Cưới lại vợ mình

Vũ Thơ
Vũ Thơ
08/07/2019 09:43 GMT+7

Cô dâu xinh như hoa, dắt tay người chồng khiếm thị, cười hạnh phúc lên làm lễ thành hôn. Họ đã có với nhau 4 đứa con và cô dâu đang mang bầu đứa con thứ 5...

Trong đám cưới tập thể dành cho những người khuyết tật vừa diễn ra tại Hà Nội, một cô dâu xinh như hoa, dắt tay người chồng khiếm thị, cười hạnh phúc lên làm lễ thành hôn. Họ đã có với nhau 4 đứa con và cô dâu đang mang bầu đứa con thứ 5...

Vợ chồng anh Đỗ Duy Thiết và chị Giang Thị Hoa rạng rỡ trong lễ cưới tập thể dành cho những người khuyết tật

Ảnh: V.T

Cuộc sống gian nan của người chồng mù

Đó là vợ chồng anh Đỗ Duy Thiết và chị Giang Thị Hoa cùng 36 tuổi, ở TT.Chúc Sơn, H.Chương Mỹ, Hà Nội. Họ đã có 17 năm chung sống và trải qua cuộc sống vô cùng gian nan. Anh Thiết từ năm 2 - 3 tuổi đã bị mù một mắt do biến chứng của bệnh sởi, mắt còn lại cũng chỉ nhìn được mờ mờ.
“Gia đình nghèo nên không có tiền chữa trị. Học hết cấp 2, tôi đành phải nghỉ học về nhà làm chổi chít giúp bố mẹ để đỡ đi gánh nặng cho gia đình”, anh chia sẻ.
Là người hiền lành, chăm chỉ nên đến tuổi lập gia đình, anh may mắn được một cô gái xinh xắn ở làng bên là chị Giang Thị Hoa, đồng ý về làm vợ. Cuộc sống tưởng như vậy là anh thấy đã mãn nguyện rồi. Nhưng khi vợ vừa sinh con thứ nhất thì tai họa lại giáng xuống. Trong lúc giúp bạn lợp lại mái nhà, một viên ngói rơi trúng mắt còn lại, nên anh bị mù hoàn toàn từ đó.
Gia đình anh cũng hụt hẫng, nhất là chị Hoa thì bị sốc nặng và hoang mang, nhưng cố động viên chồng. Nhờ thế mà anh vượt qua những ngày tháng chán nản. “Tôi tập đi và tập làm, rồi biết nấu cơm, giặt quần áo, làm các công việc gia đình... Vậy là từ đó tôi ở nhà chăm con và làm nội trợ để vợ đi chợ bán hoa quả, rau dưa mùa nào thức đó để kiếm tiền nuôi con”, anh kể.
Rồi vợ anh sinh liền tù tì thêm cho anh 2 đứa con nữa. Không được nhìn thấy mặt con, anh buồn lắm, nên đã bàn với vợ vay mượn hơn 30 triệu đồng để đi chữa mắt. Tuy nhiên, chữa trị không thành công, gia đình rơi vào túng quẫn. Anh đành để vợ đi xuất khẩu lao động kiếm tiền trả nợ. “Khi ấy đứa con lớn 7 tuổi, đứa thứ 2 hơn 2 tuổi và đứa thứ 3 mới hơn 1 tuổi. Tôi ở nhà một nách chăm 3 đứa con. Ngày nào cũng giặt mấy chậu quần áo vì chúng nghịch bẩn. Vừa mới thay xong, nó đi chơi về lại bảo: con ướt hết rồi. Đứa bé thì quấy khóc, ị đùn... Có hôm con ốm sốt, tôi phải thức trắng đêm”, anh kể và bảo nhớ lại vẫn thấy “sợ khủng khiếp”.
Hỏi vì sao lại “dám” cho vợ đi xa, trong khi ở nhà anh lại khó khăn như vậy, anh bảo: “Vì thương vợ nên tôi mới phải để cô ấy đi. Ở nhà cô ấy vất vả quá, dậy từ 3 giờ sáng để đi chợ, nhưng cũng không thể đủ nuôi tôi và 3 đứa con, lại cõng thêm khoản nợ chữa mắt cho chồng...”.
Anh cũng kể khi ấy mọi người bàn ra tán vào, bảo cho vợ đi xuất khẩu lao động là mất vợ vì đã có nhiều gia đình như vậy. Vợ anh có ngoại hình ưa nhìn, trong khi anh lại mù lòa. Rồi mấy năm biền biệt, vợ chồng anh có lúc xa mặt cách lòng nên cũng giận nhau, nhưng không bao giờ anh không lo lắng cho vợ.
“Có lúc tôi giận vợ, nên 2 tháng tắt điện thoại không liên hệ. Tuy nhiên, tôi vẫn lo cho vợ, cứ thỉnh thoảng lại bật máy lên gọi, nhưng chỉ cần nghe thấy tiếng vợ a lô là tôi lại tắt máy…”, anh Thiết nhớ lại.
Cưới lại vợ mình1

