Cuối mùa được giá

13/09/2012 10:22 GMT+7

Điệp khúc này đã trở thành căn bệnh kinh niên của ngành nông nghiệp Việt Nam. Dẫu biết rằng theo quy luật cung cầu thì phải như thế nhưng nó cũng đặt ra nhiều vấn đề đáng phải suy nghĩ.

Lúa gạo, cá, tôm và nhiều mặt hàng nông sản khác trong thời gian gần đây đang tăng giá mạnh và duy trì ở mức cao khi vừa kết thúc vụ thu hoạch. Trước đó, vào vụ thu hoạch rộ, nông dân trồng lúa khổ sở vì giá lúa bán ra không có lời hoặc lời rất ít. Còn những người nuôi tôm nếu trúng mùa thì mới hy vọng hòa vốn. Rõ ràng chuyện tăng giá bây giờ thì rất hiếm nông dân nào được hưởng lợi trên chính giá trị lao động của mình. Như vậy, lợi nhuận sẽ chảy hết vào túi doanh nghiệp (DN)? Suy nghĩ này cũng chưa chắc đúng. Nhiều DN kinh doanh gạo xuất khẩu cũng nơm nớp lo lỗ vì giá lúa gạo nội địa tăng theo giá thế giới. Bán giá cao nhưng họ cũng phải mua vào với giá cao. Nếu không khéo “co” thì chuyện lỗ lã là khó tránh khỏi, nhất là khi trước đây đã ký nhiều hợp đồng với giá thấp.

Trong một chuỗi giá trị sản xuất mà lợi nhuận không thuộc về những người trực tiếp tạo ra nó, khâu trung gian tiêu thụ, phân phối – có lợi nhưng không nhiều. Như vậy thì dù có đạt số lượng xuất khẩu nhiều đến đâu đi nữa thì rõ ràng nó chưa mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế. Vậy lợi nhuận chảy vào đâu? Nếu nhìn vào tình hình thu gom gạo của Trung Quốc từ đầu năm đến nay có thể thấy họ mới chính là người được lợi “trên lưng” của những người nông dân Việt Nam. Họ thu mua dự trữ gạo của chúng ta khi giá thấp, đến thời điểm này khi giá lương thực thế giới tăng, họ có thể xuất ra để hưởng trên lệch giá – vì Trung Quốc có kho dự trữ lớn và cơ chế nhập xuất linh hoạt.

Chẳng lẽ chúng ta lại cứ phải “làm công” trên chính mảnh vườn thửa ruộng của mình, cứ mặc cho người khác hưởng lợi trên lưng của người nông dân một nắng hai sương? Trả lời cho câu hỏi đó, trách nhiệm thuộc về các ngành chức năng của Việt Nam.

Chỉ biết rằng, nếu cứ để nông dân gánh chịu khó khăn thiệt thòi thì đến một lúc nào đó họ sẽ mất lòng tin, kiệt quệ về kinh tế, không có vốn để tiếp tục tái sản xuất thì thế mạnh nông nghiệp sẽ không còn mạnh nữa. 

Chí Nhân

>> Nỗi buồn… được mùa
>> Người dân trồng tỏi được mùa
>> Ngư dân Phú Yên được mùa cá cơm và ruốc
>> Dưới 18 tuổi không được mua, bán thuốc lá
>> Hoa tết Phú Yên được mùa, được giá
>> Lại được mùa, mất giá

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.