Cựu thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa khai báo bất nhất

21/11/2018 07:16 GMT+7

Trả lời thẩm vấn, bị cáo Nguyễn Thanh Hóa phủ nhận toàn bộ mối quan hệ với doanh nghiệp bình phong CNC.

Ngày 20.11, ngày xét xử thứ 7 đối với 92 bị cáo trong đường dây đánh bạc ngàn tỉ qua mạng internet tập trung vào phần thẩm vấn bị cáo Nguyễn Thanh Hóa, cựu thiếu tướng - cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50), về hành vi lợi dụng quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Băn khoăn vì “chưa bắt được vụ nào đã lo đi làm công ty”
Trước tòa, bị cáo Nguyễn Thanh Hóa khai gặp gỡ và quen biết với Nguyễn Văn Dương (Chủ tịch Công ty cổ phần công nghệ cao - CNC) từ năm 2010 và biết đây là người có mối quan hệ rộng với công an các tỉnh thành.
Trả lời câu hỏi chủ tọa về việc ai là người đề xuất cho CNC thành lập công ty bình phong của C50, bị cáo Hóa khai mình là người ký đề xuất, nhưng trình bày khá dài dòng về xuất phát điểm của loại hình công ty này. Theo đó, bị cáo được Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ (đã mất) gọi lên cho biết C50 được phép thành lập công ty bình phong và nói “cho thằng cháu anh về để làm”. Do người này không đạt yêu cầu, nên ông Ngọ giới thiệu Nguyễn Văn Dương, lúc đó đang là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư UDIC. Một thời gian sau bị cáo Hóa được ông Vĩnh giới thiệu Dương. Trình bày trước tòa, cựu cục trưởng C50 khai do khá lúng túng với loại hình công ty này nên đã triệu tập cuộc họp với ban tham mưu để tìm hiểu.
Theo bị cáo Hóa, sau khi được phê duyệt chủ trương lập công ty nghiệp vụ cho C50, ông cùng cấp dưới thỏa thuận để ký văn bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh với Công ty CNC của Nguyễn Văn Dương. Trong đó, C50 đồng ý đóng góp 20% vốn và cử người tham gia, đổi lại C50 được nhận 20% lợi nhuận. Tuy nhiên bị cáo Hóa khai trên thực tế, C50 không có nhân lực và tiền tham gia hợp tác nên không thực hiện theo bản ghi nhớ nữa. “Như vậy, CNC không phải là công ty bình phong, không phải cơ sở và cũng không có quyết định nào công nhận điều đó”, bị cáo nói.
Trả lời câu hỏi: “Vì sao C50 không có tiền nhưng vẫn đề xuất góp vốn 20% vào CNC như đề án?”, bị cáo Nguyễn Thanh Hóa khai: “Cấp trên bảo làm thì chúng tôi làm chứ thời điểm này tôi cũng có nhiều băn khoăn suy nghĩ chưa bắt được vụ nào đã lo đi làm công ty”. Bị cáo cũng khẳng định với luật sư thời điểm năm 2011, C50 không có nhu cầu lập công ty bình phong.
Cựu thiếu tướng phản cung
Bị cáo Nguyễn Thanh Hóa khai do không thực hiện được ghi nhớ giữa C50 và CNC nên đã từng gọi cho bị cáo Dương thông báo và được chấp nhận. Được gọi lên đối chất, bị cáo Dương đáp: “Tôi thấy tôn trọng trình bày của anh Hóa nhưng không tiện để nói đúng hay không đúng mà xin HĐXX xem xét trong hồ sơ”. Bị cáo Hóa tiếp tục khai việc CNC thuê cơ sở của công an tại số 10 Hồ Giám (Q.Đống Đa, TP.Hà Nội) làm trụ sở nhưng không biết tại đây có treo bảng tên phòng làm việc của cục trưởng C50.
HĐXX lập tức công bố lời khai của bị cáo Nguyễn Văn Dương trước đó, thể hiện bị cáo Hóa biết CNC treo biển và đã đề nghị gỡ bỏ. Tiếp tục được gọi lên đối chất, bị cáo Dương khai: “Cơ quan điều tra đã xác minh nội dung đó từ cán bộ công nhân viên của công ty tôi, hỏi lại tôi thì tôi có xác nhận. Sau treo biển, anh Hóa có ý kiến công ty cần đảm bảo bí mật, phải tháo xuống”.
