Cuộc sống người dân đảo lộn với công trình 8B Lê Trực

18/03/2016 09:11 GMT+7

Dự án 8B Lê Trực với nhiều sai phạm nghiêm trọng không chỉ gây ra những hệ lụy cho các cơ quan quan lý mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của những hộ dân sống dưới chân công trình này.

Dự án 8B Lê Trực với nhiều sai phạm nghiêm trọng không chỉ gây ra những hệ lụy cho các cơ quan quan lý mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của những hộ dân sống dưới chân công trình này.

Công trình 8B Lê Trực đang bị cưỡng chế cắt tầng 19 - Ảnh: Lê QuânCông trình 8B Lê Trực đang bị cưỡng chế cắt tầng 19 - Ảnh: Lê Quân
Công trình 8B Lê Trực ở phường Điện Biên, quận Ba Đình, TP.Hà Nội được cả nước biết đến, bởi xây dựng vượt chiều cao, sai phép hàng nghìn m2, bị cơ quan chức năng cưỡng chế phá dỡ. Nhiều cán bộ của cơ quan quản lý nhà nước đã bị kỷ luật, với các mức khiển trách, cảnh cáo, chuyển công tác, đuổi việc...
Tuy nhiên, không phải ai cũng quan tâm đến cuộc sống của những hộ dân sống xung quanh công trình tai tiếng này. “Đảo lộn hết cả sinh hoạt” là câu cửa miệng của nhiều người ở khu vực quanh dự án vì họ bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn, khói bụi từ việc hết xây lại dỡ.
Một số hộ dân sống tại tổ 12, cụm dân cư số 6, phường Điện Biên, quận Ba Đình cho biết: từ ngày dự án 8B Lê Trực khởi công, các gia đình tính từ số nhà 110 đến 188 Nguyễn Thái Học (sát công trình - NV) bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Không chỉ khói bụi thường xuyên mà đôi khi vữa xây của công trình rơi từ trên cao xuống, khiến cho người dân không ngày nào được yên.
Khi dự án dần hoàn thiện, nhiều người đã thở phào. Tuy nhiên, không lâu sau đó, cơ quan chức năng phát hiện sai phạm, yêu cầu phá dỡ, cưỡng chế thì việc này khiến cho người dân sống quanh đây càng thêm ngao ngán, vì chưa biết khi nào thoát khỏi cảnh ồn ào, khói bụi, nguy hiểm. Họ mong muốn công trình kết thúc thi công, phá dỡ càng sớm càng tốt để yên tâm sinh sống.
Chia sẻ với Thanh Niên, bà Hứa Thị Kim (54 tuổi) cho hay, người dân từ số nhà 110 đến 188 Nguyễn Thái Học phần lớn đều cảm thấy mệt mỏi khi phải sống dưới chân công trường xây dựng quá lâu. Gạch vụn, mảnh bê tông nhỏ rơi thường xuyên xuống mái nhà, nguy cơ rơi trúng đầu có thể xảy ra và ai sẽ là người chịu trách nhiệm?
Bà Trần Thị Năm, 62 tuổi, ở số nhà 104 Nguyễn Thái Học cho biết thêm, những hộ gia đình sống tại phố Nguyễn Thái Học, nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp của dự án 8B Lê Trực phần lớn đều có người già, trẻ nhỏ nên rất lo lắng.
8b-le-trucBên ngoài cửa sổ của nhà bà Kim sát với chân công trình 8B Lê Trực - Ảnh: Lê Quân
Đại diện Công ty CP May Lê Trực cho biết, hiện cơ quan chức năng vẫn tiếp tục cho người cưỡng chế phá dỡ tầng 19 của tòa nhà. Khi hỏi về phương án phá dỡ, vị này cho hay, vẫn chưa có.
Trước đó, Sở Xây dựng Hà Nội thống kê, đến cuối tháng 12.2015, tổng diện tích phá dỡ sàn mái tum mới đạt khoảng 120 m2, tiến độ phá dỡ chậm, không đảm bảo yêu cầu đề ra nên Sở đề nghị UBND thành phố chỉ đạo quận Ba Đình ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ. Trên cơ sở đề nghị này, UBND thành phố đã có thông báo yêu cầu Chủ tịch UBND quận Ba Đình căn cứ kết quả kiểm tra liên ngành để ban hành quyết định cưỡng chế tháo dỡ. Đến tháng 1, UBND Q.Ba Đình ra quyết định cưỡng chế sai phạm. Ngày 6.3 vừa qua, cơ quan chức năng đã triển khai cưỡng chế phá dỡ tầng 19 của tòa nhà.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.