Cuộc chiến lục bình

04/04/2014 11:05 GMT+7

Mặt sông Vàm Cỏ Đông đoạn qua các huyện Châu Thành, Hòa Thành, Gò Dầu, Bến Cầu (Tây Ninh) thường xuyên bị bao phủ bởi một màu xanh của lục bình dày đặc khiến cuộc sống người dân đảo lộn.

Mặt sông Vàm Cỏ Đông đoạn qua các huyện Châu Thành, Hòa Thành, Gò Dầu, Bến Cầu (Tây Ninh) thường xuyên bị bao phủ bởi một màu xanh của lục bình dày đặc khiến cuộc sống người dân đảo lộn.

 Cuộc chiến lục bình
Chiếc ghe anh Long được ứng cứu sau gần 6 tiếng phơi nắng - Ảnh: Giang Phương

Kẹt giữa dòng, ngồi ăn cơm như khỉ

Có mặt tại khu vực cầu Bến Sỏi thuộc H.Châu Thành (Tây Ninh), PV chứng kiến nhiều câu chuyện dở khóc, dở cười bởi vấn nạn lục bình trên sông. Theo người dân, những ngày này, toàn bộ tàu, ghe đều bị “chết đứng” mỗi khi nước lớn và tốn thời gian, tiền bạc của của người dân. Anh Nguyễn Thanh Hoàng (ngụ xã Thành Long) cho biết ruộng lúa dù ở phía đối diện bên kia sông nhưng mỗi lần đi thăm nếu không có lục bình thì chỉ mất 5 phút, còn nếu có lục bình dày đặc thì có khi kẹt lại 5 tiếng trên sông là chuyện thường.

Gặp tàu chở tầm vông của anh Nguyễn Thành Lớn (xã Thành Long) neo lại bờ đợi lục bình trôi đi, anh Lớn rầu rĩ: “Một đoạn sông khoảng 50 km nếu không có lục bình thì đi khoảng 3,5 tiếng đồng hồ, còn có lục bình phải mất 2 ngày và tốn nhiên liệu đến gấp 4-5 lần. Chưa kể, cùng đoạn này có đến 5 sợi dây căng ngang mặt sông và không cho ghe tàu qua lại. Trong số đó có, có chỗ còn bị bắt “đóng phí” 100.000 đồng/lượt để được người dân rút dây cho tàu đi qua, nếu không thì phải nằm chờ nước ròng cả nửa ngày trời”.

Ngày 3.4, PV Thanh Niên chứng kiến ghe của anh Nguyễn Văn Long  (ngụ ấp Nam Bến Sỏi) “chết đứng” gần 6 tiếng đồng hồ trên thảm lục bình giữa sông Vàm Cỏ (cách bờ khoảng 50 m). 8 giờ sáng, anh Long đi thăm ruộng (đối diện bên kia sông), khi về được giữa dòng thì ghe không thể di chuyển được vì lục bình dày đặc. Các ghe, tàu bên trong bờ nhiều lần nổ máy ra cứu nhưng ra được vài mét cũng bị kẹt cứng. Những người dân tại khu vực này bức xúc phản ánh, cứ đi ra ruộng dù gần cũng phải mang cơm theo để nếu có bị kẹt lại thì ăn uống chờ lục bình rút (người dân gọi vui là “ăn cơm khỉ” – PV).

Thiếu giải pháp khả thi

Như Thanh Niên ngày 1.4 đã thông tin, ngay sau khi người dân tại khu vực cầu Bến Sỏi phản ánh tình trạng cá chết bất thường, lãnh đạo Sở TN-MT đã trực tiếp tìm hiểu nguyên nhân và có dự đoán do lục bình khiến lượng oxy trong nước giảm dẫn đến chết cá.

Lãnh đạo Sở TN-MT cũng đã tiếp xúc và lắng nghe ý kiến của các hộ dân đề nghị xử lý lục bình. Vị này cho biết, hiện có nhiều đơn vị đề nghị đấu thầu để xử lý lục bình nhưng nhiều điều kiện chưa khả thi nên chưa thể tiến hành. Vị này cũng tâm tư: “Trước đây kinh phí xử lý khoảng 1 tỉ đồng/năm nhưng vẫn không đủ. Nếu được, tôi đề nghị sử dụng nguồn phí bảo vệ môi trường để phục vụ việc cải tạo môi trường con sông này. Có thể là dùng số tiền để thu mua lục bình từ người dân. Đồng thời sẽ có quy định chặt hơn đối với những hộ nuôi cá hoặc làm chà bắt cá trên sông có giữ lại lục bình vì đây cũng là nơi lục bình sinh sản nhanh mà không thể diệt hết được”.

Mới đây tỉnh Tây Ninh đã thành lập Ban chỉ đạo xử lý lục bình gồm các Sở TN-MT, KH-CN, NN-PTNT, Tài chính và Chủ tịch UBND các huyện có sông Vàm Cỏ Đông chảy qua: Châu Thành, Hòa Thành, Gò Dầu, Bến Cầu, Trảng Bàng. Ban chỉ đạo do ông Nguyễn Thảo - Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban. Giao Sở KH-CN tiếp tục tổ chức hội thảo khoa học, triển khai đề tài cấp nhà nước về xử lý lục bình.

Giang Phương

>> Đề nghị 'trảm' công ty xử lý lục bình vì sông tắc nghẽn
>> Phát hiện xác người trong đám lục bình
>> Kênh tắc nghẽn vì lục bình
>> Giảm nghèo nhờ đan lục bình
>> Sông nghẹn vì lục bình
>> Bông lục bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.