Cựu chủ tịch VEAM và những 'phi vụ' thất thoát hàng trăm tỉ đồng

06/08/2019 08:11 GMT+7

Cơ quan CSĐT Bộ Công an phát hiện những 'phi vụ' dẫn đến thất thoát hàng trăm tỉ đồng, liên quan trách nhiệm của ông Trần Ngọc Hà, cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM).

Liên quan vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Tổng công ty máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) cùng một số đơn vị thành viên, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã phát hiện những “phi vụ” dẫn đến thất thoát hàng trăm tỉ đồng, liên quan trách nhiệm của ông Trần Ngọc Hà, cựu Chủ tịch HĐQT VEAM.
Trước đó, ngày 3.8, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho biết đã thực hiện quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh khám xét, lệnh bắt tạm giam đối với các ông Trần Ngọc Hà, nguyên Chủ tịch HĐQT, nguyên Tổng giám đốc VEAM; Lâm Chí Quang, nguyên Tổng giám đốc VEAM; Vũ Từ Công, Phó tổng giám đốc VEAM và Nguyễn Mạnh Chung, Giám đốc Công ty TNHH máy kéo nông nghiệp, cùng về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí quy định tại điều 219 bộ luật Hình sự năm 2015.
 T.S - C.H
Cụ thể là ở dự án đầu tư máy kéo 4 bánh hạng trung là dự án nhóm B, công trình công nghiệp - cấp 1 đặt tại khu công nghiệp Bỉm Sơn (Thanh Hóa), do VEAM đầu tư với tổng mức gần 1.490 tỉ đồng, thực hiện từ tháng 2.2016 đến năm 2022.
Theo đó, từ năm 2018, Thanh tra Bộ Công thương xác định dự án chưa được triển khai nhưng đã mua sắm nhiều phụ tùng, linh kiện, trong đó chi phí mua công nghệ hơn 56,5 tỉ đồng; đến nay sản phẩm chưa được sử dụng do dự án không được triển khai. Đồng thời, chi phí tư vấn, thẩm định báo cáo tiền khả thi và thiết kế cơ sở làm thiệt hại hơn 3,11 tỉ đồng (cũng do dự án không được triển khai)...
Cơ quan chức năng xác định, tại dự án này, ông Trần Ngọc Hà có trách nhiệm chính trong việc phê duyệt điều chỉnh phương án, ký hợp đồng về cung cấp linh kiện với đối tác nước ngoài và ký các chứng từ thanh toán khi dự án đầu tư sản xuất máy kéo chưa có quyết định đầu tư gây thất thoát số tiền hơn 56,5 tỉ đồng nêu trên.
Ngoài ra, ông Hà cũng được xác định có trách nhiệm của người đứng đầu khi thiếu kiểm tra, giám sát đối với tổng giám đốc trong việc ký các chứng thư bảo lãnh cũng như không xử lý kịp thời các khoản nợ cho Công ty CP vận tải thương mại VEAM (Vetranco), gây thất thoát gần 76 tỉ đồng.
Theo Thanh tra Bộ Công thương, cùng với trách nhiệm của ông Hà, khoản tiền thất thoát tại Vetranco có trách nhiệm chính thuộc về ông Lâm Chí Quang (Chủ tịch VEAM giai đoạn 2004 - 2011 và tổng giám đốc giai đoạn 2011 - 2015) và người đại diện phần vốn nhà nước, kế toán trưởng, chủ tịch các đơn vị thành viên, ban giám đốc đơn vị thành viên liên quan.
Theo nguồn tin Thanh Niên, các sai phạm tại VEAM đã được Cơ quan CSĐT Bộ Công an vào cuộc điều tra từ trước đó. Đến cuối tháng 5.2019, quá trình thanh tra về công tác quản lý vốn vay, vốn hỗ trợ, tiền gửi và công nợ tại VEAM, Bộ Công thương phát hiện nhiều sai phạm có dấu hiệu vi phạm hình sự và đã chuyển hồ sơ 4 vụ có dấu hiệu sai phạm về quản lý kinh tế sang Bộ Công an để điều tra, xử lý.
Đó là các vụ việc: mua linh kiện phụ tùng ô tô (3.000 bộ linh kiện xe Hyundai Mighty với TCG; 1.500 bộ linh kiện giữa VEAM và chi nhánh Công ty TNHH Mekong Auto), việc chuyển tiền từ VEAM cho Nhà máy ô tô VEAM và quản lý vốn, công nợ; việc sử dụng nguồn vốn hơn 112 tỉ đồng không đúng mục đích từ nguồn vốn chuyển quyền sử dụng đất 191 và 193 Bà Triệu (Hà Nội) tại Công ty TNHH MTV cơ khí Trần Hưng Đạo trong dự án đầu tư di chuyển và xây dựng mới công ty cơ khí Trần Hưng Đạo; vụ việc liên quan hệ thống khuôn dập ca bin thiệt hại hơn 26 tỉ đồng; vụ việc có dấu hiệu cố ý làm trái, buông lỏng trong công tác quản lý đất đai tại tổng công ty và một số đơn vị thành viên gây thiệt hại, lãng phí tài sản nhà nước. Các vụ này không chỉ liên quan đến ông Trần Ngọc Hà mà cả người tiền nhiệm và kế nhiệm. 

