Cứu cụ ông 98 tuổi bị gãy xương khớp háng kèm bệnh tim rất nặng

Đình Tuyển
Đình Tuyển
09/08/2019 12:34 GMT+7

Một bệnh nhân 98 tuổi bị bệnh tim nặng, không may ngã gãy xương đùi tưởng không thể hồi phục vừa được các bác sĩ ở Cần Thơ cấp cứu kịp thời sau ca mổ thay khớp.

Sáng 9.8, BS.CK2 Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết bệnh nhân Trần Văn Mười (98 tuổi, ngụ huyện Thạnh Trị, Sóc Trăng), người được phẫu thuật thay khớp háng tại bệnh viện hôm 7.8, đang hồi phục nhanh, tỉnh táo, ăn uống tốt và đã có thể tập đi bằng khung đỡ.

Cụ ông 98 tuổi bị bệnh tim nặng phục hồi kỳ diệu sau ca mổ thay khớp

Trước đó, trong lúc đi lại trong nhà, cụ Mười không may té ngã dẫn đến chấn thương nặng, không thể đứng dậy. Ngay sau đó, cụ được gia đình đưa lên cấp cứ tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ.
Qua khám lâm sàng và các xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân cao tuổi này bị gãy phức tạp liên mấu chuyển xương đùi trái kèm theo bệnh lý tim mạch rất nặng là hẹp van động mạch chủ, thiếu máu cơ tim, hở van 3 lá nặng, tăng áp động mạch phổi. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật thay khớp háng.
Ngày 7.8, ê kíp phẫu thuật Khoa Chấn thương chỉnh hình phối hợp với Khoa Gây mê hồi sức đã tiến hành phẫu thuật thay khớp háng bán phần cho bệnh nhân. Ca mổ diễn ra trong 90 phút.
Đến sáng 9.8, sức khoẻ bệnh nhân đã hồi phục rất khả quan, vết mổ vùng đùi trái khô, không đau, cử động 2 chân tốt, bàn chân trái hồng ấm.

Ths.BS Trần Văn Hết hướng dẫn người nhà chăm sóc bệnh nhân

Ảnh: Đình Tuyển

Theo Ths.BS Trần Văn Hết (Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ), người phẫu thuật cụ Mười, phẫu thuật cho bệnh nhân lớn tuổi ở khoa không phải là hiếm gặp, song với những trường hợp bệnh nhân vừa cao tuổi vừa bị nhiều bệnh lý nặng kèm theo đòi hỏi bác sĩ phải hết sức thận trọng. Ngoài việc hội chẩn, phối hợp tốt giữa các chuyên khoa còn phải giải thích cặn kẽ cho thân nhân về tình trạng của bệnh nhân để đi đến quyết định tốt nhất.
“Thường những bệnh nhân trên 80 tuổi nếu gãy xương vùng khớp háng mà không mổ kịp thời thì khả năng vận động sẽ hạn chế, đa số là nằm một chỗ. Khi đó thì sợ nhất là những biến chứng do nằm lâu, như loét, hình thành cục máu đông gây tắc mạch máu nhỏ như ở tim, phổi. Vấn đề nữa cũng thường gặp là sau khi bệnh nhân nằm lâu, dễ dẫn đến nhiễm trùng màng phổi, viêm phổi do không thể khạc đàm được. Tiếp đến là nhiễm trùng tiểu vì tất cả sinh hoạt tiêu tiểu tại chỗ không thể như bình thường được. Ngược lại nếu phẫu thuật thì thông thường hậu phẫu ngày thứ nhất thì bệnh nhân có thể ngồi dậy được, lúc đó hạn chế được những biễn chứng do nằm lâu, có thể cử động chân mổ. Cũng có thể tuỳ theo trường hợp có thể bệnh nhân tập đi bằng khung vào ngày thứ nhất sau mổ”, BS Hết cho biết.
Theo BS.CK2 Huỳnh Thống Em, Trưởng khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, hệ xương khớp của người lớn tuổi (trên 70 tuổi) rất yếu và giòn nên nhiều người té ngã rất nhẹ vẫn có thể bị gãy xương khớp háng. Khi gãy xương khớp háng, trường hợp nặng sẽ gây đau đớn dữ dội cho người bệnh và phải đi cấp cứu ngay. Nhẹ hơn thì khớp háng bị rạn nứt, hoặc gãy cài với nhau, người bệnh có đau nhưng vẫn có thể nhúc nhích được.
Chính vì điều này mà nhiều trường hợp người nhà và người bệnh không biết bị gãy xương nên không đưa đi khám. Thậm chí có không ít trường hợp thay vì đưa người nhà đến bệnh viện cấp cứu thì lại để ở nhà bó thuốc. Chỉ đến khi người bệnh đau kéo dài nhiều ngày, có biến chứng do nằm lâu mới đưa vào viện thì đã muộn.
Cũng theo BS Thống Em, chỉ riêng từ tháng 6.2019 đến nay, tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đã có 15 trường hợp bệnh nhên hơn 80 tuổi được thay khớp háng thành công.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.