Cử tri TP.HCM kỳ vọng vào các quyết sách quan tâm đối tượng yếu thế

23/05/2021 14:26 GMT+7

Cử tri là người khuyết tật tại khu vực bỏ phiếu số 19, P.An Phú (TP.Thủ Đức, TP.HCM) kỳ vọng kỳ bầu cử lần này sẽ chọn ra được những đại biểu quan tâm nhiều hơn đến tiếng nói và quyền lợi của người yếu thế .

Sáng 23.5, tại khu vực bỏ phiếu số 19 ở P.An Phú (TP.Thủ Đức), sau khi làm lễ khai mạc, có đông đảo người dân đến xếp hàng, bỏ phiếu bầu cử. Đại diện tổ bầu cử cho biết có 3.198 cử tri. Phó thủ tướng Lê Minh Khái là người đầu tiên bỏ phiếu. Ông Khái đã gặp gỡ, động viên tổ bầu cử thực hiện tốt nhiệm vụ.

Cử tri trẻ TP.HCM hồi hộp lần đầu trong đời đi bầu cử

Tại khu vực này, khoảng 10 giờ 25 cùng ngày, anh Đoàn Ngọc Hoài Phong (44 tuổi), một cử tri là người khuyết tật vận động, cầm phiếu cử tri đến bầu cử. Anh Phong cho biết thực hiện quyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 lần này, anh kỳ vọng vào những quyết sách quan tâm hơn đến tầng lớp lao động và việc thực thi, phổ biến nó với người dân.
"Hiện nay chính sách, pháp luật đối với người lao động đã có nhưng người lao động nói chung và người lao động là người khuyết tật nói riêng chưa tiệm cận được hết với những quyền, lợi ích của mình. Tôi kỳ vọng nhiệm kỳ tới, các đại biểu trúng cử sẽ truyền tải được kỳ vọng của người lao động và đảm bảo cho họ những chính sách tốt hơn", anh Phong chia sẻ.

Cử tri trẻ lần đầu đi bầu cử

Cũng tại khu vực bỏ phiếu số 19 (P.An Phú, TP.Thủ Đức), chị Huỳnh Ngọc Uyển My (19 tuổi) lần đầu tiên thực hiện quyền bầu cử. My cho biết mình tìm hiểu trước về công tác bầu cử, danh sách người ứng cử đại biểu quốc hội và HĐND các cấp cũng như chương trình hành động của họ.
“Đây là lần đầu tiên mình đi bầu cử, tâm trạng có chút lo lắng và hồi hộp. Mình nhận thức được nếu đi bầu thì phải có trách nhiệm với lá phiếu, bầu ra người có khả năng lãnh đạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới, đại diện cho tiếng nói và quyền lợi của người dân”, My chia sẻ.
Nguyễn Anh Thư (20 tuổi) đến khu vực bỏ phiếu số 19. Thư chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên mình đi bầu cử. Trước khi đi bầu cử, tôi đã tìm hiểu kỹ về bầu cử, Quốc hội...". Thư mong muốn, đại biểu được chọn ở khóa này sẽ lắng nghe và tiếp thu nhiều ý kiến từ người dân

ẢNH: S.M

Tại khu vực bỏ phiếu số 11 (P.2, Q.Tân Bình), đại diện tổ bầu cử cho hay khu vực bầu cử này gồm 913 cử tri. Người lớn tuổi nhất năm nay 94 tuổi, còn người trẻ nhất là 18 tuổi. Đến khoảng 9 giờ, đã có khoảng 200 cử tri bỏ phiếu.

Cử tri đến bầu cử phải đảm bảo giãn cách an toàn

ẢNH: P.T.N

Tại khu vực này, nhiều cử tri trẻ lần đầu tiên thực hiện quyền bầu cử. Chị Nguyễn Phương Thảo (20 tuổi) cầm lá phiếu được đóng dấu xác nhận đã bầu cử, cho biết mình kỳ vọng vào lần bầu cử này sẽ chọn ra được những vị đại biểu lắng nghe tiếng nói của người dân nhiều hơn. Đặc biệt cần quan tâm nhiều hơn đến tầng lớp yếu thế như người nghèo, người khuyết tật trong xã hội; có nhiều quyết sách tạo cơ hội cho thanh niên cơ hội phát triển nghề nghiệp. 

Chị Trần Thị Kim Nga (21 tuổi) bỏ phiếu tại khu vực bỏ phiếu số 11 (P.2, Q.Tân Bình) mong muốn các ứng cử viên sau khi trúng cử sẽ thực hiện được những cam kết của mình trong các chương trình hành động; tham gia xây dựng, giám sát các chính sách về giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục trong trường học cho học sinh - sinh viên

ẢNH: P.T.N

Mang thùng phiếu đến nhà dân

Đại diện tổ bầu cử khu vực bỏ phiếu số 11, P.2, Q.Tân Bình đã đem thùng phiếu đến tận nhà của cử tri cao tuổi, ông Lê Tiến Tích. Ông Tích năm nay 83 tuổi, do sức yếu không di chuyển xa được nên không trực tiếp đến địa điểm bầu cử.
Ông Tích mong rằng các ứng cử viên sau khi trúng cử có thể có những quyết sách chống dịch Covid-19 hiệu quả và phát triển kinh tế, ổn định xã hội.

Ông Tích (83 tuổi) bỏ phiếu bầu cử tại nhà. Ông nói mình đã nghiên cứu thật kỹ và đã có quyết định chọn ứng cử viên xứng đáng

ẢNH: P.T.N

Tại khu vực bỏ phiếu P.7, Q.Tân Bình, bà Nguyễn Thị Phúc Hậu (63 tuổi, ngụ P.7, Q.Tân Bình) ngồi xe lăn đến địa điểm bầu cử.

Tại khu vực bỏ phiếu P.7, Q.Tân Bình, bà Nguyễn Thị Phúc Hậu (63 tuổi, ngụ P.7, Q.Tân Bình) cho biết bà ngồi xe lăn đã 13 năm nay do tai biến, nhưng nhiệm kỳ nào bà cũng đến trực tiếp bầu cử

ẢNH: B.N

Bà Hậu chia sẻ: "Tôi rất vui mừng và phấn khởi khi được đến đây hưởng ứng tinh thần ngày toàn dân bầu cử. Bối cảnh dịch bệnh không làm tôi lo sợ, tôi nghĩ điều cần làm bây giờ là chấp hành nghiêm chỉ thị của Nhà nước để góp phần vừa phòng, chống dịch, vừa thực hiện quyền công dân".

Vợ chồng tuổi 90 dắt nhau đi bỏ phiếu, nhớ về kỳ bầu cử quốc hội năm 1946

Còn tại tổ bầu cử khu vực bỏ phiếu số 36 (P. Võ Thị Sáu, Q.3), từ 7 giờ ngày 23.5 đã có đông cử tri đến dự. Ông Lê Thanh Tùng (87 tuổi, ngụ Trần Quốc Thảo, Q.3) đi khập khiễng, vì vừa trải qua một cuộc phẫu thuật, đến địa điểm bầu cử.

Ông Tùng cho hay mình vừa thực hiện phẫu thuật ở chân, đi lại còn khó khăn nhưng vẫn muốn đến tận nơi bầu cử

ẢNH: A.Đ

"Có cán bộ tổ bầu cử đề nghị sẽ mang thùng phiếu đến nhà tôi nhưng tôi từ chối. Một phần vì tôi còn đi được, phần vì tôi muốn đến tận nơi để xem công tác diễn ra như thế nào", ông Tùng nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.