Cuộc đua vũ khí siêu thanh

03/05/2018 08:30 GMT+7

Mỹ, Nga và Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư vào phát triển vũ khí siêu thanh (vượt tốc độ âm thanh), thậm chí bội siêu thanh (trên gấp 5 lần tốc độ âm thanh), với nhiều mục tiêu khác nhau.

Lầu Năm Góc đang tiến hành 3 chương trình phát triển vũ khí thế hệ mới. Một là Vũ khí siêu thanh tối tân lần đầu tiên được thử nghiệm vào năm 2011. Hai là thiết bị bay siêu thanh (HGV) mang tên Vũ khí đẩy - lướt chiến thuật có thể đạt đến vận tốc 20.921 km/giờ (Mach 20, tức cao gấp 20 lần vận tốc âm thanh) và sẽ được gắn vào tên lửa. Ba là chương trình Phát triển động cơ siêu thanh toàn diện.
Mới đây, không quân Mỹ ký kết hợp đồng trị giá 1 tỉ USD với Hãng Lockheed Martin để phát triển tên lửa hành trình siêu thanh dùng cho máy bay ném bom và chiến đấu cơ. Mỹ cũng đang theo đuổi chương trình Tấn công toàn cầu nhanh chóng bằng vũ khí thông thường nhằm phát triển thế hệ tên lửa hành trình bội thanh có khả năng tấn công bất kỳ mục tiêu nào trên thế giới chỉ trong vòng 1 giờ. Bên cạnh đó, quân đội Mỹ muốn đẩy mạnh phát triển vũ khí siêu thanh dễ dàng qua mặt tất cả hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa như S-400 của Nga.
Lầu Năm Góc lâu nay vẫn khẳng định nước này chỉ theo đuổi chương trình vũ khí siêu thanh thông thường. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho biết quân đội các nước trên thế giới khó có thể xác định chính xác HGV là loại vũ khí thông thường hay hạt nhân. Ngoài ra, HGV còn có thể tự hành, không phụ thuộc vào hệ thống định vị GPS để dẫn đường và không bị ảnh hưởng bởi các thiết bị phá sóng.
Chọc thủng mọi lá chắn
Ý tưởng chọc thủng mọi lá chắn phòng thủ tên lửa cũng là mục tiêu chính trong chương trình phát triển vũ khí bội thanh của Nga. Tuy nhiên, các nhà phân tích vẫn chưa rõ vũ khí siêu thanh của Nga là thông thường hay hạt nhân. Nga đang phát triển ba hệ thống vũ khí, bao gồm tên lửa hành trình diệt hạm siêu thanh 3M22 Zircon (hay Tsirkon). Bộ Quốc phòng nước này tuyên bố thử nghiệm thành công 3M22 Zircon (vận tốc Mach 7, tầm bắn 241 - 434 km) vào năm 2017 và tên lửa này sẽ được trang bị cho cả chiến hạm và tàu ngầm.
Moscow cũng đang phát triển HGV Yu-71 và Yu-74. Với tốc độ 11.200 km/giờ (khoảng Mach 9). Yu-71 sẽ được trang bị cho tên lửa hoặc mẫu máy bay ném bom tàng hình chiến lược thế hệ mới của Nga Tupolev PAK-DA (dự kiến được đưa vào hoạt động năm 2025). Cả Yu-71 và Yu-74 đều có thể được phóng ra từ tên lửa đạn đạo liên lục địa tối tân Sarmat, vốn có tầm bắn 10.000 km. Trong thông điệp liên bang ngày 1.3, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã giới thiệu tên lửa không đối đất KH-47M2 Kinzhal có tầm bắn 2.000 km và vận tốc Mach 20.
Công ty phân tích tình báo toàn cầu Stratfor nhận định hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ và đồng minh sẽ trở nên vô dụng trước Yu-71 và Yu-74. Mặc dù thông tin về Yu-71 và Yu-74 được giữ tuyệt mật, nhưng các tài liệu rò rỉ gần đây cho thấy những cuộc thử nghiệm hai loại HGV này đều thất bại. Thậm chí nếu không thể triển khai Yu-71 và Yu-74 thì Nga vẫn có thể chọc thủng lá chắn tên lửa của Mỹ và đồng minh bằng tên lửa mới KH-47M2 Kinzhal.
“Sát thủ diệt tàu sân bay”
Trong cuộc chạy đua vũ khí siêu thanh, Trung Quốc nhiều khả năng đã triển khai DH-17 (trước đây được gọi là WU-14), một loại HGV với tốc độ Mach 5. Quân đội nước này dự kiến sẽ trang bị DH-17 cho tên lửa DF-21D, được mệnh danh là “sát thủ diệt tàu sân bay”, có thể trở thành mối đe dọa đối với hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis của Mỹ.
Các nhà phân tích đánh giá mục tiêu duy nhất trong chương trình vũ khí siêu thanh của Trung Quốc là nhằm xua đuổi nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ hoạt động tại Biển Đông và biển Hoa Đông. Trung Quốc dự kiến đưa vào hoạt động DH-17 trong năm 2020. Tiến sĩ Stephen Bryen, chuyên gia an ninh Mỹ, nhận định sự trỗi dậy của vũ khí bội siêu thanh chắc chắn là một thách thức an ninh mới, nhưng còn quá sớm để kết luận liệu rằng nó sẽ trở thành yếu tố thay đổi cục diện nếu xảy ra xung đột.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.