Cứu người bị đột quỵ: Đưa đến bệnh viện lúc nào tốt nhất?

28/08/2018 05:24 GMT+7

Bệnh nhân đột quỵ cần được đưa tới cơ sở y tế trong khung giờ vàng để được cứu sống đồng thời không để lại di chứng.

Cứ 1 phút, mất 2 triệu tế bào thần kinh

Theo tiến sĩ, bác sĩ Trần Chí Cường (Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TP.HCM): Khi bệnh nhân bị đột quỵ cứ 1 phút lại có 2 triệu tế bào thần kinh bị mất đi nên rất cần được di chuyển tới cơ sở y tế nhanh nhất có thể.

Thời gian vàng để đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế là trong 6 giờ đầu. Đặc biệt, đối với bệnh nhân xuất huyết não việc cấp cứu trong 6 giờ đầu càng quan trọng hơn vì bệnh nhân bị chảy máu nếu để lâu thì máu càng chảy nhiều hơn, đe dọa tính mạng càng nghiêm trọng.

"Nhưng không đồng nghĩa với việc qua 6 giờ bệnh nhân sẽ không còn cơ hội được cứu", bác sĩ Cường nói.

Trong vòng 45 phút khi tới phòng cấp cứu bệnh nhân cần được chụp CT để chẩn đoán, đó là mốc thời gian trung bình và tối thiểu để xác định bệnh nhân có bị đột quỵ không, nếu có thì là loại đột quỵ nào.

"Hiện nay đột quỵ có khuynh hướng trẻ hóa. Trước đây, có rất ít trường hợp đột quỵ từ 40 tuổi trở xuống. Tuy nhiên trong 5 năm trở lại đây, tỉ lệ bệnh nhân dưới 40 tuổi bị đột quỵ ngày càng gia tăng. Rượu bia và thuốc lá sẽ ảnh hưởng trực tiếp lên hệ thống mạch máu, hệ thần kinh làm cho bệnh nhân bị đột quỵ ngày càng gia tăng và trẻ hóa. Hơn nữa chúng ta rất ít vận động, điều kiện môi trường làm việc quá căng thăng như thức đêm nhiều, vận động quá sức cũng làm cho tỉ lệ đột quỵ ngày càng gia tăng", bác sĩ Cường khuyến cáo.

Bác sĩ Cường cho biết mỗi năm ở nước ta có hơn 200.000 bệnh nhân đột quỵ nhưng chỉ 3% đến được bệnh viện trong 6 giờ đầu, 97% là đến sau 6 giờ.

Riêng khu vực miền Tây Nam bộ, mỗi năm có hơn 10.000 bệnh nhân bị đột quỵ và gần như 100% không thể đến TP.HCM để cấp cứu trong 6 giờ đầu.

Chính vì vậy, việc có một cơ sở chuyên về đột quỵ ở miền Tây Nam bộ là hết sức cấp thiết.

Đặc biệt, do đặc thù miền Tây nhiều kênh rạch, sông nước, nhiều hộ gia đình sống tại các cồn nhỏ nên ngoài cấp cứu đường bộ cần thiết phải có thêm hệ thống cấp cứu đường thủy.

Theo bác sĩ Cường, sẽ có bệnh viện chuyên khoa đột quỵ đầu tiên ở Việt Nam đặt tại Cần Thơ phục vụ hơn 15 triệu dân ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vào tháng 11.2018 và sẽ phát triển cấp cứu đường sông bằng ca nô.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.