Cuộc chiến tranh biên giới là 'vết hằn' lâu dài trong quan hệ Việt - Trung

Lê Hiệp
Lê Hiệp
17/02/2019 12:35 GMT+7

Nói về hậu quả của cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc 1979 tới mối quan hệ Việt - Trung, giáo sư Vũ Dương Huân cho rằng, đây là một "vết hằn", "điểm nghẽn" để lại hậu quả lâu dài trong mối quan hệ giữa 2 nước.

Thanh Niên có cuộc trao đổi với giáo sư Vũ Dương Huân, nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao, nguyên Trưởng ban Nghiên cứu Lịch sử ngoại giao, về tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Trung Quốc sau 10 năm Trung Quốc phát động chiến tranh biên giới 1979, cũng như hệ quả mà cuộc chiến này để lại trong mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc sau này.
Sau hơn 10 năm kể từ Trung Quốc phát động cuộc chiến xâm lược Việt Nam vào 17.2.1979, hai nước mới bình thường hóa quan hệ. Việc đó đã diễn ra trong bối cảnh như thế nào, thưa giáo sư?
Giáo sư Vũ Dương Huân: Tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc phải đặt trong bối cảnh quốc tế cũng như những thay đổi chiến lược của cả 2 bên.
Năm 1986, Việt Nam bắt đầu đường lối đổi mới để phát triển đất nước tiếp tục đi lên. Để phục vụ mục tiêu lớn nhất lúc này là đổi mới, chúng ta phải xử lý được hậu quả của cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc kéo dài từ 1979. Đó chính là việc chúng ta bị cô lập trên trường quốc tế, bị các nước Trung Quốc, Mỹ, ASEAN bao vây, cấm vận, không thể phát triển được.
Muốn xử lý được hậu quả này, trước hết phải xử lý được mối quan hệ với Trung Quốc, vì Trung Quốc có một vị trí rất lớn trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Trung Quốc là nước lớn, lại là nước láng giềng, nếu chúng ta không xử lý được đối tác quan trọng lớn như vậy thì không thể đổi mới thành công được. Cho nên, lúc này bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc là một vấn đề bức bách.
Bên cạnh đó, bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc cũng là để bình thường hóa quan hệ với các nước khác, trong đó có ASEAN và Mỹ. Nói cách khác, từ phía Việt Nam, do yêu cầu thực hiện chiến lược đổi mới đồng thời để khắc phục hậu quả của chiến tranh, khắc phục sự bao vây, cô lập sau chiến tranh, chúng ta cần phải bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc.
Còn về phía Trung Quốc, chiến lược của họ là gì?
Vào năm 1976, "Cách mạng văn hóa" của Trung Quốc kết thúc. Tại Hội nghị T.Ư 3 khóa XI tháng 3.1978, Trung Quốc cũng đặt ra mục tiêu cải cách, mở cửa với mục tiêu “4 hiện đại hóa”. Muốn thực hiện mục tiêu này, Trung Quốc cũng phải xử lý được mối quan hệ với Việt Nam để từ đó xử lý mối quan hệ với Mỹ và Liên Xô.
Đông Nam Á là một hướng lớn trong quan hệ đối ngoại của Trung Quốc. Nếu vẫn để quan hệ Việt Nam căng thẳng thì không thể thực hiện "4 hiện đại hóa",  cho nên Trung Quốc buộc phải đẩy mạnh bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.
Bình thường hóa quan hệ với Việt Nam đồng thời cũng sẽ thúc đẩy quan hệ của Trung Quốc với phương Tây để tranh thủ nguồn lực cho mục tiêu "4 hiện đại hóa" cũng như thúc đẩy bình thường hóa quan hệ với Liên Xô. Thực tế, vào năm 1989, sau 3 vòng đàm phán, Trung Quốc đã bình thường hóa quan hệ với Liên Xô mà sau này là Nga.
Như vậy, vào thời điểm đó, sự thúc ép đến từ cả 2 phía nên cả Việt Nam và Trung Quốc phải tiến hành tiến trình bình thường hóa quan hệ.

