Cuộc đối đầu mới của giới tình báo

09/09/2020 09:00 GMT+7

Nỗ lực phát triển vắc xin phòng bệnh Covid-19 đang thổi bùng cuộc đối đầu mới giữa gián điệp các nước nhằm tranh giành kết quả nghiên cứu.

Đại dịch Covid-19 đang thúc đẩy một trong những sự chuyển biến mạnh mẽ và nhanh chóng nhất từng diễn ra vào thời bình của mảng tình báo, buộc các thế lực phải lao vào cuộc chiến gián điệp và phản gián nhằm giành lợi thế trong lĩnh vực nghiên cứu vắc xin, theo tờ The New York Times.

Trong vòng vây của tình báo

Phía tình báo Mỹ cho biết các tin tặc Trung Quốc từng muốn đánh cắp thông tin của Đại học Bắc Carolina (Mỹ) và các viện đại học Mỹ đang nghiên cứu vắc xin Covid-19. Còn tình báo Nga đang đối mặt với cáo buộc tìm cách lấy đi dữ liệu nghiên cứu của các trường đại học Mỹ và các tổ chức ở Canada, Anh, theo kết luận của Cơ quan Tình báo G.C.H.Q (Anh).
Trong khi đó, tình báo Mỹ cho hay cũng phát hiện các mối đe dọa an ninh mạng xuất phát từ Iran, nhằm theo đuổi mục tiêu tương tự. Bên cạnh các trường đại học, một số hãng công nghệ sinh học Mỹ cũng hứng chịu những đòn tấn công của tình báo nước ngoài trong thời gian qua, bao gồm Gilead Sciences, Novavax và Moderna. Tại châu Âu, phía tình báo Anh cho hay Đại học Oxford và đối tác AstraZeneca đang lọt vào tầm ngắm của tin tặc.
Theo các nhà quan sát, mọi cơ quan tình báo của các thế lực chủ chốt trên toàn cầu đều muốn tìm hiểu đối phương đang làm gì và đã đạt được những gì trong cuộc chạy đua nhằm điều chế vắc xin Covid-19.
 Cho đến nay, vẫn chưa có tổ chức hoặc viện nghiên cứu nào xác nhận đã bị trộm dữ liệu nghiên cứu Covid-19. Hiện chỉ có hai nhóm tin tặc bị Mỹ nêu đích danh là S.V.R. Cozy Bear (Nga) và bộ đôi Lý Khiếu Vũ - Đổng Gia Trí (Trung Quốc). Trong đó, S.V.R. Cozy Bear từng bị phát hiện xâm nhập hệ thống máy chủ thuộc chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ vào năm 2016, theo Đài ABC News. Về phần hai tin tặc Trung Quốc, Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng họ là nhân viên hợp đồng của Bộ An ninh nhà nước Trung Quốc và đã thực hiện nhiều cuộc tấn công mạng trong 10 năm qua.

Chạy đua vì vắc xin

Giới chức Mỹ đang nhanh chóng triển khai các biện pháp bảo vệ kết quả nghiên cứu của các trường đại học và hãng dược phẩm. Còn tình báo NATO, lâu nay vốn tập trung theo dõi những chuyển động liên quan đến binh lực Nga, giờ đây lại tìm cách phòng ngừa nguy cơ tin tặc Nga trộm dữ liệu nghiên cứu vắc xin của châu Âu.
Có thể so sánh diễn biến hiện tại với cuộc đua vào vũ trụ trong thời Chiến tranh lạnh, khi đó Liên Xô và Mỹ dựa vào thông tin do tình báo cung cấp để bám sát hành động của đối phương. Tuy nhiên, nếu cuộc đua năm xưa nhằm xác định quốc gia đầu tiên bay vào không gian và đặt chân lên mặt trăng, nỗ lực lần này nhằm thu hoạch dữ liệu về các tiến triển trong điều trị và phòng ngừa Covid-19 trong bối cảnh nhu cầu về vắc xin mỗi ngày càng thêm cấp bách hơn.
“Thật ngạc nhiên nếu họ (Trung Quốc) lại không tìm cách đánh cắp nghiên cứu y khoa có giá trị nhất của Mỹ (về vắc xin Covid-19)”, theo trang csis.org dẫn lời ông John C.Demers, quan chức hàng đầu của Bộ Tư pháp Mỹ. Theo quan chức này, phần thưởng lớn nhất trong cuộc đua mới không chỉ là lợi nhuận khổng lồ, mà còn “vô giá” về khía cạnh địa chính trị và uy thế quốc gia.
Mỹ nghi ngờ WHO và Trung Quốc
Reuters hôm qua dẫn thông báo từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho hay đang chia sẻ thông tin và tiến hành thảo luận với Trung Quốc về các yêu cầu phê duyệt quốc tế đối với bất kỳ loại vắc xin Covid-19 nào được nước này điều chế. Trong khi đó, tình báo Mỹ đã phát hiện âm mưu của tin tặc Trung Quốc từ đầu tháng 2 và cáo buộc chính quyền Bắc Kinh sử dụng thông tin của WHO để chỉ đạo các âm mưu thu thập dữ liệu nghiên cứu về vắc xin ở Mỹ và châu Âu, theo The New York Times.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.