ đó cũng tăng chóng mặt. Nhưng, cũng giống như hậu quả một ca “can thiệp quá tay” vào tự nhiên, những biến chứng bắt đầu xuất hiện mỗi năm một nhiều. Nhiều năm liền, lũ từ Biển Hồ (Campuchia) chảy về đến ĐBSCL bị đê bao ngăn lại, không thể tràn vào Tứ Giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười đành cuồn cuộn thoát nhanh ra biển.
Tệ hại là mỗi ngày biến đổi khí hậu càng ghê gớm hơn, như năm nay El Nino kéo dài, khắp lưu vực từ thượng nguồn ở Trung Quốc, Lào, Campuchia đến “miền Tây nước lớn” đều hạn. “Túi nước điều hòa” cho ĐBSCL là Biển Hồ thì nhiều chỗ trơ đáy, Tứ Giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười từ lâu không còn tích nước. Lưu lượng dòng chảy trên sông Mê Kông và các nhánh là sông Tiền, sông Hậu chưa bao giờ yếu ớt như thế. Nhân cơ hội này, nước mặn từ biển cứ thế lấn sâu vào đất liền.
Một cống ngăn mặn vùng ngọt hóa bán đảo Cà Mau khiến tàu bè không thể lưu thông
Câu chuyện thứ hai là ngọt hóa vùng đất ven biển bằng những tuyến đê bao ngăn mặn, trữ nước ngọt. “Can thiệp” lần này biến những vùng ven biển thành cánh đồng lúa 2 vụ như bán đảo Cà Mau. Sản lượng lúa nhờ đó cũng tăng vọt. Song, không ít vấn đề nảy sinh sau đê bao ngăn mặn như cuộc chiến lấy nước mặn – nước ngọt giữa người nuôi tôm và người trồng lúa ở Bạc Liêu, Cà Mau. Giờ đây, rất nhiều cánh đồng lúa chết vì thiếu nước ngọt nhưng cũng không ít ao tôm thiệt hại vì thiếu nước mặn bởi địa phương ngăn mặn để cứu lúa. GS.TS Võ Tòng Xuân đã thốt lên rằng: “Đây là lỗi của Bộ Nông nghiệp và chính quyền các tỉnh có bờ biển tiếp giáp, chỉ biết trồng lúa-lúa-lúa bất chấp thiên nhiên không cho phép. Họ tốn hàng chục ngàn tỉ đồng để làm ngọt hóa bán đảo Cà Mau, nhưng kết quả là nước ngọt vẫn không đủ cho ngọt hóa. Chỉ mấy ông làm thủy lợi mới hưởng lợi vì có xi-măng, sắt thép, bê tông để xơi”.
Câu chuyện thứ 3 là an ninh lương thực. Bao lâu nay, ở ĐBSCL, từ đê bao, hệ thống cống, đập ngàn tỉ, máy móc, công nghệ, phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng... mọi thứ đều tập trung cho lúa, cho tăng sản lượng lúa. Nhờ đó, chúng ta đã trở thành cường quốc về lúa với sản lượng dư thừa để xuất khẩu từ 7-8 triệu tấn/năm. Nhưng nếu ai đó nói lúa mang lại vị thế cho đất nước thì quái lạ sao nông dân lại nghèo khổ thế. Ai mới giàu từ lúa? Dựa vào cái danh nghĩa lo an ninh lương thực rồi bằng mọi giá bắt nông dân trồng lúa để xuất khẩu giá rẻ, “ép” những vùng đất mặn để trồng lúa liệu có hợp lý?
Những cánh đồng ngập lũ giờ trở nên hiếm
Cũng có người nói, do mình từng bị đói thành ra bị ám ảnh và phải làm ra thật nhiều lúa. Tôi thì cho rằng, cốt lõi là do quản lý, quy hoạch sản xuất quá kém. Bởi nông dân suy cho cùng giống những anh lính, bảo đâu đánh đó. Họ có quyền sử dụng đất, nhưng sở hữu đất lại thuộc nhà nước. Nhà nước quy hoạch phát triển thế nào thì nông dân nương theo mà làm. Trong lúc hạn, mặn thế này, bạn cứ hình dung ĐBSCL đang bị một trận bệnh kéo dài nhưng chưa đến mức ung thư. Nếu không bình tĩnh, nhận diện và tháo gỡ từng vấn đề rất có thể lại tiếp tục có những ca “can thiệp” lớn khác vào tự nhiên.
Các nhà khoa học cho rằng, không nên chi thêm hàng chục ngàn tỉ đồng từ nguồn vay vốn ODA, World Bank hay chi ngân sách cho những công trình vĩ đại, xâm hại sâu vào tự nhiên. Thay vì cố làm ra thật nhiều lúa lo an ninh lương thực cho cả thế giới, xin hãy mang tiền giúp nông chuyển đổi, thích ứng với diễn tiến tiêu cực từ thiên nhiên bằng những công trình nhỏ linh hoạt, tận dụng cả lũ và mặn... Ai cũng biết, thay đổi của tự nhiên không thể chống lại được mà cái gì trái với quy luật tự nhiên đều phải trả giá đắt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.