Cuộc đời kỳ lạ của một cựu hoa khôi - Bài 4: Tình người...

25/02/2006 23:57 GMT+7

“Em không thể nào tưởng tượng được một con người đã bỏ đi như mình mà vẫn được nhiều người quan tâm và lo lắng đến thế. Em cứ đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Và em hiểu, cuộc sống này vẫn tiếp diễn, em phải sống đến những ngày cuối cùng một cách có ý nghĩa”. Lâm Uyển Nhi đã nói như vậy sau khi chứng kiến những gì đã xảy ra những ngày gần đây bằng một giọng nghẹn ngào nhưng tràn đầy niềm tin và hạnh phúc...

Câu đầu tiên mà bà Nguyễn Thị Phương, Giám đốc Trung tâm Giáo dục lao động xã hội số 2 Hà Nội phát biểu khi chúng tôi trở lại nơi này là: "Có hai ông khách rất đặc biệt, một già, một trẻ, mỗi người cầm một tờ báo Thanh Niên, nằng nặc đòi vào thăm Lâm Uyển Nhi. Không thể từ chối, tôi phải cho vào vì họ từ tận TP.HCM ra và đập cửa trung tâm lúc gần nửa đêm!".

Người đó là một chủ thầu xây dựng tên B., năm nay ngoài 40 tuổi. Câu chuyện mà Lâm Uyển Nhi kể về con người nhân hậu và sâu sắc này nghe giống như một chương tiểu thuyết...

Năm 1990, khi còn ở TP Nha Trang, Nhi đau ruột thừa, phải vô bệnh viện mổ. Giường kế bên có một thanh niên trẻ, anh ta làm nghề xây dựng và đang tham gia thi công một khách sạn lớn có tên là Anamara ở Nha Trang. Một tai nạn đã khiến anh này bị chấn thương phải vào viện điều trị. Một tuần nằm viện trôi qua không để lại ấn tượng gì, Nhi về nhà phụ mẹ bán phở và quên chàng trai tên B. mà cô gọi bằng chú, anh cũng trở lại với công trường.

Không ai ngờ rằng mười lăm năm sau, Nhi lại có thể tái ngộ con người ấy với một hoàn cảnh thật éo le. "Hôm ấy đã hơn 9 giờ tối", Nhi nói. "Khi bảo vệ gọi em ra ngoài cổng có người nhà đến, em mừng quá, không kịp xỏ dép, cứ chân đất chạy ra. Nghĩ là mẹ ra thăm, nhưng không, có một người đàn ông đứng ngay cổng. Em nhận ra ngay. Ngày xưa anh ấy đẹp trai, hay cười và có một cái răng dài, bây giờ anh ấy đã già đi, tóc bạc hết, mập ra, hiện vẫn chưa lập gia đình. Anh ấy nói rằng ảnh yêu em từ ngày ấy mà không dám nói, hôm rồi đọc báo, đang làm công trình ở Vũng Tàu, liền đặt vé máy bay ra ngay Hà Nội rồi mướn taxi lên thăm em ngay trong đêm. Anh ấy ngẩn ra nhìn em, rồi hỏi: "Em nghiện thật à, em làm nghề như thế sao?". Rồi anh ấy nói không sao hết, gặp được em là mừng rồi".

Nhi cười, một nụ cười hạnh phúc nở trên khuôn mặt đã có những dấu hiệu của bệnh tật, cô nói tiếp thật hào hứng: "Ảnh nói rằng nếu ra Hà Nội lần nào, sẽ đến thăm em lần ấy. Ảnh mang theo một chiếc áo khoác tặng em, lại ngỏ ý muốn cho em mấy trăm ngàn để tiêu vặt nhưng lúc đó căng-tin đóng cửa, mà theo quy định học viên không được cầm tiền mặt của người nhà cho".

"Báo Thanh Niên đăng rõ ràng em bị bệnh (AIDS - TN), nhưng ảnh chẳng sợ hãi gì cả, cứ nắm tay nắm chân em và khóc. Ảnh nói đi nói lại rằng ảnh yêu em, ảnh thương em lắm. Rồi khi vui trở lại, ảnh lại chê em mập ra và xấu hơn trước. Em không tưởng tượng ra được trên đời này còn có những người tốt và sống nội tâm, sâu sắc đến thế, ảnh nói rằng khi nào có dịp đi Nha Trang, ảnh sẽ ghé nhà em và xin giấy ủy quyền của mẹ để được thăm nom em thường xuyên hơn. B. nói em cứ cố gắng học tập, trị bệnh, khi nào được ra mà lại muốn về Nha Trang thì ảnh sẽ đón mẹ con em. Em xúc động quá, nhưng tiếc là lúc ấy khuya lắm rồi, không thể nói được nhiều chuyện. Em trở vào, còn anh ấy ra cổng cứ đứng nhìn theo em mãi. Em về phòng, kể với mọi người, các chị lúc đầu không tin, sau đã tin rồi thì chọc em, thế là mày không sợ phải chết một mình nữa, có người đưa ma rồi. Anh ấy còn ghẹo em, thế cái thằng nhỏ ba tuổi báo đăng, nó ở đâu ra vậy. Em xấu hổ quá, ảnh nhớ em suốt mười lăm năm, còn em thì đã trở thành hư hỏng, xấu xa như thế này".

"Em cứ đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ kia", Nhi tiếp,  "Anh B. về được mấy hôm, thì một buổi trưa, có một ông lão từ Hà Đông đạp xe tới. Bác ấy có lẽ phải 60 tuổi hoặc hơn, cầm tờ báo trên tay hỏi đường tới trung tâm hai lần mới thấy. Bác này cũng họ Lâm như em, cứ hỏi đi hỏi lại gốc gác ở đâu, ba má có phải người Bắc không, biết đâu xa xưa lại là họ hàng. Bác ấy cứ nói đi nói lại là trông em khỏe mạnh thế này, sao không xét nghiệm lại, biết đâu không việc gì. Em nói em chắc chắn dính bệnh rồi, thì bác ấy lại mời em về ở nhà bác ấy, nhà cửa đất đai rộng, mọi người trong gia đình cũng đọc báo và đồng ý. Em chẳng biết nói làm sao cho phải, cứ ngớ người ra trước lòng tốt của mọi người. Thế mà trước đó, em từng nghĩ cuộc đời mình thế là hết... Nói chuyện với em đến trưa, bác ấy lại lên xe đạp về. Em hạnh phúc quá, em không nghĩ một người bỏ đi như mình, lại vẫn được nhiều người nhớ đến và thông cảm, chia sẻ đến thế. Tuy nhiên, em vẫn khát khao một điều mà chưa đạt được, đó là sự tha thứ của gia đình, em chỉ muốn, trước khi chết, được về lại nơi mình đã sinh ra, để được gục đầu vào lòng mẹ, và nói với mẹ những lời ăn năn, để được mẹ bỏ qua cho những lỗi lầm của mình. Nhưng em không hiểu vì sao, đến bây giờ em vẫn chưa nhận được hồi âm của nhà". Nhi trầm ngâm, hai dòng nước mắt từ từ ứa ra và lăn trên khuôn mặt dù đã tàn phai nhưng vẫn phảng phất nét kiêu sa, xinh đẹp...

Lưu Quang Phổ - Quang Duẩn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.