Cử tạ Thái Lan kháng án doping bất thành, chia tay Olympic Tokyo

Tây Nguyên
Tây Nguyên
20/04/2021 20:41 GMT+7

Cử tạ Thái Lan đã thất bại trong nỗ lực lật ngược án phạt đình chỉ hoạt động tại Tòa án Trọng tài thể thao quốc tế (CAS) vì bê bối doping.

Trong phán quyết của mình, CAS đã bác bỏ lập luận của Thái Lan và quốc gia này vẫn bị đình chỉ thi đấu đến ngày 1.4.2023. CAS đã giữ nguyên quyết định của một ban hội thẩm độc lập rằng Thái Lan đã "đưa cử tạ vào mục tiêu phát triển" thông qua doping.
Hồi năm 2019, CAS đã duy trì một quyết định tương tự đối với Liên đoàn cử tạ Ai Cập sau khi 7 VĐV của họ có kết quả dương tính doping tại giải vô địch châu lục, 5 trong số họ là thanh thiếu niên. Thái Lan và Ai Cập đều bị đình chỉ và không thể cử bất kỳ VĐV nào tranh tài ở Olympic Tokyo năm nay.

CAS đã giữ nguyên án cấm đối với cử tạ Thái Lan

AFP

Các tuyên bố trong phán quyết của CAS đặt câu hỏi về vai trò ở Liên đoàn Cử tạ thế giới (IWF) của ông Intarat Yodbangtoey, Phó chủ tịch thứ nhất của tổ chức này và cũng đã từng đứng đầu ngành cử tạ Thái Lan trong nhiều năm. CAS đã nêu rõ quan điểm về sự cần thiết của các biện pháp trừng phạt đối với Thái Lan là "một thông điệp rõ ràng trong IWF về vai trò của các liên đoàn thành viên, hoặc cần ngăn chặn nhưng vụ bê bối tương tự xảy ra”. CAS nhấn mạnh thêm rằng, Thái Lan đã "cẩu thả" trong cách kiểm tra HLV và giáo dục VĐV.
10 đô cử Thái Lan có kết quả xét nghiệm dương tính với steroid vào năm 2018, 9 trong số đó tại Giải vô địch thế giới của IWF ở Ashgabat (Turkmenistan) và 1 VĐV tại Olympic trẻ Buenos Aires 2018. Ba huy chương vàng sau đó bị tước tại Ashgabat.
Vụ bê bối đã gây ra thiệt hại đáng kể cho danh tiếng của môn cử tạ, rồi trở nên tồi tệ hơn vì những tiết lộ về tham nhũng và quản trị kém, khiến vị thế Olympic của môn thể thao này bị đe dọa. Hiệp hội cử tạ nghiệp dư Thái Lan (TAWA) cho biết đã mất 2 triệu USD thu nhập từ tài trợ và hỗ trợ của nhà nước vì vụ bê bối doping năm 2018.
TAWA đã tiến hành điều tra riêng và kết luận rằng steroid đến từ một loại gel được sử dụng bởi Lưu Ninh, HLV người Trung Quốc được bổ nhiệm vào năm 2017. Phòng thí nghiệm ở Bangkok đã tìm thấy dấu vết nhỏ của steroid trong gel - quá thấp để vi phạm doping - nhưng phân tích của một phòng thí nghiệm khác lại cho thấy mức độ thực cao hơn 1.000 lần. HLV họ Lưu cho biết ông không biết loại gel này, được sử dụng để xoa bóp cơ bắp, có chứa chất cấm và các VĐV đều nói rằng đã vô tình được sử dụng. Nhưng một trong những đô cử Thái Lan có kết quả dương tính, Witoon Mingmoon, thừa nhận với hội đồng IWF 5 tháng trước Giải vô địch thế giới 2018 rằng anh “biết kết quả dương tính đến từ một loại gel testosterone”.

VĐV Witoon Mingmoon thừa nhận biết ban huấn luyện cho mình sử dụng doping

AFP

Tháng 3.2019, TAWA đã rút khỏi tất cả các giải đấu, trong đó có Olympic và tiến hành giáo dục các VĐV của mình. Thái Lan giữ quyền đăng cai Giải vô địch thế giới 2019 tại Patttaya dù không có đô cử nào của nước nhà tham gia. Việc thiếu các VĐV Thái Lan tại sự kiện đó khiến TAWA mất rất nhiều tiền.
Vài tháng sau, Thái Lan xuất hiện nổi bật trong một bộ phim tài liệu của kênh truyền hình Đức về doping trong môn cử tạ, trong đó một VĐV giành huy chương Olympic từ Thái Lan nói rằng cô đã được sử dụng doping từ năm 13 tuổi. Tiết lộ này khiến toàn bộ Hội đồng TAWA từ chức.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.