“Cuộc chiến” trong thế giới nhạc mạng

04/08/2011 23:43 GMT+7

Nhạc “rác” tràn lan trong thế giới nhạc mạng đến mức nhiều người phải kêu là “tệ nạn văn hóa”, “thảm họa”... Còn các cấp quản lý đang đau đầu.

Nhạc… văng mạng!

Làm ra một bản ghi âm ca khúc, video clip, sau đó tung lên mạng internet hiện giờ là quá dễ. Bởi cho dù chất lượng nghệ thuật hay nội dung như thế nào, thậm chí dù có hát nhảm nhí hay quay hình phản cảm, lố lăng cũng đưa được lên mạng, một khi bạn đã đăng ký thành viên ở bất kỳ trang web âm nhạc nào.

 
Cô ca sĩ của "thảm họa âm nhạc" được cộng đồng mạng “giễu” bằng một clip riêng -Ảnh: Tư liệu trên mạng

Sự bùng nổ và phát triển với tốc độ chóng mặt của nhạc mạng trên các website chuyên tải nhạc như: nhaccuatui, zing, nhacso, music.top1, canhac, nghenhac, nhac.vietgiaitri, alonhac, teenpro, clip.vn… khiến thế giới nhạc này tồn tại một cách tự do, thiếu kiểm soát hơn bao giờ hết. Ai muốn làm “gương mặt mới” gây “sốc” nhất, “chế sĩ” nào muốn ca khúc của mình sáng tác được bàn tán nhiều thì cứ lên mạng “phát hành” sản phẩm, không cần phải thông qua “ải” kiểm duyệt nào. Chính kẽ hở này khiến nhạc mạng trở nên… văng mạng, theo cấp số nhân với đủ kiểu loại.

“Môi trường văn hóa nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc đang bị “ô nhiễm” nghiêm trọng, trong đó phần trách nhiệm thuộc về các kênh, web âm nhạc khi cho phát nhiều ca khúc nhảm nhí, vô bổ lên sóng”. (Ông Ca Lê Thuần, Chủ tịch Liên hiệp Các hội VHNT TP.HCM phát biểu tại lễ sơ kết 6 tháng đầu năm 2011 của tổ chức này)

Nhiều người không hiểu vì sao những cái tên như Phương My với clip ca khúc “thảm họa” Nói dối, Phi Thanh Vân với Da nâu… dù bị xem là “tội đồ” trong việc “xả rác” vào nhạc Việt, làm trò cười chẳng hay ho gì, vẫn tồn tại! Câu trả lời thật đơn giản: Họ chẳng cần biết nổi tiếng hay tai tiếng, được chú ý là họ đã “sướng”. Vì chỉ cần bỏ ít tiền làm vốn thực hiện, cho mọi người nghe chùa, rồi khoanh tay cười khẩy chờ những cú click chuột, dù là “like” (thích), hay “dislike” (không thích), họ vẫn ung dung kiếm được lợi nhuận đổ vào túi.

Công bằng mà nói, đã có những người nổi tiếng thật từ việc hát chơi này khi được truyền thông phát hiện như Thùy Chi, Thái Trinh, Mai Quốc Việt... Nhưng lại có người “nhân danh” quyền được hát chơi, núp bóng hát chơi để chọn “đường tắt”, tung lên mạng những sản phẩm với một chiến lược “phát triển sự nghiệp” hẳn hoi. Khi được chú ý, họ lại được các bầu show mời đi hát để đáp lại sự tò mò của một bộ phận khán giả hiếu kỳ, thích được cười khi nghe những ca khúc quái chiêu. Các ca sĩ dạng này còn thu được tiền nhạc chuông, nhạc chờ từ các hãng điện thoại, công ty cung cấp dịch vụ khi bài hát, clip của họ được tải về nhờ đánh vào sự “ham vui” của người nghe.

Bắt tay chống nhạc rác

Nhiều nhạc sĩ như Dương Thụ, Phú Quang, Quốc Trung, Anh Quân, Lê Quang… đã lên tiếng rằng “nhạc rác tự sinh rồi sẽ tự diệt” vì người nghe sẽ mau chóng quên ngay. Thế nhưng, quên bài này, khán giả lại nghe và “thích” tiếp bài nhạc rác khác do những “ca sĩ” ấy tiếp tục thải ra. Bằng chứng là “những nhà sản xuất rác chuyên nghiệp” không dừng lại, vẫn ung dung sản sinh tiếp những thảm họa mới như Phi Thanh Vân “dội” liên tiếp Da nâu 2, Da nâu 3, Tâm hồn vĩnh cửu; cô nàng Phương My với Em sợ mất anh…

Đã có nhiều diễn đàn, nhiều cuộc tọa đàm đưa ra giải pháp làm sao để trong sạch hóa môi trường âm nhạc, nhưng rồi chẳng đi đến đâu khi các cơ quan quản lý đùn đẩy trách nhiệm cho nhau và chưa thật sự vào cuộc. Vì thế, “đại dịch” này đang và có nguy cơ sẽ lan truyền tiếp tục mỗi ngày nếu không được chấn chỉnh mạnh tay từ trên xuống dưới. Thiết nghĩ, nếu “người bán” là các ca sĩ tung thảm họa, đem hàng ra “chợ nhạc mạng” bán, “ban quản lý chợ” - các trang web - không cho hàng vào vì hàng kém chất lượng, thậm chí có mùi xú uế thì làm sao “hàng” được vào chợ để đến với người mua - khán giả. Cơ quan quản lý cấp trên nếu xử mạnh tay ngay khâu này chắc chắn sẽ hạn chế được phần nào. Không chỉ trách nhiệm ở mỗi khán giả - “người tiêu dùng” - phải tự ý thức không xài hàng kém chất lượng, mà “hệ thống phân phối, siêu thị, chợ nhạc mạng” phải kiên quyết chỉ đăng tải ca khúc, clip đã được cấp phép ban hành, đồng thời kiểm duyệt nghiêm ngặt nội dung từ khâu post của các thành viên trước khi cho xuất hiện trên trang của mình.

Ngoài ra, nên trao quyền cho sở VH-TT-DL các tỉnh, thành không cấp phép biểu diễn trong mọi chương trình, không cấp phép phát hành băng đĩa ra thị trường cho những gương mặt, cái tên có trong “danh sách đen” tung thảm họa (lấy từ phản ảnh của truyền thông) thì có lẽ, những ai muốn theo nghề ca hát nghiêm túc sẽ không dám tung thảm họa dưới bất cứ hình thức nào nữa trong thời gian tới.

Phan Cao Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.