4 đứa con anh háo hức trong đám cưới “sang trọng” của bố mẹ

Ảnh: V.T

Nuôi cả gia đình và dạy học miễn phí

Thời gian vợ đi xuất khẩu lao động, không chỉ ở nhà chăm con, anh còn đi học nghề tẩm quất và mở phòng massage để khởi nghiệp. Khi con được 3 - 4 tuổi, anh gửi con đi học và đến một cơ sở tẩm quất học nghề. Do tiếp thu nhanh nên chỉ 10 - 15 ngày sau, anh đã làm ra được tiền tự nuôi bản thân. Sau đó, anh tự lần mò đi xe buýt đến một trung tâm dạy nghề ở Q.Hà Đông (Hà Nội), cách nhà khoảng 30 km theo học để lấy chứng chỉ hành nghề.
“Lúc đầu tôi cũng gặp không ít khó khăn và lo sợ việc phải đi ra đường. Nhưng sau tôi cứ nhờ các anh xe ôm dẫn lên xe buýt và cũng tự tin hơn. Sau 3 tháng, tôi đã hoàn thành khóa học với chứng chỉ loại giỏi”, anh kể.
Nghĩ đi làm thuê chỉ kiếm đủ ăn cho mình, không giúp được vợ con, nên đầu năm 2017, anh Thiết bắt đầu thuê địa điểm và mở phòng massage. Giờ anh đã trở thành “ông chủ” của một phòng massage ở TT.Chúc Sơn với thu nhập vài chục triệu đồng mỗi tháng. “Vợ tôi không còn phải đi làm nữa mà chỉ ở nhà nội trợ và chăm con. Kinh tế gia đình tôi lo hết”, anh Thiết tự hào nói.
Đặc biệt, không chỉ mưu sinh nuôi cả gia đình, anh còn dạy học miễn phí cho nhiều người có hoàn cảnh khó khăn. Đã có 4 người được anh dạy học thành nghề, trong đó có 3 người khuyết tật giờ đã đi làm, còn 1 người khỏe mạnh thì vẫn được anh cưu mang và cảm hóa.
Cưới lại vợ mình2

Chị Giang Thị Hoa hạnh phúc bế con, bên chồng trong tiệc cưới

Ảnh: V.T

Hạnh phúc vì nghĩ cho nhau

Điều tôi không khỏi xúc động là sự chia sẻ rất bình dị về lý do lấy anh Thiết của chị Hoa, một phụ nữ xinh xắn và hoạt bát. Chị kể, khi lấy anh chị mới 18 tuổi và cũng chưa có tình yêu, nhưng vì mẹ chị thấy anh hiền lành nên cứ động viên.
“Mẹ tôi khuyên: Nếu mình có tâm, có đức thương lấy người ta thì sẽ được đền đáp. Nghe mẹ nói vậy nên tôi xiêu lòng. Rồi càng ngày tôi càng thấy yêu anh vì sự giàu nghị lực và biết lo cho vợ con của anh”, chị chia sẻ.
Nhắc lại thời điểm chồng bị mù hoàn toàn, chị Hoa nói: “Thời gian đầu, tôi cũng sốc, nhưng nghĩ là cứ cố gắng thì có phúc rồi có phần...”. Chị Hoa chia sẻ rằng, nghĩ đến chồng, đến con chị lại có nghị lực để vượt qua những ngày tháng khó khăn ấy.
“Tôi chỉ mong sao cho chồng con đỡ khổ. Khi còn đi chợ, tôi không dám mua 5.000 đồng xôi để ăn sáng. Có hôm tôi nhịn từ sáng đến tối và ngất xỉu, vì nghĩ nếu mình ăn, sẽ mất 15.000 - 20.000 đồng/bữa, tiền đó có thể mua thức ăn cho cả gia đình”, chị kể và cho biết trong cuộc sống vợ chồng hầu như chưa bao giờ anh chị to tiếng với nhau.
“Vợ chồng tôi tuy không giàu có, nhưng luôn bằng lòng với mình. Chồng tôi lúc khó khăn, tuy không kiếm được tiền, nhưng luôn là chỗ dựa tinh thần, mang lại cho tôi cảm giác bình yên. Gia đình có rau ăn rau, có cháo ăn cháo nhưng ngồi xuống mâm cơm lúc nào cũng vui vẻ…”, chị Hoa chia sẻ. Chị cũng nhớ lần giận nhau vì hai người ở cách xa, chị có lúc hiểu lầm anh. “Dù giận nhau nhưng chưa bao giờ chúng tôi nghĩ bỏ nhau. Nếu bỏ nhau thì không ai khổ cả, anh ấy vẫn lấy vợ, tôi vẫn lấy chồng, nhưng chỉ khổ cho các con thôi. Nên dù có nói với nhau những câu có thể như vứt bỏ nhưng rồi đâu lại vào đấy, vì chúng tôi không chỉ nghĩ cho mình, mà nghĩ cho các con”, chị Hoa kể. Hạnh phúc đã mang lại cho anh chị 4 đứa con và hiện chị lại “lỡ” mang bầu đứa con thứ 5.
Thương vợ trước đây không được cưới đàng hoàng do điều kiện nghèo khó, nên mới đây anh Thiết đã đăng ký “cưới lại vợ mình” trong đám cưới tập thể do Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội tổ chức cho những người khuyết tật.
Chia sẻ về việc ngỏ ý cưới lại của chồng mình, chị Hoa xúc động nói: “Lúc đầu tôi cũng ngại vì mình có tuổi rồi, lại đang mang bầu, nhưng anh ấy cứ động viên. Hai bên gia đình cũng mong muốn chúng tôi cưới lại, vì ngày xưa chúng tôi chịu quá nhiều thiệt thòi, nên tôi đã đồng ý. Đám cưới đã mang đến cho tôi quá nhiều hạnh phúc”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.