Cuộc chiến chống thuốc lá trên toàn cầu: Dừng tấn công vào nicotin?

18/07/2022 15:00 GMT+7

Gánh nặng y tế vì bệnh tật và tử vong do hút thuốc lá trong đó bao gồm các bệnh như ung thư, tim mạch, phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD),... đã được các chuyên gia y tế trên toàn cầu xác định nguyên nhân không đến từ nicotin, mà là do khói khi đốt điếu thuốc lá.

Vì thế, các chuyên gia nhấn mạnh, đã đến lúc cần nhìn nhận đúng tính chất gây hại của khói thuốc lá so với tính gây nghiện của nicotin để từ đó đưa ra định hướng phù hợp, đúng đắn hơn trong việc kiểm soát tác hại thuốc lá.

Hít khói thuốc càng sâu, nguy cơ bệnh càng tăng

Nhiều người vẫn còn nhầm lẫn nicotin là độc tố, thực tế, nicotin chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong các yếu tố gây hại như gây hưng phấn, tính lệ thuộc cao, hoặc tăng nhịp tim. Tuy nhiên, những yếu tố gây ảnh hưởng lên sức khỏe này là không đáng kể, vì vậy nicotin vẫn được các cơ quan y tế cho phép đưa vào các sản phẩm cai thuốc lá như miếng dán, xịt, hay kẹo ngậm nicotin,...

Ngoài ra, qua nhiều nghiên cứu, các cơ quan như WHO, Viện Y tế và Chăm sóc Sức khỏe Quốc gia Anh Quốc (NIH), Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA)... đều có cùng kết luận, nicotin chỉ là chất gây nghiện chứ không phải chất gây ung thư.

Nicotin chỉ là chất gây nghiện chứ không phải chất gây ung thư

Ảnh: Shutterstock

“Tất cả các nghiên cứu khoa học đều cho thấy nicotin không gây hại. Nicotin có làm tăng nhịp tim và tăng huyết áp, cũng như tăng cường hoạt động của não, nhưng chất này hoàn toàn không gây ung thư,” GS David Khayat, nguyên Chủ tịch sáng lập Viện Ung thư Quốc gia Pháp khẳng định.

Trong khi đó, khói thuốc lá (khi đốt cháy điếu thuốc) mới là “thủ phạm” thực sự gây ra tử vong và các bệnh do hút thuốc. Người hút thuốc càng hít hoặc rít thật sâu khói thuốc lá, các chất gây bệnh càng dễ tấn công vào phổi và các cơ quan liên quan; làm tắc nghẽn các mao mạch ở phổi, dẫn đến các bệnh lý hô hấp với dấu hiệu ho, thở khò khè... Vì thế, các chuyên gia y tế luôn nỗ lực kêu gọi phải cai thuốc lá điếu bằng mọi cách.

Bổ sung giải pháp chống tác hại thuốc lá bằng các sản phẩm loại bỏ khói thuốc

Theo báo cáo của Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá của WHO năm 2019, chỉ có 32 quốc gia đạt được 30% mục tiêu giảm tiêu thụ thuốc lá trước năm 2025. Đây được xem là một con số khiêm tốn, do đó, thay vì loại bỏ nicotin bằng cách ép buộc cai thuốc lá, hãy loại bỏ khói thuốc bằng các sản phẩm thay thế không khói.

Khoa học đã chứng minh: Các sản phẩm chứa nicotin thay thế như trên, bao gồm kẹo ngậm nicotin, miếng dán nicotin; hoặc những sản phẩm thuốc lá không khói như thuốc lá điện tử, thuốc lá ngậm snus, thuốc lá làm nóng... đều phù hợp để cung cấp cho người hút thuốc lá điếu chuyển đổi. Các giải pháp này tuy không bằng việc cai thuốc lá hoàn toàn, nhưng ít nhất là được người hút thuốc tự nguyện đón nhận vì chúng giảm đi phần lớn hàm lượng các chất gây hại hơn so với tiếp tục hút thuốc lá điếu.

GS Rahmana Emran Kartasasmita từ Trường Dược ITB (Indonesia), cho biết: “Mặc dù các sản phẩm thuốc lá làm nóng vẫn tiềm ẩn nguy cơ, những sản phẩm này đã được chứng minh là ít nguy hại cho sức khỏe hơn so với thuốc lá điếu đốt cháy”. Ủy ban về Độc chất học (COT) của Anh quốc cũng kết luận rằng, các sản phẩm thuốc lá làm nóng giúp giảm hàm lượng các chất hóa học độc hại từ 50% đến 90% so với thuốc lá điếu thông thường.

Cần thông tin minh bạch để hoạch định chính sách và lựa chọn tiêu dùng

Đến nay, các sản phẩm thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử đã và đang phổ biến rộng rãi tại Việt Nam, trước nhu cầu tìm kiếm những sản phẩm thay thế với hàm lượng các chất gây hại thấp hơn. Thế nhưng, thông tin khoa học về những sản phẩm thế hệ mới này vẫn chưa được cung cấp đầy đủ, thiếu cơ sở khoa học , thậm chí còn có nhiều thông tin gây hiểu lầm nghiêm trọng.

Hiện nay rất ít người hiểu rằng, chỉ có một số sản phẩm thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử được FDA thông qua về khả năng giảm tác hại, và tính chất phù hợp với cộng đồng giữa hàng ngàn sản phẩm đang có mặt trên toàn cầu. Chính vì thế, việc để người dùng tự tìm hiểu thông tin và giao dịch giữa một rừng sản phẩm “thượng vàng hạ cám” trong thị trường chợ đen chính là đang làm tăng nguy cơ, rủi ro cao hơn lên sức khỏe của họ trước một nhu cầu chính đáng.

Vì vậy, thiết nghĩ cần sớm có khung pháp lý hoàn thiện để giúp kiểm soát hiệu quả các sản phẩm này, để một mặt tạo điều kiện “dọn” sạch thị trường chợ đen, bảo vệ sức khỏe người dùng là cần thiết. Mặt khác, điều này cũng sẽ tăng cường năng lực kiểm soát của quốc gia về thuốc lá thế hệ mới nói riêng và cả ngành hàng thuốc lá nói chung.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.