(Tin Nóng) Lính tàu ngầm Ấn Độ sống trong không gian chật hẹp, các ca làm việc kéo dài 16 - 18 giờ một ngày, luôn căng mắt căng tai theo dõi xem trên tàu có bị rò rỉ nước… Nói chung đây là môi trường không phải ai cũng có thể vượt qua được.
Huấn luyện trên 1 tàu ngầm Kilo của Hải quân Ấn Độ - Ảnh: AFP
|
Theo báo Times of India ngày 10.1, cuộc sống của lính thuỷ trên biển đã gian lao, cuộc sống dưới lòng biển bên trong tàu ngầm càng gian khó gấp bội. Bởi vậy độ tuổi trung bình của thuỷ thủ tàu ngầm Ấn Độ là vào khoảng dưới 27, luôn trải qua những kỳ hoạt động dưới lòng biển hàng tuần lễ.
Phục vụ trên tàu ngầm là không có chỗ để tung tăng đi dạo do không gian rất chật hẹp. Nhiệm vụ đầu tiên của lính tàu ngầm là luôn chú ý và bảo đảm rằng con tàu không bị rò rỉ nước vào trong. Thuỷ thủ dành 16 -18 giờ mỗi ngày để vận hành tàu, chia ra các khoảng thời gian ngắn ngủi để ngủ và thức canh chừng.
"Mật nhiều thời gian để thích nghi với điều kiện trên tàu ngầm. Cuộc sống trong cái ống kim loại này là không dễ dàng với thuỷ thủ, cũng như họ chẳng bao giờ đủ giường để ngủ. Thậm chí có khi họ ôm ngư lôi mà ngủ trong khoang phóng ngư lôi theo nghĩa đen”, một nguồn tin tiết lộ với báo Times of India.
Theo lời thuyền trưởng của một tàu ngầm, phòng sinh hoạt là rất ít trên tàu ngầm do không gian chật chội. "Vài sĩ quan, gồm thuyền trưởng và bếp trưởng còn có cơ hội để tắm. Còn lại các thuỷ thủ sẽ sử dụng loại quần short và áo sơ mi ngắn tay dùng một lần. Họ luôn đối phó với các điều kiện chật chội và bị giới hạn. Về mặt sức khoẻ thì thủy thủ tàu ngầm có tinh thần và thể chất mạnh hơn so với thuỷ thủ tàu mặt nước", một sĩ quan của tàu ngầm INS Veerabahu nói.
Không gian bên trong tàu ngầm rất chật chội - Ảnh: India Today
|
Khoang ngư lôi của tàu ngầm Nga bố trí cả giường ngủ cho thuỷ thủ - Ảnh: Diễn đàn lính tàu ngầm Nga
|
Ông cũng cho biết thêm các thủy thủ tàu ngầm còn nhận được trợ cấp đặc biệt, gọi là phụ cấp rủi ro đặc biệt so với các thủy thủ khác bởi vì công việc của họ là rất gian khổ.
Thủy thủ tàu ngầm cũng phải biết rõ đồng nghiệp của họ để có thể thực hiện các nhiệm vụ trong điều kiện khẩn cấp. Việc đào tạo cơ bản cho thủy thủ tàu ngầm được thực hiện tại Trường tàu ngầm và Trường Đào tạo thoát hiểm ở trường tàu ngầm INS Satavahana tại thành phố cảng Visakhapatnam. Đó là ngôi trường duy nhất ở Ấn Độ đào tạo thủy thủ tàu ngầm trong nước và cho các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.
Để có được huy hiệu Cá heo chứng nhận thuỷ thủ tàu ngầm, mỗi học viên phải vượt qua khoá huấn luyện thoát hiểm qua tháp tàu ngầm ở trường Satavahana.
Lói vào tàu ngầm từ tháp tàu ngầm đã nhỏ hẹp (ảnh: tàu ngầm Novorossiysk lớp Kilo 636.3 của Nga)
|
Và phải leo xuống khó khăn thế này - Ảnh: Diễn đàn lính tàu ngầm Nga
|
"Công việc của thuỷ thủ tàu ngầm đầy áp lực và trách nhiệm. Những người có tính cách và thái độ làm việc như một đội là phù hợp với công việc này. Đó là một đội ngũ làm việc theo nhóm (team work) và tất cả mọi người đều phải đóng góp vì một mục tiêu chung", một thuỷ thủ tàu ngầm không muốn nêu tên nói với báo Times of India.
"Chúng tôi được đào tạo thoát hiểm khẩn cấp nhằm cung cấp cho thủy thủ các kỹ năng ứng phó với mọi tình huống với thái độ bình tĩnh", một thuỷ thủ khác nói.
Tại trường đào tạo thoát hiểm, các thủy thủ được dạy bơi qua ống phóng ngư lôi ra ngoài và qua lối thoát hiểm của tàu ngầm. Định kỳ mỗi thuỷ thủ tàu ngầm phải kiểm tra sức khỏe y tế để có thể tiếp tục nhiệm vụ.
|
Bài báo trên tờ India Today ngày 28.12.2015 về đào tạo lính tàu ngầm ở trường INS Satavahana, có ảnh chụp bảng thông báo với quốc kỳ Việt Nam và ảnh tư liệu Bác Hồ thăm Ấn Độ. Nơi đây đang đào tạo khoá thuỷ thủ và sĩ quan tàu ngầm thứ 2 của Việt Nam
|
Ngày nay Ấn Độ đã tự đào tạo được thuỷ thủ cho tàu ngầm thông thường lẫn tàu ngầm hạt nhân. Thành phố cảng Visakhapatnam với quân cảng Vizag là cái nôi của lực lượng tàu ngầm Ấn Độ với đa số tàu ngầm thông thường và hạt nhân hiện diện tại đây cùng ngôi trường duy nhất đào tạo thuỷ thủ tàu ngầm.
Một tàu ngầm làm đài kỷ niệm tại quân cảng Vizag, thành phố Visakhapatnam, bang Andhra Pradesh - Ảnh: Wikimedia |
Khoang phóng ngư lôi trong tàu ngầm Kilo 636, các ống phóng này khi cần thiết sẽ là nơi để thuỷ thủ bơi thoát ra ngoài khi có sự cố trên tàu - Ảnh: Diễn đàn lính tàu ngầm Nga
|
Anh Sơn
>> Thăm trường Ấn Độ đào tạo quân nhân tàu ngầm Việt Nam
>> Tàu ngầm Kilo Ấn Độ ‘đánh chìm’ tàu ngầm hạt nhân Mỹ
>> Báo Nga: Công ty Ấn Độ thầu nâng cấp tàu săn ngầm của Việt Nam
>> Chuyện về kíp quân nhân tàu ngầm Nga sang Cam Ranh huấn luyện
>> Nga - Ấn hợp tác xây cơ sở sửa chữa tàu ngầm Kilo
>> Mạng Ấn Độ: Uy lực tên lửa Klub của tàu ngầm Kilo Việt Nam
Bình luận (0)