Cuộc đời kỳ lạ của một người Nga tại Việt Nam - Kỳ cuối: Diễn viên điện ảnh bất đắc dĩ

09/01/2007 23:28 GMT+7

Tài sản mất hết, visa không được cấp, không nhà ở. Tôi như chết từ lâu rồi", Slava nói vậy về một thời đã qua. Nhưng anh bảo anh vẫn vượt qua được, bất chấp tất cả. Để có tiền sống, anh tích cực dịch tài liệu, dịch sách thuê. Nga, Anh, Pháp, Việt... chủ yếu là dịch từ Việt sang Nga, anh đều làm tất, mỗi trang được thù lao 3USD, cũng đắp đổi qua ngày.

Tất cả những đổi thay trong cuộc sống của anh đều xảy ra nhanh chóng, đến mức chính con người thích táo bạo, thích mạo hiểm như anh cũng cảm thấy bất ngờ. Đang miệt mài dịch thuật, bỗng dưng người ta thấy anh xuất hiện trên phim.

Slava kể, anh trở thành diễn viên điện ảnh trong một hoàn cảnh hết sức tình cờ. Có một người chuyên đóng người Mỹ trong các phim về chiến tranh VN, anh Robert Hải, đột ngột qua đời. Các nhà làm phim thấy anh chàng người Nga có thể tham gia đóng các vai tương tự, nên mời anh đóng phim. Vậy là Slava trở thành diễn viên bất đắc dĩ. Tất nhiên anh chàng không từ chối cơ hội... vui vẻ này.

Tính đến nay anh đã thực hiện tổng cộng 7 bộ phim, phim nhựa có, phim truyền hình nhiều tập có. "Chừng nào các nhà đạo diễn còn cần "lính Mỹ" thì tôi còn đóng phim", Slava cười.

Cuốn phim lần đầu tiên anh đóng có tựa đề là Cửa ngõ. Trong phim anh đóng một vai rất oai - "Đại tá CIA". Ông "đại tá" phải đi qua, đi lại nhiều lần để kiểm tra lính tráng và suy ngẫm về cuộc chiến tranh VN, ông hút thuốc lá liên tục. Khi xong cảnh quay này,  tính ra ngày hôm đó Slava đã đốt tổng cộng 3 gói thuốc lá. Các phim còn lại, vai của anh thường là lính Mỹ, lính Pháp. Những năm gần đây cuộc sống đi đóng phim rày đây, mai đó trở thành niềm vui của anh, thu nhập cũng không đến nỗi nào.

Có khá nhiều chuyện đáng nhớ trong đời làm diễn viên của anh chàng người Nga này, dù anh vào nghề chưa lâu. Slava kể, trong một bộ phim nói về cuộc chiến đấu kiên cường của du kích Củ Chi, anh được phân đóng vai lính Mỹ đội mũ sắt đứng gác trong đêm, bất ngờ bị một cô du kích địa đạo đập báng súng vào đầu, té từ trên cao 2 mét xuống đất.

Slava nhấp một hớp rượu, rồi kể tiếp: "Bị đánh xong tôi nghe ù tai, ê cả người. Vậy mà ông đạo diễn bảo đánh nhẹ quá, chưa đạt, phải làm lại. Đánh lần nữa đạo diễn cũng chưa hài lòng, lại bảo không đủ ánh sáng. Tức quá, tôi bảo: Mẹ..., ánh sáng cho đầy đủ đi, rồi đánh cho đàng hoàng vào! Đánh đến lần thứ tư tôi té xuống và... không biết gì nữa". Chuyện phim làm Slava vui hẳn: "Cảnh quay đó tôi được thù lao một ngày 500.000 đồng. Cũng khá. Đóng đại chứ có học hành gì đâu. Nhưng nghe ra cũng giống lính Mỹ lắm, không đến nỗi nào".

Anh lại kể, một lần khác anh đóng vai một lính Mỹ bị bắt trong bộ phim Những ngày vẫn có mặt trời, bộ phim mà Slava cho là "nhân đạo nhất và hay nhất" trong số 7 bộ phim mà Slava đã đóng. Trong phim, anh lính Mỹ bị nhốt dưới hầm địa đạo. Trong hầm nước ngập tới cổ, có con chuột bò ngang qua mặt, qua đầu, "khiếp lắm" nhưng không cục cựa. Hầm bị bom. Du kích tưởng anh chết rồi nên bỏ đi. Anh trốn ra, về Mỹ và 15 năm sau quay lại VN gặp cô du kích năm xưa... Cảnh gặp lại cô du kích, Slava phải hóa trang thành người thường dân Mỹ má hóp, tóc bạc. Quay xong cảnh này, trời tối anh chạy vội về nhà, không kịp chùi râu, gội tóc. "Con gái tôi ra mở cửa, nhìn thấy tôi trong bộ dạng lạ lùng, nó khóc thét lên", Slava lại cười.

