Cúm A/H1N1: Hành trình trở thành “đại dịch thế kỷ”

12/01/2010 23:51 GMT+7

Dư luận thế giới hiện đang tranh cãi quanh câu hỏi: liệu thông tin về mức độ nghiêm trọng của cúm A/H1N1 có bị thổi phồng hay không?

Cách đây gần một năm, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lên tiếng cảnh báo về sự bùng phát một loại bệnh cúm tại Mexico và có nguy cơ gây ra một đại dịch toàn cầu. Kể từ tháng 4.2009, WHO liên tục cập nhật số ca nhiễm bệnh và tử vong do cúm A/H1N1 gây ra với con số lên tới hàng chục ngàn người. Những thông tin này đã gây ra một sự xáo trộn lớn về nhiều mặt khi tất cả các nước đều thực thi những biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt.

Sau khi báo động về dịch cúm, WHO đã đi tới quyết định triển khai sản xuất vắc-xin chống cúm A/H1N1. Đến cuối năm ngoái, hy vọng đánh bại dịch cúm được nhóm lên khi WHO công bố sản xuất thành công vắc-xin ngừa vi-rút A/H1N1 và tiến hành một chiến dịch tiêm phòng rộng lớn trên toàn cầu. Tuy nhiên, đầu tuần này, Chủ tịch Ủy ban Y tế của Hội đồng châu u Wolfgang Wodarg đã tung ra một “quả bom” khi cáo buộc WHO đã thông đồng với các hãng dược để báo động giả về mức nguy hiểm của cúm A/H1N1 nhằm bán vắc-xin. Thật ra ngay từ đầu, đã có nhiều thông tin trái chiều về căn bệnh này và tranh cãi vắc-xin thì không phải đến bây giờ mới nổ ra. 

 Chúng tôi muốn làm sáng tỏ những thứ đằng sau chiến dịch đầu độc dư luận quy mô lớn. Ai đã quyết định? Trên cơ sở khoa học nào? Ngành dược phẩm đã tác động ra sao đến việc ra quyết định?
Chủ tịch Ủy ban Y tế của Hội đồng châu u Wolfgang Wodarg

Định nghĩa một đại dịch

Cúm A/H1N1 bắt đầu tấn công con người tại bang Veracruz, Mexico vào tháng 3 năm ngoái nhưng khi đó người ta lầm tưởng đây là cúm thông thường. H1N1 là loại vi-rút gây ra dịch cúm theo mùa ở người, nhưng phiên bản mới được phát hiện trong các mẫu thử của bệnh nhân tại Mexico cho thấy nó có chứa gien từ các phiên bản vi-rút gây cúm ở heo và chim.

Đầu tháng 6.2009, WHO chính thức công bố đại dịch cúm toàn cầu lần đầu tiên trong 40 năm qua. Đại dịch cúm toàn cầu lần trước là dịch cúm Hồng Kông năm 1968, giết chết khoảng một triệu người. Theo định nghĩa do WHO đưa ra hồi năm 2005, một căn bệnh cúm được xếp vào hàng đại dịch toàn cầu khi thỏa mãn các điều kiện sau: xuất hiện chủng vi-rút mới, gây bệnh nghiêm trọng cho người và tình trạng lây nhiễm giữa người sang người lan rộng giữa hai khu vực trên thế giới. Việc công bố đại dịch không có nghĩa là vi-rút cúm đã trở nên nguy hiểm hơn hay khiến nhiều người mắc bệnh và tử vong nhiều hơn.

Trong lúc WHO vẫn cập nhật đều đặn số ca nhiễm bệnh và tử vong thì một số chuyên gia đánh giá dịch cúm A/H1N1 không nguy hiểm như dự báo. Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn hôm 11.1 cho hay tỷ lệ tử vong được công bố tại Việt Nam là 0,45% trên tổng số ca bệnh. Tờ National Post của Canada dẫn lời Bộ trưởng Y tế Mexico Jose Angel Cordava nói số người chết vì cúm tại nước này ít hơn thực tế nhiều vì những phân tích kỹ lưỡng hơn sau đó cho thấy nhiều người chết vì các lý do khác chứ không phải vì cúm.

Vắc-xin và tai tiếng

Sau khi thông tin về dịch bệnh bùng nổ trên toàn thế giới, các hãng dược phẩm lớn như Novartis của Thụy Sĩ, GlaxoSmithKline tại Anh và Sanofi tại Pháp lập tức vào cuộc để bào chế vắc-xin cúm A/H1N1. WHO phát động một chiến dịch tiêm chủng trên toàn thế giới với nhiều biện pháp hỗ trợ như cung cấp 180 triệu liều vắc-xin miễn phí cho các nước nghèo tại châu Phi. Để làm gương cho dân chúng, hôm 20.12 năm ngoái, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cùng phu nhân Michelle tiêm ngừa cúm A/H1N1 trong khi 2 con gái của họ đã được tiêm từ tháng 10. Có một điều trớ trêu là đến tận ngày 30.12.2009, Tổng giám đốc Chan của WHO mới tiêm.

Tính cho đến giữa tháng 11.2009 đã có hơn 65 triệu liều được tiêm chủng tại hơn 16 quốc gia trên thế giới. Với sản lượng ước tính 3 tỉ liều vắc-xin cúm A/H1N1 được sản xuất mỗi năm, lợi nhuận thu cho các tập đoàn dược quả thật là một con số khổng lồ dù đến nay chưa có thông tin chính thức về giá trị các hợp đồng ký với chính phủ các nước. Tuy nhiên, đến nay nhiều nước dần nhận ra mình đã mua quá nhiều vắc-xin so với nhu cầu thật sự và quyết định hủy đơn đặt hàng hoặc tìm cách thanh lý số thuốc dư.

