Cuộc chiến chống mafia - Chặt vòi bạch tuộc

18/07/2010 23:34 GMT+7

Qua nhiều cuộc đối đầu nảy lửa, mafia vẫn là những tổ chức tội phạm nguy hiểm nhất mà chính quyền Ý luôn cố gắng làm giảm tầm ảnh hưởng.

Đợt “bủa lưới” gần đây nhất của cảnh sát Ý đã làm rúng động tổ chức tội phạm lớn nhất nước này trong thời điểm hiện nay.

Ngày 13.7, một chiến dịch được chuẩn bị kỹ lưỡng trong thời gian dài đã giúp cảnh sát bắt giữ hơn 300 thành viên của các băng đảng tội phạm thuộc tổ chức mafia Ndrangheta ở Calabria, miền nam nước Ý và một số khu vực thịnh vượng phía bắc. Đây là đợt bố ráp tội phạm quy mô nhất tại nước này trong 15 năm qua.

Ndrangheta - thế lực mới

Theo AFP, khoảng 3.000 cảnh sát và nhân viên điều tra đã được tung vào chiến dịch truy quét lần này và thành quả là “Bố già” Domenico Oppedisano, 80 tuổi, bị sa lưới tại một thị trấn ven biển ở Calabria. Oppedisano bị tình nghi là thủ lĩnh tối cao của Ndrangheta nhưng cũng có nguồn tin cho rằng y chỉ là đại diện chung của các băng tội phạm trực thuộc Ndrangheta ở Calabria. Ngoài ra, cảnh sát còn tịch thu nhiều vũ khí, ma túy và một lượng tiền mặt, tài sản trị giá hàng chục triệu USD.

Bốn tổ chức mafia có ảnh hưởng lớn nhất tại Ý là Ndrangheta ở Calabria, Camorra ở Napoli, Cosa Nostra ở Sicily và Sacra Corona Unita ở Puglia. Theo thống kê của Viện Eurispes (Ý), doanh thu của Ndrangheta có thể đạt tới 44 tỉ euro, phần lớn là nhờ buôn bán ma túy và vũ khí.
Cảnh sát thông báo những người bị bắt giữ thuộc các băng nhóm mafia chuyên tổ chức buôn bán vũ khí, cưỡng đoạt tiền của, thanh toán bằng vũ lực. “Đây là chiến dịch quan trọng nhất những năm gần đây và đã đánh tận trung tâm hệ thống tội phạm của Ndrangheta cả về tổ chức lẫn tài sản”, AFP dẫn lời phát biểu của Bộ trưởng Nội vụ Roberto Maroni. Ndrangheta đã “lật đổ” Cosa Nostra để trở thành tổ chức mafia lớn nhất nước Ý và châu u, gần như chiếm thế độc quyền về buôn bán cocaine ở châu u với nguồn cung thẳng từ Colombia. Tổ chức này cũng đã bắt đầu vươn vòi bạch tuộc sang Canada, Úc. Ngoài ra, trong số những kẻ sa lưới pháp luật có rất nhiều nhân vật quan trọng của Lombardy ở miền bắc, gồm nhiều lãnh đạo trong lĩnh vực y tế, nổi bật là giám đốc ngành y tế của thành phố Pavia.

Công tố viên Alberto Cisterna nhận định những cuộc bắt giữ này cho thấy miền bắc nước Ý mới thật sự là địa bàn kiếm tiền của Ndrangheta. Việc lấn sâu vào lĩnh vực y tế giúp tổ chức này thiết lập quan hệ với các chính trị gia và giúp Ndrangheta thao túng các cơ quan hành chính địa phương. Tuy phía bắc đã trở thành điểm quan trọng về tài chính nhưng Calabria vẫn giữ vai trò điều hành hệ thống và là nơi sinh sống của hầu hết các ông trùm Ndrangheta. Giới quan sát nhận định đợt truy quét cho thấy tổ chức này có cơ cấu quyền lực theo trục dọc tương tự Cosa Nostra chứ không phải dàn ngang như dư luận vẫn nghĩ. Vì thế nếu Oppedisano đúng là “Bố già” thật sự thì đây sẽ là một đòn khủng khiếp giáng vào “con bạch tuộc” lớn nhất nước Ý.

Nhiều đòn chí tử

Hai năm sau khi Thủ tướng Silvio Berlusconi trở lại quyền lực, cuộc chiến chống “vòi bạch tuộc” tại Ý đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Hơn 5.000 tội phạm bị bắt giữ, trong đó có 24 tên trùm thuộc loại nguy hiểm nhất nước Ý, số tài sản bị tịch thu  trị giá hơn 2 tỉ euro. Trả lời phỏng vấn của tờ Le Figaro, thẩm phán từng được tặng danh hiệu “thẩm phán chống mafia cấp quốc gia” năm 2005, Piero Grasso khẳng định “bạch tuộc” không còn đủ tầm để nghĩ đến những cuộc tấn công trực diện và đình đám vào nhà nước như các thập niên 1980 và 1990.

Vụ “Bố già” Ý Giuseppe Falsone bị bắt tại Marseille (Pháp) hồi cuối tháng 6 cho thấy những trùm mafia sẽ không thể chống cự lâu dài khi lẩn trốn ở bên ngoài. Những tên trùm chỉ có thể “hô mưa gọi gió” khi được đàn em vây quanh tại lãnh địa của mình. Theo ông Grasso, mafia ở vùng Sicily, tiêu biểu là tổ chức Cosa Nostra đã ít nguy hiểm hơn so với trước đây. Chiến lược của chúng đã bị phá vỡ sau khi thủ lĩnh khát máu Toro Riina bị bắt vào năm 1993. Số lượng thành viên của các băng tội phạm giảm đi nhiều trong khi việc tìm kiếm thành viên lại giảm.

Giovanni Falcone, thẩm phán bị sát hại năm 1992 từng nói: “Mafia sẽ bị tiêu diệt nếu chúng bị thu gọn lại thành một tổ chức tội phạm thông thường. Khi nào mafia vẫn còn len lỏi được vào xã hội dân sự và trong giới kinh doanh thì sẽ rất khó triệt hạ chúng”. Đó là lý do mà thẩm phán Grasso đã rất vui mừng vì ngày càng có nhiều tổ chức chống mafia xuất hiện tại Ý như Ủy ban Chống súng đạn Addio Pizzo, Tổ chức Quản lý đất đai được thu hồi từ mafia Libera... Ngoài ra, việc tịch thu tài sản cũng là một đòn chí tử giáng vào các tổ chức mafia. Một ông trùm đã “sám hối” cho biết những tên mafia khét tiếng sẵn sàng chấp nhận bị bắt giam nhưng không chịu được chuyện chính quyền sờ vào túi tiền. Tại Napoli, chính quyền cũng đã tổ chức nhiều cuộc tấn công vào Casalesi, “đế chế” 30 tỉ euro được xây dựng theo hình mẫu của mafia Sicily.

Nguyễn Ngọc Lan Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.