Cường quốc nhan sắc - Kỳ 3: Mặt trái của chiếc vương miện

13/11/2013 00:35 GMT+7

Để có được vinh quang trên đấu trường nhan sắc, không ít bé gái ở Venezuela phải hy sinh tuổi thơ.

>> Cường quốc nhan sắc - Kỳ 2: Lò đào tạo người đẹp
>> Cường quốc nhan sắc

 Cường quốc nhan sắc - Kỳ 3: Mặt trái của chiếc vương miện
Các cô gái được đào tạo tại Học viện Miss Venezuela - Ảnh: Missvenezuela.com

Bảy tuổi đã rành son phấn

Báo The New York Times (Mỹ) từng có bài phóng sự về tình trạng trẻ em gái Venezuela chôn vùi tuổi thơ trong các trường đào tạo hoa hậu. Bé Ana Cristina Graterol (7 tuổi), chân tay khẳng khiu nhưng đã biết tự làm sạch da mình trước khi vào giờ học trang điểm tại Học viện Herman (Caracas), nơi đào tạo những người đẹp trong tương lai cho Venezuela. Mẹ Ana từ lâu muốn con gái sẽ trở thành một hoa hậu - cũng là mơ ước của hầu hết bé gái ở Venezuela. Ana là một trong số hàng chục ngàn trẻ em từ 4 - 11 tuổi đang theo học tại các trung tâm đào tạo người đẹp. Và dĩ nhiên chuyện các em rất sành điệu về thời trang, gu ăn mặc, chọn tông màu trang điểm hợp mốt là rất bình thường, khi cha mẹ sẵn lòng bỏ ra khoản tiền 700 USD cho lớp học từ 4 - 6 tháng tại các ngôi trường này.

Giselle Cesin (18 tuổi) một sinh viên đại học ở Venezuela đã trả lời với The New York Times rằng mẹ là người luôn gây áp lực cho cô về chuyện ăn kiêng để giữ dáng vóc chuẩn. “Năm 14 tuổi, tôi đã chỉnh sửa mũi, hút mỡ bụng và chuẩn bị tạo hình bộ ngực cho thật gợi cảm”, Cesin thú nhận.  

Những ông trùm nhan sắc

Tổng giám đốc Tập đoàn Venevision, nơi Hoa hậu Hoàn vũ 2013 Gabriela Isler đang làm việc là Gustavo Cisneros (68 tuổi), người gốc Cuba, được xem như trùm truyền thông của Venezuela. Ông được tạp chí Forbes (Mỹ) xếp vào danh sách những người giàu nhất thế giới với tổng tài sản ước tính 4,2 tỉ USD. Báo The New York Times gọi Cisneros là “một trong những nhân vật quyền lực nhất Mỹ La tinh”.

 

“Chúa tạo ra cả ngành phẫu thuật thẩm mỹ”

Người dân Venezuela thừa nhận với họ nhan sắc chính là nguồn tài nguyên mang lại cho đất nước sự tự tin, thu hút quan tâm của cộng đồng quốc tế cũng như khẳng định vị thế của một siêu cường cho dù chỉ là nhan sắc. Ông bầu Osmel Sousa đang khai thác nguồn tài nguyên đó và công khai thừa nhận chuyện sẵn sàng biến đổi một cô gái sở hữu nhan sắc thường thường bậc trung thành hoa hậu bằng câu nói vui: “Chúa đã tạo ra đàn bà nhưng cũng tạo ra cả ngành phẫu thuật thẩm mỹ”.

Sự giàu có của Tập đoàn Cisneros đến từ cổ phiếu trong lĩnh vực giải trí, truyền thông và cả viễn thông tại Venezuela. Năm 1980, tập đoàn này sở hữu, độc quyền tổ chức cuộc thi Hoa hậu Venezuela. Ngay khi nắm quyền kiểm soát cuộc thi hoa hậu, Gustavo Cisneros lập tức mời một ông trùm khác là Osmel Sousa (67 tuổi), sinh tại Rodas, Cuba về làm “ông bầu” cho các người đẹp tiềm năng. Năm 1980, một lò chuyên đào tạo người mẫu, hoa hậu ra đời với tên gọi Học viện Miss Venezuela mà Sousa làm quản lý. Ông cũng được Cisneros trao giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị Miss Venezuela, đơn vị tổ chức thi hoa hậu danh tiếng nhất Venezuela.

Bí quyết để Sousa nhào nặn ra những người đẹp khuynh đảo thế giới chính là vô số bài giảng rất cụ thể, chi tiết cũng như kỷ luật sắt trong quá trình đào tạo. Rất nhiều kinh nghiệm được Sousa đúc kết về chế độ dinh dưỡng, áp dụng các bài tập luyện thân thể nghiêm ngặt (nếu cần thiết sử dụng cả phẫu thuật thẩm mỹ), tiếp cận học hỏi những nhà thiết kế thời trang danh tiếng, học trang điểm để có thể tự làm đẹp khi dự các cuộc thi nhan sắc, học diễn thuyết, tiếng Anh, học diễn xuất trước ống kính, bồi dưỡng kiến thức về chính trị, văn hóa, tôn giáo…

Tuy nhiên để có được danh tiếng, các cô gái ở Venezuela phải đánh đổi nhiều thứ. Eliana Calicchia, một người đẹp 28 tuổi, từng vào chung kết cuộc thi Hoa hậu Venezuela năm 2010, cho biết: “Không đơn giản như việc chúng tôi chỉ việc ăn cần tây mỗi ngày. Sự hy sinh của những người đẹp là có thật. Chúng tôi không thể ăn bất cứ thứ gì mình muốn mà phải tuân theo một chế độ định sẵn của các chuyên gia dinh dưỡng”. Bị ám ảnh bởi sự hấp dẫn của chiếc vương miện nhan sắc, hằng năm ở đất nước này có tới hàng chục ngàn cô gái giảm cân, phẫu thuật thẩm mỹ và thực hiện các bài tập chuyên sâu để đi thi hoa hậu mà theo “ông bầu” Sousa, thì đó được xem như ngang bằng với chế độ luyện tập quân sự.

Thi hoa hậu như bầu cử tổng thống

Những người đẹp đại diện Venezuela tham dự 4 cuộc thi nhan sắc uy tín nhất trên thế giới là Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Quốc tế và Hoa hậu Trái đất đều phải qua cuộc tuyển chọn cực kỳ gắt gao từ cuộc thi Hoa hậu Venezuela, ra đời vào năm 1952.

Để xuất hiện tại vòng chung kết Hoa hậu Venezuela được tổ chức hằng năm, các người đẹp buộc phải chiến thắng cuộc thi nhan sắc ở từng tiểu bang hay đặc khu hành chính. Vòng chung kết Hoa hậu Venezuela cũng là nơi các thí sinh được đào tạo bài bản kỹ năng chọn lựa trang phục, trang điểm, dáng đi, nụ cười, cách ứng xử, giao tiếp… Do vậy khi đoạt giải, dĩ nhiên các người đẹp chiến thắng từ cuộc thi này sẽ được trang bị đủ đầy khả năng chinh phục ban giám khảo của bất cứ cuộc thi nhan sắc nào trên thế giới.

Đỗ Tuấn 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.