Cuộc đua tử thần giữa bầu trời

19/09/2011 06:12 GMT+7

Tai nạn chết người nghiêm trọng vừa xảy ra ở Mỹ có thể đe dọa đến tương lai của giải thi đấu hồi hộp nhất hành tinh: đua máy bay tốc độ tại Reno.

Khi chiếc P-51 Mustang rung lắc một cách điên cuồng trong nỗ lực lên được độ cao thích hợp vào chiều ngày 16.9 ở sân bay Stead, thành phố Reno, những người chăm chú theo dõi giải đua máy bay tốc độ tại tiểu bang Nevada đã giật mình với linh tính chẳng lành. Sau đó vài giây, mọi chuyện ập đến. Chiếc máy bay từ thời Thế chiến 2, có biệt danh hoa mỹ là “Cadillac của bầu trời”, đã nhào xuống gần chỗ đám đông phía dưới. Trong lúc va chạm với mặt đất, chiếc P-51 Mustang đã khoét một hố sâu đến 1m gần khán đài chính. Chiều 17.9 (giờ địa phương), thống kê cho thấy số người chết đã lên tới 9, trong đó có phi công lão luyện Jimmy Leeward, 74 tuổi, từng tham gia thi đấu từ năm 1975. Tổng cộng ít nhất 54 người phải nhập viện, theo Reuters.


Chiếc P-51 Mustang của Jimmy Leeward (ảnh nhỏ) đã nổ tung khi đâm xuống đất gần ngay đám đông tụ họp - Ảnh: Reuters

Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Mỹ (NTSB) đang đánh giá hiện trường để đưa ra kết quả cuối cùng về nguyên nhân gây tai nạn. Tuy nhiên, CNN dẫn nguồn tin ban đầu cho thấy có vẻ như chiếc máy bay xấu số bị trục trặc và mất một phần đuôi khi ở trên không. Cũng vào ngày 17.9, một chiếc máy bay cũ của quân đội Mỹ đã có kết thúc thảm thương bằng cú nổ trên không trong lúc biểu diễn tại Martinsburg, bang West Virginia. Phi công thiệt mạng.

Giải F1 trên không

Vụ việc vào ngày 16.9 là một trong những tai nạn chết người thảm khốc nhất trong lịch sử môn đua máy bay tại Mỹ. Mức độ nguy hiểm của “môn thể thao đua động cơ nhanh nhất thế giới”, như giới hâm mộ thường gọi, một lần nữa đã làm dấy lên những câu hỏi rằng liệu có đáng đánh cược mạng sống để chứng kiến những cảnh đua thót tim trên bầu trời hay không?

Để dễ hình dung, đua máy bay giống như giải đua xe Nascar hay F1 trên không, với những phi công dày dạn cố gắng bứt phá trên đường đua ở độ cao thấp, được đánh dấu bằng những cột cao. Tốc độ có thể lên đến hơn 800 km/giờ, và đôi khi có những cảnh bay sát rạt đến nỗi người yếu tim chắc hẳn không thể mở mắt chứng kiến được trận thi tài. Thực tế cho thấy những lần đua tài và biểu diễn có thể kết thúc bằng hậu quả thảm khốc cho cả phi công lẫn người đang thưởng lãm dưới đất. Có thể kể đến sự kiện vào ngày 27.7.2002, với 77 người thiệt mạng và 543 người bị thương sau khi một máy bay chiến đấu đâm sầm vào đám đông trước khi nổ tung trong một buổi diễn tại căn cứ không quân Sknyliv của Ukraine. Tuy nhiên, các phi công đã kịp thời thoát khỏi máy bay bằng ghế bật và sống sót. Một sự kiện chết chóc khác xảy ra vào tháng 8.1988, khi có đến 70 người thiệt mạng trong lúc xem thi đấu tại căn cứ không quân Mỹ tại Ramstein, Tây Đức. Vào lần này, 3 phản lực cơ của Ý đâm vào nhau và rơi xuống đám đông. Hàng trăm người trong số 350.000 khách tham quan đã bị thương rất nặng.

Cơ quan Quản lý hàng không Mỹ (FAA) cũng thực hiện một số công tác quản lý đối với những sự kiện đua máy bay như ở Reno, chẳng hạn như nhà tổ chức phải trình bày trước FAA về nơi những người tham quan sẽ được bố trí đứng xem, cũng như sự hiện diện của các thiết bị cấp cứu. Thế nhưng, điều này không ngăn cản các tai nạn chết người vẫn tiếp diễn. Kể từ khi giải thi đấu trên được tổ chức tại Mỹ từ năm 1964, đã có 19 tai nạn chết người chỉ liên quan đến phi công, trong đó có một lần 3 phi công thiệt mạng trong 3 vụ riêng rẽ, dù sự kiện chỉ diễn ra 4 ngày. Ngày 16.9 cũng là lần đầu tiên tai nạn trên đường đua đã khiến người xem thiệt mạng.

Lợi nhuận hấp dẫn

Bất chấp danh sách tử vong kéo dài, các cuộc thi tài vẫn diễn ra đều đặn mỗi năm, chủ yếu là do khía cạnh lợi nhuận dồi dào cho nền kinh tế. Ví dụ, thành phố Reno thu hàng chục triệu USD tiền lời hằng năm từ hoạt động đua máy bay, còn phi công thắng cuộc sẽ lãnh trọn giải thưởng 1 triệu USD. Sự hào hứng tột bậc khi chứng kiến những cuộc đua tài trên không đã làm nhiều người nghĩ rằng cũng đáng để mạo hiểm. Báo The New York Times dẫn lời Marcy Klatt, người hâm mộ nhiệt thành môn đua tốc độ này, cho rằng không có lý do nào lại hủy bỏ các cuộc đua máy bay chỉ vì những sự cố như trên, vì chẳng ai có thể bảo đảm mình an toàn trước mọi rủi ro trong đời sống hằng ngày. “Ngay như tôi ngồi vào xe và lái ra đường cũng là một nguy cơ rồi. Bạn có thể bị xe tông khi qua đường, hoặc ngã xuống giường gãy cổ”, ông Klatt ví dụ, và thêm rằng điều cần thiết là phải tuân thủ các quy tắc an toàn. Còn theo Michael Houghton, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành giải đua máy bay Reno Air, khi điều khiển máy bay là đã đối mặt với rủi ro lúc cất cánh và hạ cánh. Mọi yếu tố liên quan sẽ được cân nhắc trước khi đưa ra kết quả cuối cùng, theo AP dẫn lời ông Houghton trả lời về câu hỏi liệu đã đến lúc nên chấm dứt những cuộc đua rùng rợn như thế này hay không.

Thụy Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.