Việt Nam đã chủ động và thúc đẩy cuộc gặp Thành Đô

Những nỗ lực của hai bên trong tiến trình đó đã được thực hiện ra sao, thưa ông?
Trong mối quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam là nước nhỏ nên tất nhiên, chúng ta chủ động và thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Chúng ta chủ động hơn nên chúng ta chính là người chủ động dẫn đến cuộc gặp giữa lãnh đạo hai bên ở Thành Đô vào tháng 9.1990 và từ cuộc gặp này đã dẫn đến cuộc gặp cấp cao tháng 11.1991 mà Tổng bí thư Đỗ Mười và Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã sang Trung Quốc để chính thức bình thường hóa quan hệ của hai bên. Tuy nhiên, như tôi đã nói, việc bình thường hóa quan hệ có lợi cho cả hai bên nên cả Việt Nam và Trung Quốc đều hăng hái.
Ông có thể nói cụ thể hơn về sự chủ động thúc đẩy tiến trình này từ phía Việt Nam?
Sau 40 năm, tôi cho rằng chúng ta vẫn cần nhận thức thật chính xác về mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc là thế nào. Nhận thức về Trung Quốc không đúng là nguy hiểm. Cần phải xác định, quan hệ Việt Nam và Trung Quốc là mối quan hệ giữa nước lớn và nước nhỏ. Trung Quốc là nước lớn, Việt Nam là nước nhỏ. Trung Quốc là nước láng giềng của Việt Nam và là nước láng giềng có nhiều vấn đề phức tạp. Đó mới là dòng chảy chính, là đường hướng chính trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc.
GS Vũ Dương Huân
Trong tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Trung Quốc thời điểm đó, vấn đề Campuchia là một trong những trở ngại chính. Khi đó, Việt Nam bị Trung Quốc, Mỹ và các nước ASEAN cấm vận và cô lập chủ yếu là vì chúng ta có quân đội ở Campuchia. Cho nên, nỗ lực trước hết của chúng ta là “gỡ” vấn đề Campuchia.
Năm 1989, chúng ta quyết định rút quân khỏi Campuchia. Đây chính là “đột phá khẩu” để bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc. Vì từ trước tới nay, Trung Quốc đều lấy vấn đề Campuchia làm cái cớ để không bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Trong 3 vòng đàm phán với Liên Xô vào năm 1989 họ cũng tuyên bố rõ như vậy.
Sau khi rút khỏi Campuchia thì Việt Nam là phía tích cực, chủ động tiếp xúc, trao đổi với Trung Quốc nhằm bình thường hóa quan hệ. Chúng ta đã nhiều lần trao đổi, tiếp xúc, nêu vấn đề lãnh đạo cao nhất của Việt Nam có thể đi thăm Trung Quốc để bàn về vấn đề bình thường hóa quan hệ nhưng phía Trung Quốc vẫn tìm cách gây cản trở.
Vào tháng 9.1990, khi các nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có ý định can thiệp vào vấn đề Campuchia thì phía Trung Quốc sợ mất vai trò ở đó nên đã nhanh chóng mời lãnh đạo Việt Nam sang gặp tại Thành Đô để bàn về vấn đề bình thường hóa quan hệ và bàn về vấn đề Campuchia.
Thực tế, trong 8 điểm hai bên thống nhất tại hội nghị này thì có tới 7 điểm liên quan tới vấn đề Campuchia, chỉ có điểm thứ 8 là liên quan tới việc bình thường hóa quan hệ giữa hai bên. Sau đó, Việt Nam tiếp tục chủ động thăm Trung Quốc, bàn bạc để thúc đẩy quan hệ và tới 11.1991 thì hai bên chính thức bình thường hóa quan hệ.
Như vậy, trong tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, có nhân tố khách quan, cũng có nhân tố chủ quan, mà sự chủ động của Việt Nam là cực kỳ quan trọng.