Mới bén duyên làm phim không lâu, Slava lại chuyển đổi nghề, làm trợ lý cho một công ty ở quận 12, TP.HCM. Công việc của anh ở công ty này là sáng tạo những mô hình xe ô tô, xe tải, xe tăng, máy bay, xe lửa, thuyền buồm... bằng giấy carton. Người chơi chỉ việc cắt theo đường vạch in sẵn trong giấy và ráp theo mô hình cũng được in sẵn.

Chúng tôi đồng ý với Slava khi anh cho rằng đây là trò chơi trí tuệ rất có ích cho việc phát triển trí não, óc sáng tạo của trẻ em và có thể giúp người lớn giải trí trong thời gian rảnh rỗi. Loại mô hình này đã phát triển ở châu u mấy chục năm nay, nhưng với VN, Slava cam đoan là chỉ mới xuất hiện lần đầu.

Tôi hỏi: "Vì sao anh lại có ý nghĩ chọn cái nghề chưa hề phổ biến ở VN?", Slava giải thích: Hồi nhỏ ở Nga, tất cả những việc lặt vặt trong nhà như sửa điện, sửa xe, sửa máy điều hòa, sửa nhà... đều do một tay anh làm lấy, không cần đến thợ. Anh có cậu con trai 12 tuổi hiện đang ở với anh, sửa chiếc xe đạp cũng không xong, và hoàn toàn không biết cái nào gọi là cờ-lê, cái nào là mỏ-lết. Anh bảo, sợ rằng một ngày nào đó con người sẽ bị... "vi-tính hóa" mất, không biết làm một việc tay chân gì. Ý nghĩ đó thôi thúc anh nghĩ ra cái trò chơi này. Theo anh, trò chơi đó vừa mang tính giải trí lành mạnh, lại vừa giúp phát triển khả năng sáng tạo, sự kiên nhẫn, khéo léo và trí thông minh, rất cần thiết cho các em học sinh tuổi tiểu học. Slava cho biết, ở các nước phát triển, một mô hình mẫu được tạo ra sẽ được các công ty mua không dưới giá 5.600 USD/mẫu. Nhưng ở VN anh thiết kế, sáng tạo mẫu trong một tháng, công ty chỉ trả anh vài trăm USD. Do không có tiền, và cũng không đủ kiên nhẫn chờ đợi nên sản phẩm mô hình sáng tác của anh không được đăng ký bản quyền theo luật định. Có nghĩa là rủi ro rất cao nếu mẫu mô hình bị ai đó... ăn cắp.

Chúng tôi có cảm giác công việc sáng tác, kinh doanh mô hình giấy carton cắt ráp của anh rồi sẽ... không đi đến đâu. Và rồi anh sẽ thêm một lần nữa khốn khổ vì cái tính "sợ thì chết" kiểu Thành Cát Tư Hãn, vốn đã ăn sâu vào máu thịt anh. Bởi như anh nói, cho đến nay vẫn chưa có nơi nào bao tiêu sản phẩm trí tuệ này. Và hôm gặp chúng tôi anh còn cho biết, công ty mà anh đang làm trợ lý vẫn còn nợ anh 2 tháng lương. Sản phẩm làm ra, anh phải chạy đôn chạy đáo nhờ các nhà sách trong thành phố cho ký gửi hàng. Biết được nhược điểm này, các nhà sách đòi anh trả huê hồng 40% cho một mô hình bán ra, một đòi hỏi quá ư... cắt cổ.

"Trừ công việc ngoại giao, hầu như công việc nào cũng không mang lại cho anh điều mong muốn?", chúng tôi nói với Slava như vậy và có ý muốn Slava cân nhắc khi đầu tư công sức cho "mô hình cắt ráp", một lĩnh vực còn rất mới và cũng chưa có lối ra. Nhưng dường như Slava không quan tâm. Anh vẫn vậy, trước sau vẫn trung thành với phương châm sống "Sợ thì đừng có làm. Làm thì đừng có sợ. Sợ thì chết" của Thành Cát Tư Hãn tự thuở xa lắc, xa lơ nào.

Những mô hình cắt ráp do Slava thiết kế

Nguyên Thủy - Hải Việt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.