(iHay) Cua sống tự nhiên ở biển có nhiều loại. Tuy nhiên, theo cách gọi của một số ngư dân vùng biển miền Trung thì ở vùng này cua biển có hai loại: cua sao (trên lưng có ba chấm tròn nằm khoảng cách đều nhau) và cua gạch (trên lưng cua có những gạch ngang).
|
Loại cua sao thân hình, càng và chân thường dẹp, con nhỏ và có nhiều vào những ngày đầu mùa mưa. Loại thứ hai con to, thân hình, càng chân gồ ghề và hiếm hơn cua sao. Loại này thịt chắc và ngon.
Không ai giăng lưới để bắt cua vì cua biển hiếm và khó tìm. Tuy nhiên khi đi đánh cá thì không loại trừ khả năng cua dính vào lưới. Những khi được cua, ngư dân mừng khấp khởi vì giá trị của cua biển nhiều khi cao gấp mấy lần số cá đánh được.
Dù loại cua nào thì món ngon và thông dụng nhất vẫn là cua hấp. Vì vị cua đã ngon nên người hấp cách nào cũng được. Người đơn giản thì chỉ cần cho mớ cua tươi vào nồi hấp cách thủy đợi chín rồi chấm muối tiêu. Người cầu kỳ hơn có thể hấp cua bằng bia cùng một số gia vị như gừng, sả củ. Khi hấp ép hơi nóng, toàn thân con cua sẽ chuyển sang màu đỏ gạch và chín nhanh, mềm.
Khác với cua đồng, cua biển thịt trắng, chắc ngọt và cho nhiều dinh dưỡng, nhất là những dịp trời tối trăng. Nếu may gặp được vài con cua đang thay vỏ thì coi như hôm đó cả người đi lưới và người thưởng thức đều gặp may.
Ngoài hấp, cua biển cũng có thể làm các món khác như rang muối, rang me hoặc nấu canh, nấu cháo, món nào cũng "quyến rũ". Riêng món canh hoặc cháo, cua biển cho nhiều dinh dưỡng, bồi bổ cơ thể trẻ em hoặc người lớn tuổi.
Tuy An
>> Sức hút khó cưỡng của 'biển trên núi
>> Ngon như cua biển mùa không trăng
Bình luận (0)