Trả lời HĐXX về Văn bản số 352 ngày 15.7.2016 báo cáo Bộ Công an về tình hình game online tiền ảo tại VN, trong đó thể hiện sai sự thật về việc CNC liên kết VTC Online điều hành 2 cổng trò chơi điện tử trực tuyến là Rikvip.com và 23zdo.com, đã được cấp phép, bị cáo Hóa khai văn bản này do ông Phan Văn Vĩnh ký, bản thân bị cáo “ký nháy”. Tuy nhiên, bị cáo này cho rằng, thời điểm bị cáo “ký nháy”, nội dung trên... không có trong văn bản.
“Bị cáo nói không công nhận CNC là doanh nghiệp bình phong nhưng tại sao trong bản khai tại cơ quan điều tra, bị cáo lại thừa nhận đây là công ty nghiệp vụ?”, chủ tọa truy tiếp, đồng thời công bố lời khai bị cáo Hóa tại cơ quan điều tra, thể hiện trong thời gian CNC là công ty bình phong của C50, bị cáo Hóa đã yêu cầu công ty này hằng quý, hằng tháng, hằng năm có báo cáo gửi cho C50”. “Lời khai đó diễn ra lúc tôi đang mệt mỏi nên không đúng với chứng cứ”, bị cáo này nói.
Trước những lời khai bất nhất này, đại diện Viện KSND tỉnh Phú Thọ đã công bố Văn bản số 190 ngày 7.8.2012, có dấu đỏ do ông Hóa ký gửi Cục Chính trị - Hậu cần đề xuất sử dụng số 10 Hồ Giám cho CNC. Trong văn bản này nhiều lần thể hiện CNC là công ty nghiệp vụ. Tuy nhiên, bị cáo Hóa tiếp tục giải thích vòng vo rồi đổ lỗi đây là trách nhiệm cấp dưới.
Dù từ chối hầu hết các cáo buộc của Viện KSND tỉnh Phú Thọ, song bị cáo Nguyễn Thanh Hóa lại cho rằng “đồng ý với buộc tội của Viện KSND”: “Ban đầu tôi bị bắt là tội tổ chức đánh bạc, sau 4 tháng chuyển qua tội lợi dụng chức vụ quyền hạn... Tôi cũng mệt mỏi 9 tháng qua rồi. Tôi đồng ý việc buộc tội tôi”, bị cáo nói, đồng thời cũng nhận định bản chất hành vi của mình là làm không hết trách nhiệm và không có động cơ vụ lợi.
Cuộc đối chất giữa Cục trưởng C50 và cấp dưới
Hôm qua, HĐXX đã nêu nhiều câu hỏi làm rõ việc Nguyễn Thanh Hóa biết CNC tổ chức trò chơi đánh bạc trên mạng nhưng không có biện pháp ngăn chặn, nhưng bị cáo phủ nhận. Vì thế, HĐXX đã quyết định triệu tập người làm chứng là ông Hoàng Xuân Phóng (Trưởng phòng 2 - C50, nay là Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao) và Nguyễn Huy Lục (Trưởng phòng Tham mưu C50, đang bị đình chỉ công tác). HĐXX đã thực hiện biện pháp cách ly, cho từng người đối chất.
Khai trước tòa, ông Phóng cho biết từ cuối năm 2015, Phòng 2 phát hiện CNC phát hành game bài Rikvip trá hình. Có lần ông Phóng báo cáo trước sự chứng kiến của Phó cục trưởng C50 và phó phòng. Sau nhiều lần đề xuất bằng miệng, giữa năm 2016, ông Phóng báo cáo lại bằng Văn bản số 229. Từ thông tin này, cựu Cục trưởng C50 đã làm văn bản báo cáo lãnh đạo bộ. “Lời trình bày của anh Phóng không đúng sự thật. Không có văn bản nào báo cáo cho tôi”, bị cáo Hóa nói.
Trong khi đó, nhân chứng Nguyễn Huy Lục cho biết từ đầu năm 2016 đã phát hiện CNC đang kinh doanh game bài đổi thưởng Rikvip và đã báo cáo Nguyễn Thanh Hóa nhưng được cục trưởng... thuyết phục lại là game bài Rikvip không vi phạm pháp luật. Thậm chí, nhân chứng Nguyễn Huy Lục cho biết: “Có lần anh ấy còn quát mắng tôi”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.