Tranh cãi thật sự bùng nổ sau khi nhiều tờ báo đồng loạt đăng tải bài phỏng vấn ông Wodarg, trong đó ông tố cáo gay gắt các hãng dược vận động hành lang với WHO để biến dịch cúm A/H1N1 thành cơ hội kiếm lợi và tạo ra “một trong cú lừa đảo y học lớn nhất thế kỷ”. Ông Wodarg khẳng định bệnh cúm không nguy hiểm như người ta tưởng. "Đó là dịch cúm bình thường, không có gì bình thường hơn nữa. Nó chỉ gây ra một phần mười số ca tử vong so với cúm mùa trước nay", ông nói với tờ Information của Đan Mạch. Thật ra có sự khác biệt giữa định nghĩa về đại dịch giữa WHO và ông Wodarg, khi ông này cho rằng một căn bệnh được xem là gây ra đại dịch toàn cầu khi nó gây hậu quả rất nghiêm trọng với số ca tử vong vượt mức bình quân trước nay.

Vấn đề lớn nhất hiện nay là liệu có hay không sự thông đồng giữa WHO và các hãng dược để báo động giả? Chủ tịch Wodarg khẳng định không những vận động hành lang và hối lộ các viên chức của WHO, các tập đoàn còn gài người vào tổ chức này để tác động tới quyết định về cúm A/H1N1. Theo tờ L’Humanité, Hội đồng châu u đã nhất trí thành lập một ủy ban điều tra về các cáo buộc của ông Wodarg. Hội đồng sẽ có một buổi họp khẩn cấp vào ngày 25.1 tới để bàn thảo kỹ lưỡng về hướng điều tra. “Chúng tôi muốn làm sáng tỏ những thứ đằng sau chiến dịch đầu độc dư luận quy mô lớn”, ông nói, “Ai đã quyết định? Trên cơ sở khoa học nào? Ngành dược phẩm đã tác động ra sao đến việc ra quyết định?”. 

WHO đã có sự phản hồi trước những cáo buộc của EU. Trong thông cáo phát đi ngày 11.1, tổ chức này khẳng định luôn  đánh giá tác động của đại dịch cúm hiện tại là vừa phải, nhắc nhở mọi người rằng đại đa số bệnh nhân bị bệnh cúm sẽ phục hồi hoàn toàn trong vòng một tuần, thậm chí không cần điều trị. WHO yêu cầu tất cả các chuyên gia tư vấn cho tổ chức phải tuyên bố tất cả các quyền lợi về mặt chuyên môn và tài chính, bao gồm nguồn tài chính thu được từ các công ty dược phẩm.

Phát ngôn viên Fadela Chaib hôm qua tuyên bố WHO sẽ tiến hành một cuộc thẩm tra độc lập về toàn bộ quá trình xử lý cúm A/H1N1 sau khi đại dịch này kết thúc. Vấn đề là có khi phải mất tới vài năm mới xác định rõ ràng một dịch bệnh có thật sự chấm dứt hay chưa. Trước mắt, WHO sẽ tổ chức một cuộc họp vào ngày 18.1 để điều trần với 34 nước thành viên về những cáo buộc nói trên.

Hành trình thông tin

- Ngày 25.4.2009, WHO ra mức báo động số 3 sau khi giới chức y tế Mexico thông báo xác nhận ca nhiễm cúm A/H1N1 đầu tiên (khi đó gọi là cúm heo). Một vài chuyên gia cúm đã lo ngại về loại vi-rút lai chưa từng gặp này có thể nhen nhóm lên một đại dịch. Mexico và Mỹ tuyên bố dịch bệnh lan rộng ra cộng đồng.

- Ngày 27.4, Canada trở thành quốc gia thứ 3 có trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 đầu tiên trên người. Trong khi đó, Chính phủ Mỹ tuyên bố tình trạng khẩn cấp, các quan chức y tế đã xuất ra 12,5 triệu liều Tamiflu trong kho.

- Ngày 28.4, WHO nâng mức cảnh báo từ 3 lên 4 - trong thang 6 bậc - lần đầu tiên kể từ khi hệ thống này được lập ra năm 2005.

- Ngày 30.4, WHO nâng mức báo động từ 4 lên 5 và mức này có nghĩa là một đại dịch toàn thế giới sắp xảy ra. Cùng ngày, WHO đồng ý sửa tên "cúm heo" thành cúm A/H1N1 để tránh "đổ oan" cho heo.

- Đầu tháng 6.2009, WHO chính thức công bố đại dịch cúm toàn cầu lần đầu tiên sau 40 năm. Ngày 29.6, ca bệnh kháng Tamilflu đầu tiên được xác nhận ở Đan Mạch.

- Ngày 21.9, Trung Quốc trở thành nước đầu tiên tổ chức tiêm ngừa cúm A/H1N1.

- Ngày 29.12, người đứng đầu WHO Margaret Chan tuyên bố dịch cúm đã qua thời kỳ nguy hiểm nhất tại Mỹ, Canada, Anh và một số nước ở Bắc bán cầu nhưng cảnh báo tình hình vẫn diễn biến phức tạp trên toàn thế giới.

- Ngày 8.1.2010, WHO thống kê tổng số tử vong vì cúm A/H1N1 trên toàn cầu là 12.779 người.

Trọng Kha

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.