Nhóm lợi ích” ở VEAM ?

Trong một báo cáo của VEAM từ tháng 5.2019, ông Ngô Văn Tuyển, quyền tổng giám đốc, đã đưa ra thông tin đề nghị HĐQT và Ban kiểm soát cần có đánh giá về nhóm lợi ích tại doanh nghiệp này. Báo cáo cũng nêu rõ cần xem xét trường hợp là người thân của Tổng giám đốc VEAM hoặc nắm giữ các vị trí tại các đơn vị thành viên của VEAM.
Báo cáo này dành nhiều “dung lượng” đề cập đến dự án nhà máy ô tô của VEAM (VM) với những khoản rót vốn khổng lồ nhưng chịu cảnh thua lỗ thảm hại. Cụ thể, VM được HĐQT VEAM ra quyết định phê duyệt đầu tư từ năm 2004 với tổng mức đầu tư 462 tỉ đồng, có công suất 30.000 xe tải và 3.000 xe khách mỗi năm. Chỉ 4 tháng sau đó, HĐQT VEAM ra một nghị quyết khác phê duyệt nâng tổng mức đầu tư dự án lên 599,59 tỉ đồng. Ấn định mức đầu tư này là để dự án thuộc nhóm B do VEAM quyết, còn dự án nhóm A trên 600 tỉ đồng sẽ do Bộ Công thương quyết định.
Dự án này sau đó đã nhiều lần đội vốn. Đến cuối năm 2018, tổng vốn VEAM rót vào VM là 2.643 tỉ đồng. Nếu trừ đi tổng mức đầu tư ban đầu, VEAM đã rót vào VM hơn 2.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, lỗ lũy kế đến thời điểm nêu trên là 343 tỉ đồng.
Theo báo cáo, trong giai đoạn 2009 - 2018, tổng doanh thu của VEAM lên tới 9.300 tỉ đồng, lợi nhuận gộp đạt gần 9,4% doanh thu, thì chi phí bán hàng chiếm 9,1% doanh thu. Đáng chú ý, VEAM trả hoa hồng cho đại lý nhưng đại lý không bán đúng giá hưởng hoa hồng mà bán ra giá cao hơn. VEAM cũng cho phép đại lý cấp 1 và đại lý cấp 2 được hưởng hoa hồng bán hàng trong khi đại lý cấp 1 không tham gia bán hàng. Phương thức này dẫn đến hàng hóa VEAM khó cạnh tranh, lợi nhuận đạt thấp.
Thái Sơn - Chí Hiếu
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.