Cuộc chiến để lại hậu quả vô cùng lớn về mọi phương diện

Tới nay, sau 40 năm, cuộc chiến tranh biên giới 1979 - 1989 ảnh hưởng thế nào tới mối quan hệ giữa 2 nước Việt Nam - Trung Quốc, thưa ông?
Cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc 1979 - 1989 đã để lại hậu quả vô cùng lớn về mọi phương diện đối với Việt Nam. Ngoài hậu quả về mặt con người, về cơ sở vật chất, chúng ta còn bị đẩy vào vòng cấm vận, cô lập không chỉ của Trung Quốc mà còn của Mỹ và các nước ASEAN khiến trong nhiều năm chúng ta gặp khủng hoảng, kinh tế không thể phát triển được.
Đối với mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, thì rõ ràng, cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc kéo dài trong 10 năm là một vết hằn, một điểm nghẽn trong việc phát triển mối quan hệ giữa 2 nước, mà tôi cho rằng vẫn còn ảnh hưởng dai dẳng và lâu dài chứ không chỉ trước mắt.
Sự lâu dài ấy là ở chỗ, cách nhìn nhận, đánh giá của hai bên về cuộc chiến vẫn rất khác nhau. Việt Nam cho rằng Trung Quốc xâm lược Việt Nam còn Trung Quốc thì lại tuyên truyền rằng do Việt Nam gây hấn nên Trung Quốc phải tiến hành "chiến tranh tự vệ".
Điều này ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý nhân dân cũng như niềm tin chính trị của hai bên. Niềm tin chính trị là cốt lõi để thúc đẩy quan hệ giữa 2 quốc gia trên mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, hiện nay niềm tin chính trị giữa Việt Nam - Trung Quốc rất thấp.
Một ảnh hưởng khác là chủ nghĩa dân tộc. Nước nào cũng có chủ nghĩa dân tộc. Nước lớn có chủ nghĩa đại dân tộc, nước nhỏ có chủ nghĩa dân tộc. Không khéo xử lý vấn đề lịch sử thì sẽ kích động chủ nghĩa dân tộc. Mà chủ nghĩa dân tộc là cực kỳ nguy hiểm nếu không khống chế được.
Như vậy, nhiều bài học có thể rút ra từ cuộc chiến tranh biên giới Việt Nam - Trung Quốc 1979 - 1989. Ông muốn nhấn mạnh bài học nào?
Tới nay, sau 40 năm, tôi cho rằng chúng ta vẫn cần nhận thức thật chính xác về mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc là thế nào. Nhận thức về Trung Quốc không đúng là nguy hiểm. Cần phải xác định, quan hệ Việt Nam và Trung Quốc là mối quan hệ giữa nước lớn và nước nhỏ. Trung Quốc là nước lớn, Việt Nam là nước nhỏ. Trung Quốc là nước láng giềng của Việt Nam và là nước láng giềng có nhiều vấn đề phức tạp. Đó mới là dòng chảy chính, là đường hướng chính trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Việc Việt Nam, Trung Quốc cùng là nước xã hội chủ nghĩa chỉ nên coi là yếu tố sách lược thôi chứ không nên coi là điều kiện chiến lược. Tuy nhiên, lâu nay nhiều người nhận thức không đúng về vấn đề này.
Xin cảm ơn ông!
Khác biệt về đường lối chiến lược nên phải tìm cách để "trị"
"Việt Nam là một nhân tố trong chiến lược toàn cầu của Trung Quốc. Chiến lược toàn cầu của Trung Quốc vào thời điểm 1979 là mở cửa, là 4 hiện đại hóa, vì vậy họ phải bắt tay với Mỹ, phải nắm Đông Dương, xuống Đông Nam Á - con đường quan trọng nhất để ra thế giới. Việt Nam lại có đường lối chiến lược khác, cản trở chiến lược này nên Trung Quốc đã tìm cách để “trị” Việt Nam". (GS Vũ Dương Huân, Học viện Ngoại giao) 
Cái giá Việt Nam phải trả là rất đắt
"Đấu tranh với Trung Quốc về vấn đề Campuchia là một quá trình rất phức tạp và khó khăn nhất trong suốt quá trình giải quyết vấn đề Campuchia, do Trung Quốc luôn sử dụng vấn đề Campuchia làm công cụ phục vụ chiến lược của Trung Quốc trên phạm vi toàn cầu. Mặc dù Việt Nam đã rất kiên trì và cuối cùng cũng đã đạt được mục tiêu đề ra là giải quyết xong vấn đề Campuchia và bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc nhưng cái giá Việt Nam phải trả là rất đắt. Đây là vấn đề có hệ quả và tác động lâu dài không chỉ tới quan hệ Việt - Trung mà còn tác động sâu sắc tới vị thế và vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế". (TS Trần Việt Thái, Học viện Ngoại giao)
Xây dựng quan hệ hữu nghị là nguyện vọng lâu dài của nhân dân 2 nước
"Việt Nam và Trung Quốc là 2 nước láng giềng, đồng nghĩa với việc không thể di chuyển đất nước đi đâu được. Vì vậy, xây dựng quan hệ hữu nghị là nguyện vọng cơ bản và lâu dài của nhân dân 2 nước. Nếu quan hệ 2 nước căng thẳng, thậm chí để xảy ra chiến tranh như năm 1979, thì những tổn thất lớn về người và của cải vật chất là không thể tính toán được, trong đó những người chịu thiệt hại nhiều nhất và lớn nhất là nhân dân 2 nước. Điều quan trọng hơn là làm suy giảm lòng tin chính trị giữa 2 nước mà trong thời gian ngắn rất khó lấy lại được". (GS - TS Đỗ Tiến Sâm, Viện Nghiên cứu Trung Quốc).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.