Cử tri đề nghị công bố bản kê khai tài sản của người ứng cử

23/06/2011 15:37 GMT+7

(TNO) “Yêu cầu của rất nhiều cử tri là cần có quy định công bố bản kê khai tài sản của người ứng cử ít nhất cũng là tại hội nghị cử tri nơi công tác và hội nghị cử tri nơi cư trú để cử tri và nhân dân được biết và giám sát”.

Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN Nguyễn Văn Pha cho biết như vậy khi thay mặt Đoàn chủ tịch Mặt trận trình bày Báo cáo tổng kết công tác Mặt trận tham gia cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIII và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016 tại Hội nghị lần thứ 6 Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN khóa VII diễn ra sáng nay, 23.6.

Đánh giá chung về vai trò của Mặt trận đối với cuộc bầu cử vừa qua, ông Pha khẳng định “quy trình hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử được các cấp Mặt trận tuân thủ triệt để, đảm bảo sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và sự phối hợp chặt chẽ giữa Ủy ban Trung ương MTTQ VN với các cơ quan, tổ chức hữu quan, phát huy dân chủ để lựa chọn những người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện ứng cử theo quy định của pháp luật”.

Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều hạn chế, tồn tại trong quá trình hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử tại cuộc bầu cử vừa qua mà theo báo cáo, tại một số địa phương, tỷ lệ giữa người dự kiến giới thiệu ứng cử so với ĐB được bầu vẫn còn thấp. Đặc biệt, có 4 tỉnh là Bình Định, Lai Châu, Tây Ninh và Yên Bái từ Hội nghị hiệp thương lần thứ 2 đến Hội nghị hiệp thương lần thứ 3, số lượng người được giới thiệu ra ứng cử không thay đổi.

“Mặc dù không vi phạm pháp luật về bầu cử, nhưng tình trạng trên làm cho quá trình hiệp thương mang tính hình thức”, ông Pha nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, một số địa phương vẫn chưa thực sự chú trọng đến chất lượng người ứng cử nên trong mỗi đơn vị bầu cử vẫn lộ rõ tình trạng chất lượng người ứng cử có sự chênh lệch rõ rệt.

Từ những kinh nghiệm rút ra trong cuộc bầu cử vừa qua, Mặt trận kiến nghị cần tổng kết, đánh giá, nghiên cứu, xem xét để hoàn thiện các văn bản pháp luật về bầu cử, trong đó có việc khắc phục tình trạng luật bầu cử hiện hành còn quy định chung chung về tiêu chuẩn ĐBQH, ĐB HĐND, nhất là các quy định về trình độ và năng lực, về phẩm chất đạo đức người ứng cử, về điều kiện ứng cử, trong đó có vấn đề người VN sinh sống ở nước ngoài… gây khó khăn trong quá trình hiệp thương, thậm chí có nơi phát sinh những khiếu nại, tố cáo về tư cách người ứng cử mà không thể giải quyết được.

Mặt trận cũng kiến nghị cần khắc phục quy định chưa rõ ràng của luật đối với trường hợp tự ứng cử về tiêu chuẩn, điều kiện ứng cử, trình tự, thủ tục nộp hồ sơ, dẫn tới vận dụng trong thực tế khác nhau, dễ phát sinh khiếu nại, tố cáo.

Đặc biệt, theo báo cáo của ông Pha, yêu cầu của rất nhiều cử tri là cần có quy định công bố bản kê khai tài sản của người ứng cử ít nhất cũng là tại hội nghị cử tri nơi công tác và hội nghị cử tri nơi cư trú để cử tri và nhân dân được biết và giám sát. Có như vậy thì việc kê khai tài sản mới có tác dụng thiết thực và không hình thức.

Được biết, nhiệm kỳ QH XIII, ĐBQH thuộc khối Ủy ban Trung ương MTTQ VN và các tổ chức thành viên ở cả Trung ương và địa phương có 76 người trúng cử, chiếm tỷ lệ 15,2% so với tổng số người trúng cử, trong đó ở Trung ương có 23 người trúng cử và địa phương có 53 người trúng cử (khóa XII có 86 người trúng cử, chiếm tỷ lệ 17,44%).

Trong số 15 ứng viên Trung ương bị trượt tại cuộc bầu cử ĐBQH vừa qua, có 7 ứng viên thuộc khối Mặt trận do Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN giới thiệu.

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.