Cúng rằm tháng Bảy thế nào cho ‘chuẩn’?

20/08/2018 13:09 GMT+7

Cúng rằm tháng 7 vào ngày nào, phải cúng bao nhiêu lễ và cần chuẩn bị những gì… là những câu hỏi được rất nhiều người quan tâm, tìm hiểu.

Việc cúng kiếng dịp rằm tháng Bảy hàng năm, còn được gọi là Tết Trung Nguyên, lễ Vu Lan báo hiếu, lễ Xá tội vong nhân… vốn là một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống của người Á Đông.
Một hòa thượng ở chùa thuộc Quận 5 (TP.HCM) cho biết: “Rằm tháng Bảy là một dịp lễ quan trọng, nhiều người nhân dịp này để đi chùa lễ Phật, cầu an cho người sống, cầu siêu cho người chết, làm công quả, từ thiện… Việc bày biện lễ cúng mặc dù có những quy tắc nhất định, nhưng quan trọng nhất vẫn là ở lòng thành và cái tâm hướng thiện của mỗi người”.
Tùy theo mỗi gia đình mà cách thức cũng như lễ vật trên mâm cúng có thể khác nhau. Song, vị hòa thượng này lưu ý, khi cúng tại nhà thì gia chủ cần chuẩn bị đủ các lễ cúng Phật, cúng thần linh, cúng gia tiên và cúng chúng sinh (cúng thí thực cô hồn).
Cúng Phật
Thông thường, trên bàn thờ tổ tiên của người Việt có ba bát hương, bát ở giữa thờ Phật, bên phải thờ thần linh thổ công và bát bên trái thờ gia tiên.
Để chuẩn bị một mâm cúng Phật, gia chủ cần sắp một mâm cơm chay hoặc một mâm ngũ quả lên vị trí cao nhất của bàn thờ. Hoa để dâng lên bàn thờ Phật phải là hoa tươi, thường được chọn nhất là hoa sen, hoa huệ và hoa mẫu đơn.
Rằm tháng Bảy âm lịch năm nay sẽ rơi vào ngày thứ Bảy 25.8.2018 dương lịch
Ảnh: Ngọc Dương
“Ngoài việc khấn vái thì khi cúng, gia chủ nên đọc bài Kinh Vu Lan, làm như vậy để người đọc vừa hiểu rõ về ngày lễ này, vừa góp phần hồi hướng công đức cho những người thân đã khuất của họ sớm được siêu thoát. Lễ cúng Phật nên được thực hiện vào buổi sáng hoặc trưa”, vị hòa thượng cho biết.
Cúng thần linh và gia tiên
Dựa vào cách tính vụ mùa của người nông dân, tháng 6 - 7 âm lịch là lúc thu hoạch mùa màng. Để công việc được thuận lợi, người dân thường khấn cầu thần linh, thổ địa, ông bà... bắt giữ hết các vong hồn để không cản trở, quấy phá lương thực, thực phẩm.
Nhiều người tranh nhau giật đồ cúng cô hồn khiến đường phố náo loạn Ảnh: Mã Phong
Theo lời vị hòa thượng này, người dân phải hoàn thành mọi việc trước ngày 15.7 âm lịch vì hôm đó là lúc “ông thần tha ma, chủ nhà tha thợ cấy”. Đây cũng là thời điểm người dân tạ ơn các vị thần linh và tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên thông qua việc cúng lễ.
Mâm cúng thần linh và gia tiên có thể nấu cỗ chay hoặc mặn, đầy đủ tiền vàng mã, đồ dùng dành cho người cõi âm như áo quần, giày dép, điện thoại... Tương tự như lễ cúng Phật, lễ cúng thần linh và gia tiên cũng nên thực hiện vào ban ngày.
Cúng thí thực cô hồn (cúng chúng sinh)
Hòa thượng giải thích, theo quan niệm của người xưa và cũng xuất phát từ đạo lý nhà Phật, nam giới có ba hồn bảy vía, nữ giới có ba hồn chín vía. Khi một người chết đi, một hồn sẽ ở lại nơi họ trút hơi thở cuối cùng, một hồn về nơi mồ mả, hồn còn lại đi theo phán quan để được luận công tội khi còn sống.
“Người chết ở đâu thì hồn vẫn quanh quẩn ở đó, chết ở nhà có thân nhân cúng giỗ, chết ngoài đường thì hồn vất vưởng, lang thang, không cơm ăn áo mặc. Họ không siêu thoát được nên mới trở thành cô hồn, ngạ quỷ” - vị hòa thường này cho biết.
Rằm tháng 7 âm lịch hàng năm là ngày Lễ Xá tội vong nhân, người dân chuẩn bị lễ cúng bố thí cho các cô hồn sa cơ lỡ vận, không nơi nương tựa, còn vương vấn chốn nhân gian.
Mâm cúng rằm tháng 7 đầy đủ lễ vật Ảnh: Minh Quang
Cúng cô hồn ngày nay đã khắc sâu trong tâm thức người Việt và trở thành một tục lệ quan trọng, là dịp để người sống giúp đỡ người chết đỡ tủi phận, tích lũy phước đức, xua đi những xui xẻo và rước vận may về nhà.
Mâm cúng cô hồn phải đặt ngoài trời hoặc trước cửa chính, tuyệt đối không đặt trong nhà. Lễ cúng nên tổ chức vào chiều tối ngày 14.7 hoặc 15.7 âm lịch. Một mâm cúng thí thực cô hồn thường có:
- 1 đĩa muối, gạo
- Cháo trắng nấu loãng (múc đều ra 12 chén nhỏ)
- 12 cục đường thẻ
- Giấy áo chúng sinh từ 20 - 50 bộ
- Giấy tiền vàng bạc từ 15 lễ trở lên
- Bắp rang, khoai lang, bắp luộc, sắn luộc...
- Mía (để nguyên vỏ và chặt thành từng khúc)
- Bánh, kẹo, tiền mặt (nên dùng tiền có mệnh giá nhỏ)
- 3 ly nước nhỏ
- 3 cây hương
- 2 cây đèn cầy (hoặc nến ly)
Ngoài ra còn có một vài lưu ý như không cúng xôi và thịt gà. Khi rải tiền vàng ra mâm phải để 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, mỗi hướng phải có 3, 5 hoặc 7 cây hương. Muối và gạo sau khi cúng xong phải rải xuống đường để tiễn cô hồn đi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.